Thời lai phong tống Đằng Vương Các

Thời lai phong tống Đằng Vương Các
Ở Sài Gòn có mấy quán cà phê tên là Cát Đằng, nhiều con dượng hỏi nghĩa là gì vậy. Có khi các bạn viết nhầm từ Các Đằng hay không, vì tiếng miền Nam phát âm Cát và Các là giống nhau. Nếu đúng là Cát Đằng, thì đó là một loại dây leo, còn Các Đằng tức Đằng Vương Các, gắn liền với các giai thoại của thi ca Trung Quốc thời Đường và nhà thơ Vương Bột.
Thời Đường, tức khoảng thế kỷ thứ 7 đến thứ 10, là thời kỳ cực thịnh của phong kiến Trung Hoa. Một xã hội thịnh vượng, người ta ăn no mặc ấm sung túc mới nghĩ chuyện thơ văn múa hát. Thơ trong thời kỳ này thành một trường phái riêng, gọi là Đường thi (thi là thơ, tiếng Hán Việt). Chúng ta có thể biết nhiều nhà thơ lớn của Trung Quốc và của cả thế giới trong giai đoạn này như Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Thôi Hiệu, Đỗ Phủ….Thời Sơ Đường tức thời kỳ đầu, có tứ kiệt tức bốn nhà thơ nổi danh thiên hạ, trong đó có Vương Bột, gọi là thần thi, vì viết thơ như thần, hay không bút mực nào tả xiết. Người Trung Quốc vô cùng yêu mến Vương Bột, vì nét nho nhã thanh tao của con người ông. Tuy rất tài hoa nhưng Vương Bột lại mệnh yểu, chết lúc 26 tuổi ở Việt Nam. Chuyện kể rằng, khi Vương Bột sang thăm cha ở châu Hoan, tức Nghệ An ngày nay, bị bão số 7 ập đến (do cơ quan khí tượng thuỷ văn dự báo sai) nên ông bị đắm tàu chết, người dân địa phương đã vớt xác ông lên lập miếu thờ (thời Đường, một số tỉnh ven biển Bắc Bộ nước ta thuộc quận Giao Chỉ, Bắc thuộc, mãi đến khi nhà Đường kết thúc năm 907, 31 năm sau đó, tức năm 938, Ngô Quyền mới xác lập lại chủ quyền của nước ta). Thế mới biết, người tử tế đàng hoàng thì ở đâu cũng được yêu mến. Nếu chúng ta tìm được miếu thờ của họ Vương và trùng tu, chắc chắn sẽ là một điểm tham quan vô cùng ưa thích của người Trung Quốc nho nhã, vốn đang tôn thờ thơ ông. Giới trẻ Trung Quốc bây giờ nghiện thơ Vương Bột vì câu từ quá nhẹ nhàng, thanh thoát, khoáng đạt rộng lớn. Không thần tiên như Lý Bạch, không đời như Đỗ Phủ, thơ Vương Bột mang một nét riêng, thi trung hữu hoạ, tức trong thơ có tranh vẽ, đẹp đến nao lòng người.
Trở lại Đằng Vương Các, đây là một trong tứ lầu của thi ca, 3 lầu kia là Hoàng Hạc Lâu, Nhạc Dương Lâu và Bồng Lai Các. Lâu là lầu, còn các là gác, giống như Khuê Văn Các ở Văn Miếu. Lúc đó, viên đô sát tên là Diêm Bá Dư có mở tiệc chiêu đãi tao nhân mặc khách ở Đằng Vương Các nhân dịp tết Trùng Cửu, tức ngày 9 tháng 9 âm lịch, có mời mọi thi nhân có mặt. Nghe tin, Vương Bột, lúc đó chỉ là một cậu thanh niên 15-16 tuổi, muốn tham gia nhưng không thể nào được vì đường sá quá xa xôi, đi thuyền phải mất mấy ngày mới tới nơi. Đêm đó, Vương Bột tâm sự với một ông già rằng mình muốn góp mặt để đời biết danh mình, nhưng tỏ ý tiếc rẻ vì không thể tham gia. Ông già mỉm cười bảo chàng trai trẻ cứ chuẩn bị hành trang, nếu có thời thì khắc sẽ làm được mọi thứ. Quả thật, khi vừa lên tàu giong buồm, ngọn gió Trùng Cửu nổi lên, đưa thuyền họ Vương đến bến Nam Xương, nơi có Đằng Vương Các uy nghi toạ lạc, chỉ sau một đêm. Sau này, Tô Đông Pha viết “thời lai, phong tống Đằng Vương Các” tức thời đến, gió sẽ hộ tống mình đi đến bến Đằng Vương, là câu cửa miệng của nhiều người.
Hôm đó, ở Đằng Vương Các, đô sát họ Diêm vừa nhìn thấy thiếu niên mặt trắng họ Vương thì bĩu môi cả thước, tỏ ý khinh bỉ lắm. Con rể của họ Diêm là một người vô cùng nổi tiếng, mới ra đề “Đằng Vương Các Tự” rồi mời quan khách múa bút. Ai cũng biết ý của họ Diêm là khoe con rể hay chữ, nên không ai dám, trừ Vương Bột, do không biết nên mới sáng tác ngay. Mấy câu đầu, mọi người đều cười chế nhạo vì không có gì hay. Nhưng đến 2 câu cuối, ai nấy nghe xong đều thất sắc.
“Lạc hà dữ cô lộ tề phi
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”
Lạc hà là ráng chiều buông xuống, cô lộ tề phi là một con cò cô đơn đang bay. Thu thuỷ là sông nước mùa thu, trường thiên là trời rộng mênh mông, chỉ có một màu. ( “dữ, cộng” nghĩa là cùng với, chữ and trong tiếng Anh).
Chỉ với 2 câu này, thiên nhiên tươi đẹp của cả vùng Nam Xương được nổi bật lên như một bức tranh. Diêm đô sát nhào tới lắc vai chàng thanh niên trẻ, hỏi đây là ai, là ai, người phàm hay thần thi vậy. Bỗng khắc, trên trời cao, một tiếng động khinh thiên giữa bầu trời quang mây tạnh. Quan khách ai nấy tái mặt, trừ một cô gái áo hồng đang đứng dưới cành liễu. Vương Bột nhìn thấy, (còn tiếp)

admin