Nghề công chứng viên: Rủi ro rình rập

Nghề công chứng viên: Rủi ro rình rập

Nghề công chứng trở thành nghề xã hội hóa theo Luật Công chứng có hiệu lực năm 2006 kéo theo sự “nở rộ” của nhiều văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh. Đây là nghề được xem là chịu nhiều rủi ro, nếu sơ suất có thể phải hầu tòa.

KHÔNG PHẢI LÀ NGHỀ “ĐÓNG DẤU, ĂN TIỀN”

Công chứng viên là người được Nhà nước giao quyền, thay mặt Nhà nước chứng nhận tính xác thực và tính hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc tổ chức, cá nhân tự nguyện yêu cầu. Ông Lê Văn An, Chủ tịch Hội Công chứng tỉnh cho biết, lâu nay nhiều người cho rằng, công chứng viên chỉ là người “ký tên, đóng dấu lấy tiền”. công việc thực sự của công chứng viên không phải vậy. Phía sau chữ ký của công chứng viên là sự bảo đảm an toàn về pháp lý cho các giao dịch mua bán, chuyển nhượng tài sản có giá trị lớn. Các giao dịch này phải được công chứng viên thực hiện theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ được pháp luật quy định. Đây là nghề cũng có nhiều cám dỗ lớn từ khách hàng, đòi hỏi công chứng viên phải có đạo đức nghề nghiệp.

Theo Phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp), thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, những năm gần đây, tỉnh đã huy động được nguồn nhân lực tham gia hoạt động công chứng, đáp ứng kịp thời nhu cầu công chứng gia tăng trên địa bàn, qua đó, người dân được quyền lựa chọn nơi mình tin tưởng khi có yêu cầu cần công chứng, không còn tình trạng quá tải, ùn tắc hoặc phải đi lại xa. Theo thống kê, hiện trên địa bàn có 18 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó 3 phòng công chứng nhà nước và 15 văn phòng công chứng tư nhân với 35 công chứng viên được công nhận. Tại các trụ sở công chứng có niêm yết sẵn các danh mục, quy định hồ sơ yêu cầu công chứng và công khai, minh bạch các mức thu phí, thù lao công chứng để khách hàng dễ dàng giao dịch.

Ông Phạm Thịnh, Phó Chánh thanh tra Sở Tư pháp cho biết, nghề công chứng cũng có mặt trái khi xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh ở các văn phòng công chứng. Vì vậy, Sở Tư pháp phải thường xuyên thanh kiểm tra định kỳ, đột xuất để chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm của các văn phòng công chứng. Các văn phòng công chứng thường vi phạm các lỗi trong các hợp đồng giao dịch trái quy định pháp luật bị phạt hành chính, thậm chí có trường hợp bị truy tố trách nhiệm hình sự.

VỮNG CHUYÊN MÔN ĐỂ TRÁNH RỦI RO NGHỀ NGHIỆP

Hiện nay, nạn gian dối, lừa đảo, giả mạo giấy tờ, giả mạo người yêu cầu công chứng có chiều hướng gia tăng, mức độ tinh vi, phức tạp. Ngay trên địa bàn tỉnh, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp giả mạo giấy tờ, giả mạo chủ thể (phổ biến nhất là trường hợp nhà đất là có thật nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng được làm thành nhiều bản để bán cho nhiều người). Vì vậy, công chứng viên đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro. “Ban ngày làm công chứng nhưng tối về vắt tay lên trán lo nghĩ không biết những giấy tờ mình đã ký và đóng dấu có sơ suất ở khâu nào không” – công chứng viên Nguyễn Quỳnh – Văn phòng công chứng số 3 (TP. Vũng Tàu) tâm sự.

Theo ông Phạm Thịnh, hầu hết những sai phạm của công chứng viên đều do sơ suất trong nghiệp vụ, hoặc do áp lực công việc mong muốn phục vụ khách hàng nhanh chóng để cạnh tranh với các đơn vị khác, nên việc thẩm định hồ sơ thường hay nóng vội, dẫn đến công chứng viên vô tình sai sót khi hành nghề.

Để hạn chế sai phạm của công chứng viên, công tác thẩm định nhất thiết phải tuân thủ những nguyên tắc căn bản, bởi chỉ cần mắc lỗi ở một công đoạn, sẽ kéo theo hàng loạt những sai phạm tiếp theo, mang tính hệ thống. Vì vậy, theo ông Lê Văn An, nghiệp vụ hành nghề là yếu tố quan trọng nhất giúp công chứng viên đối mặt với các hành vi lừa đảo. Đã có nhiều trường hợp người vợ thuê người đóng giả chồng để đi công chứng giấy tờ bán nhà. Trong công chứng, việc lăn tay khách hàng (chủ sở hữu tài sản) là việc làm hết sức quan trọng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp công chứng viên chủ quan, bỏ qua thủ tục này khiến kẻ lừa đảo qua mặt. Do vậy, ngoài yếu tố chuyên môn, nghiệp vụ, mỗi công chứng viên phải tự tích lũy cho mình kinh nghiệm ứng phó với các tình huống, đề cao cảnh giác trong công chứng. Các văn phòng công chứng cần trang bị các thiết bị soi giấy tờ giả, thiết bị xác nhận dấu vân tay, nhằm ngăn chặn tình trạng làm giả, lừa đảo như hiện nay.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

admin