Công chứng hợp đồng thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng Trung. Công chứng hợp đồng hết hạn

Câu hỏi

Doanh nghiệp chúng tôi là một doanh nghiệp thuộc sở hữu của một doanh nhân Trung Quốc, hiện nay tất cả hợp đồng mua bán của chúng tôi đều thể hiện bằng cả tiếng Việt và tiếng Trung. Vậy trong trường hợp tôi muốn công chứng loại hợp đồng này thì có thể làm thủ tục công chứng bình thường như các hợp đồng kinh tế khác không? Và đối với hợp đồng đã hết hạn thì tôi có được công chứng không? Xin cảm ơn!

Trả lời 
Theo quy định tại Điều 2 Luật Công chứng: “Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.”
Như vậy, nếu hợp đồng của công ty bạn bắt buộc phải công chứng theo quy định của pháp luật thì đương nhiên bạn phải làm thủ tục này. Nếu pháp luật không có quy định bắt buộc công chứng thì bạn vẫn có thể yêu cầu tổ chức công chứng công chứng hợp đồng của mình, đây là trường hợp công chứng theo yêu cầu tự nguyện của người yêu công chứng mà Luật Công chứng đã quy định như trên.
Tuy nhiên, bạn cũng lưu ý là khi bạn yêu cầu công chứng thì công chứng viên tiếp nhận có quyền từ chối công chứng nếu có lý do theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Luật Công chứng: “Trong trường hợp có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe doạ, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc có sự nghi ngờ đối tượng của hợp đồng, giao dịch là không có thật thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng.”
Ngoài ra, hai vấn đề mà bạn hỏi cụ thể như sau:
* Về vấn đề hợp đồng thể hiện bằng cả hai thứ tiếng là tiếng Việt và tiếng Trung thì bạn có quyền yêu cầu công chứng chứng nhận bản hợp đồng bằng tiếng Việt; mà không có quyền yêu cầu công chứng bản hợp đồng bằng tiếng Trung. Vì: Điều 10 Luật Công chứng quy định về tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng như sau: “Tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng là tiếng Việt.”
* Về việc công chứng hợp đồng đã hết hạn:
Khoản 3 Điều 4 Luật Công chứng quy định: “Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và có đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác)”. Điều 6 Luật Công chứng quy định về giá trị pháp lý của văn bản công chứng: “Văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thoả thuận khác”. Theo quy định này thì sau khi hợp đồng của bạn được công chứng, quyền và nghĩa vụ của các bên sẽ phát sinh và các bên có trách nhiệm thực hiện.
Đối chiếu với trường hợp của bạn, hợp đồng đã hết hạn thì đương nhiên quyền và nghĩa vụ của các bên không còn và các bên không còn phải chịu ràng buộc bởi hợp đồng nữa. Như vậy, việc công chứng không còn giá trị như pháp luật quy định nữa.
Hơn nữa, như trên đã nói “Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác”. Nếu hợp đồng đã hết hạn, các bên không còn thực hiện hợp đồng nữa thì tính xác thực ở đây là không có và công chứng viên không thể chứng nhận tính xác thực của hợp đồng này được.
Vậy, khi hợp đồng đã hết hạn thì bạn không thể yêu cầu công chứng hợp đồng đó.

admin