Giải đề < giải quyết vấn đề

Giải đề < giải quyết vấn đề
1. Từ 15 tuổi đến 18 tuổi, cơ thể con người có sự biến đổi mạnh mẽ, gọi là dậy thì, thời kỳ phát triển thể chất để tạo bộ khung của một người trưởng thành về sau. Giáo dục phổ thông ở các nước chỉ đào tạo học chữ một buổi, buổi còn lại tập thể dục thể thao, kỹ năng sống…Nếu bạn đến sân trường các trường cấp 3 ở các nước, các bạn sẽ thấy các nam sinh nữ sinh đang đánh bóng rổ, hoặc bơi lội, hoặc may vá nấu ăn cắm hoa khiêu vũ, trồng cây làm vườn…. Trông ai cũng cao to khỏe mạnh, hồng hào, vui vẻ.
2. Có 3 nước còn theo văn hoá khoa bảng là Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam. Tuổi hoa niên ở 3 nước này trôi qua trong áp lực học chữ và học chữ dưới sức ép của phụ huynh để hơn bạn bè, để có thể vào trường tốt, hòng có một việc làm tốt về sau. HỌC ĐỂ THI là triết lý giáo dục của nền vắn hóa khoa bảng.
Từ lớp 9, bọn trẻ đã phải thức dậy từ 5 sáng và đi ngủ lúc 12h đêm chỉ để giải đề và học thêm ở các lò luyện. Vừa vào lớp 10, một cuộc chạy đua khác diễn ra trong 3 năm ròng rã để vào ĐH, các bạn trẻ tiếp tục gồng mình “hiếu học” cho phụ huynh, mắt cận, người teo tóp, lờ đờ…vì thiếu ngủ, thiếu vận động, còn việc nhà thì cha mẹ làm thay. Vì có kỳ thi đầu vào ĐH, nên học sinh phải “giải đề” liên tục. Khác với mọi nước khác là chỉ XÉT TUYỂN dựa trên điểm SAT và bài tự luận của học sinh. Trường TOP thì lựa thêm các tiêu chuẩn khác như công tác xã hội, các năng khiếu đặc biệt, những đóng góp cho cộng đồng, những phát minh thành tựu…của học sinh trong 12 năm học.
Ám ảnh tuổi học trò ở 3 nước này chưa bao giờ chấm dứt do “hiếu học” đã hiểu nhầm thành “hiếu bằng cấp”. Trong khi học là để làm người, học là để làm việc.
Học hành là việc cả đời, là sự tự lĩnh hội và chuyển biến trong nhận thức.
Dưới áp lực THI CỬ của văn hoá KHOA BẢNG, nhiều bạn trẻ 3 nước trên đã chọn một lối rẽ khác, học phổ thông nhẹ nhàng, bình thường, không quan tâm đến việc xếp loại, âm thầm học SAT và tiếng Anh để thi tú tài quốc tế, vốn dễ dàng hơn nhiều, rồi kiếm học bổng du học, hoặc các ĐH dân lập, các cao đẳng nghề trong nước nếu không đi du học được.
Là công dân toàn cầu, ngoài trí tuệ còn phải có thể chất, ngoại hình, quan niệm “đầu óc ngu si tứ chi phát triển” là một quan niệm cực kỳ sai lầm của một số nước châu Á khi cha mẹ hướng con cái vô việc không vận động, chỉ ham ôm sách vở nên mặt mũi méo mó, mắt cận cả chục độ, gầy liêu xiêu…để thành trí thức. Nhận xét “anh đó trông trí thức lắm” thì phải là hình ảnh như vậy, chứ không thể là cao to khỏe mạnh, đầy năng lượng…vì sẽ quy vào là dân “quần đùi áo số”, ít chữ. Trí thức kiểu này thì sẽ không có năng lượng để làm việc, đóng góp cho đời…vì không chịu được cường độ làm việc cao trong hội nhập quốc tế.
Mong phụ huynh VN cho con bớt học chữ, giải đề, luyện thi. Chúng ta nên cân đối việc học chữ với vận động, vui chơi, các kỹ năng sống khác. Đừng như thế hệ Tony, cả cuộc đời, cứ bị stress là nằm mơ thấy “ngày mai đi thi”.
Năng lực “giải quyết vấn đề” mới là cái cần nhất, chứ không phải năng lực “giải đề”, xin đừng rút gọn hai chữ “quyết, vấn”.

admin