Rà soát các lĩnh vực được lập vi bằng

Rà soát các lĩnh vực được lập vi bằng

Việc lập vi bằng trong thời gian qua gặp phải vướng mắc chủ yếu do người dân chưa nhận thức đúng về giá trị pháp lý của vi bằng. Lãnh đạo Bộ Tư pháp cho biết, thời gian tới, sẽ rà soát, siết chặt quản lý hoạt động này.

Trong hoạt động lập vi bằng, vẫn còn nhiều cách hiểu, nhận thức khác nhau đến phạm vi, thẩm quyền được lập vi bằng của Thừa phát lại. Hiện nay, nhiều trường hợp thừa phát lại lập vi bằng liên quan đến đất đai, nhà ở không có sổ đỏ giao dịch mua bán, chuyển nhượng. Việc giao dịch này trái pháp luật, do đó, việc lập vi bằng trong các trường hợp này được cho là hợp thức hóa giao dịch trái pháp luật. Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng, có thể có những lý do khách quan, người dân chưa được cấp sổ đỏ. Trong khi, hoạt động mua bán, chuyển nhượng nhà, đất không có sổ đỏ hiện nay phổ biến dưới hình thức viết tay, nếu không thông qua vi bằng thì hoạt động đó vẫn diễn ra. Do vậy, việc lập vi bằng trong trường hợp này để bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia giao dịch, góp phần giải quyết nhu cầu của người dân.
Theo đại diện Sở Tư pháp Hà Nội, khi lập vi bằng cho người dân, vẫn còn nhiều thừa phát lại không giải thích rõ về nội dung, giá trị pháp lý của vi bằng, nên dễ phát sinh các hệ lụy. Là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, Sở Tư pháp phải đứng ra giải quyết, do đó, cần siết chặt hoạt động này, đặc biệt là việc lập vi bằng liên quan đến đất đai, nhà ở không có sổ đỏ.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cũng đề nghị phải chấn chỉnh, siết chặt quản lý để hạn chế tối đa các sai sót, hệ lụy trong hoạt động lập vi bằng. Theo đó, cần rà soát, lập danh mục các lĩnh vực mà thừa phát lại được lập vi bằng cho các tổ chức, người dân.
Đồng tình với việc thừa phát lại không được lập vi bằng liên quan đến đất đai, nhà ở không có sổ đỏ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho rằng, đạo đức nghề nghiệp của thừa phát lại và ý thức người dân là yếu tố quan trọng. Để hạn chế tối đa các phát sinh, hệ lụy trong hoạt động lập vi bằng, cần rà soát, siết chặt hơn nữa công tác quản lý Nhà nước, nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực này.
Đối với việc lập vi bằng liên quan đến đất đai, nhà ở có nguồn gốc rõ ràng thì trước khi công chứng, thừa phát lại có quyền lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi này làm cơ sở thực hiện hợp đồng, giao dịch cũng như giải quyết các tranh chấp phát sinh. Bởi theo quy định của Luật Công chứng, công chứng viên chứng nhận hợp đồng, giao dịch tại thời điểm công chứng. Việc các bên trao đổi, thỏa thuận các nội dung, điều khoản trước khi yêu cầu công chứng do các bên tự thực hiện.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp mới đây, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết, thời gian qua, vẫn có hiện tượng hiểu chưa đúng và chưa thống nhất về vi bằng và giá trị pháp lý của vi bằng do thừa phát lại lập. Về giá trị pháp lý, vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án; là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Vi bằng không phải văn bản công chứng, chứng thực; không có giá trị thay thế văn bản công chứng, chứng thực. Việc chuyển quyền sử dụng đất, nhà ở phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở và pháp luật về công chứng, chứng thực.

admin