Thời hạn từ chối nhận di sản thừa kế

Thời hạn từ chối nhận di sản thừa kế

Từ chối nhận di sản thừa kế được pháp luật xác định là một quyền, không ai có thể bị buộc phải nhận di sản, nếu không muốn. Vì thế, từ chối nhận di sản cũng được coi là quyền tự do ý chí của người thừa kế. Tuy nhiên việc từ chối nhận di sản thừa kế có bị pháp luật hạn chế về thời hạn hay không?

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ:

      – Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực ngày 01-01-2017)

II. NỘI DUNG TƯ VẤN:

       – Trước đây theo quy định của khoản 3 Điều 642 Bộ luật dân sự năm 2005:

      “Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế.”

        – Tuy nhiên sau một thời gian thực hiện thì quy định trên đã gây nhiều bất cập cho người dân trong quá trình làm thủ tục chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống. Chính vì thế,  Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định mở hơn về thời hạn từ chối nhận di sản thừa kế, cụ thể tại Khoản 3 Điều 620:

      “Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.”

        Điều 611 BLDS năm 2015 cũng giải thích rõ thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trong trường hợp Tòa án tuyên bố một người đã chết, thì thời điểm mở thừa kế là ngày mà Tòa án xác định người đó đã chết. Nếu không xác định được chính xác ngày chết của người đó thì ngày bản án tuyên bố một người đã chết có hiệu lực pháp luật được coi là ngày mà người đó chết.

        

Theo quan điểm của Luật Hải Nguyễn thì việc thay đổi thời hạn trên là hoàn toàn phù hợp với thực tế quan hệ dân sự bởi những nguyên nhân sau:

        *Thứ nhất, việc từ chối nhận di sản là quyền của người được hưởng thừa kế nhằm thể hiện ý chí khước từ nhận các di sản. Nó là quyền chứ không phải là nghĩa vụ nên không cần thiết phải giới hạn thời hạn trong một mức thời gian cụ thể.
*Thứ hai, thực tiễn cho thấy có rất nhiều trường hợp người thừa kế không biết về việc mở thừa kế (ví dụ như do cư trú ở nước ngoài, do đi xa không có mặt tại địa điểm mở thừa kế, …) nên không thực hiện được quyền từ chối trong thời hạn mà pháp luật quy định. Vì thế, không nên giới hạn thời gian được quyền từ chối của người thừa kế, miễn là việc thực hiện ý định từ chối được thực hiện trước thời điểm phân chia di sản và được thực hiện theo quy định của pháp luật thì sẽ được xem là lời từ chối hợp pháp.

      – Mặc dù không bị giới hạn về thời hạn từ chối nhận di sản thừa kế thì người từ chối cũng phải tuân thủ các quy định sau đây nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người khác:

    + Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

    + Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

admin