Huế Xưa – Tượng binh

Huế Xưa – Tượng binh

Voi là loài vật hoang dã sớm được con người thuần dưỡng để phục vụ cho
cuộc sống. Các triều đại như Ngô, Đinh, Lý, Trần, Lê… thường dùng voi
trong sinh hoạt cung đình. Đến thời Nguyễn voi được dùng trong chiến đấu
gọi là tượng binh. Ngày xưa, nếu ở vùng thôn quê, buôn làng, voi chỉ có
thêm chiếc bành, tấm lót lưng, dây xích, chuông để sử dụng, quản lý
voi; còn ở chốn kinh thành, tỉnh thành, chúng được chăm sóc và trưng
diện với bộ trang sức rất cầu kỳ. Trang sức chẳng những để làm đẹp, oai
phong cho những ông tượng mà còn khẳng định thứ bậc của từng con voi.

Photobucket

Trước đây, voi là sản vật quý để tiến cống giữa các quốc gia nhằm tăng
cường mối quan hệ bang giao. Triều đình thường chọn những chú voi khỏe
mạnh và trang sức thêm vàng bạc, châu báu trên ngà, trên thân hình để
tôn vẻ đẹp, nâng giá trị cho chúng trước khi dâng tặng. Sách Lịch triều
hiến chương loại chí
viết: Khi Tống Hiến Tông lên ngôi vào năm 1172, vua
Lý sai Doãn Tử Tư, Lý Bang Chính và Nguyễn Văn Hiếu đi sứ cống 10 con
voi làm lễ mừng Tống Hiến Tông và 5 con voi làm cung tiến đại lễ, có cả
bành voi để vua ngự. Ngà, móng, chân và trán voi đều trang sức bằng vàng
và bạc. Các vua Chămpa tặng voi cho Đại Việt cũng thường chọn voi
trắng, voi có ngà đẹp, có trang sức quý.

Triều Nguyễn là một triều đại
duy trì số voi đông nhất và coi trọng vai trò của voi trong chiến đấu và
hoạt động cung đình. Từ các chúa Nguyễn đến các vua nhà Nguyễn đều có
sự ưu ái đặc biệt với loài voi. Ngạch tượng binh không chỉ hiện diện ở
kinh thành, làm “mặt tiền” phô trương quân binh chủng chủ lực của triều
đình mà còn phiên về khắp tỉnh thành trên cả nước để phòng thủ, tăng
cường sức mạnh quân sự. Voi được đặt tên hẳn hoi, có quy định chế độ
nuôi nấng, thuần dưỡng, luyện tập và chú ý việc trang sức cho chúng. Gia
Long năm thứ 11 (1812), định ra các vật trang sức cho voi gồm nhiều
chất liệu khác nhau. Người quản voi ở các doanh trấn, lỵ sở đo bề dài,
bề ngang, bề mặt dày, bề lưng tròn, thước, tấc, cân lạng bao nhiêu của
các con voi rồi ghi đúng thực số vào sổ, đợi lệnh cho ban phát của triều
đình. Chất liệu thường là the, lĩnh, đồ đồng, đồ sắt, dây bằng vải,
song mây để làm bành, cờ phướng, trang sức trên chân, ngà, trên cổ voi.
Voi công (voi của nhà nước phong kiến) đi đóng thú ở các lỵ sở, trong đó
có những vật gì đem đi theo voi, hoặc mới làm cũng được sửa chữa lại.
Các tượng cơ đóng thú ở các doanh, trấn, các vật đem theo voi phải xét
bề cao của voi là bao nhiêu thước tấc, đều theo lệ mà lĩnh. Phàm voi cao
từ 6 thước 5 tấc đến 7 thước trở lên, theo lệ lĩnh 1 cuộn dây bằng vải
buộc vào cổ voi. Đó là một cuộn dây nhỏ bằng vải đỏ, dài 25 tầm (mỗi tầm
8 thước ta), lưng tròn 1 tấc, cân nặng 4 cân 5 lạng; vòng bằng đồng 4
cái, mỗi cái vòng đường kính bề ngang 2 tấc, 2 phân, độ cân lên đều nặng
1 cân 11 lạng.

Bành voi chiến là nơi được trang trí công phu nhất. Mỗi
thớt voi được cấp 1 cỗ bành và nhiều “phụ tùng” kèm theo như màn che 2
bức, mây kết xung quanh, tổng cộng 200 sợi, mỗi sợi dài 4 thước 5 tấc; 1
cuộn dây bằng mây song dài 4 tầm, 4 thước 7 tấc; 2 cuộn dây bằng mây
song để phóng lao, mỗi cuộn dài 2 tầm, 2 thước 3 tấc; tù và, bàn chông 1
bộ; hậu thủ bằng sắt 1 bộ, dài 6 thước, 9 tấc, cân nặng 9 cân; 1 cái
rìu bằng sắt, dài 5 tấc, cân nặng 10 lạng. Phàm voi cao từ 4 thước 5
tấc, đến 5 thước 5 tấc, theo lệ lĩnh 1 cuộn dây bằng vải, buộc vào cổ
voi.

Voi chiến mỗi thớt, theo lệ lĩnh 1 lá cờ đỏ thêu, 1 cây cờ có mũi giáo
bằng sắt, cuộn dây thu kết thúc đằng trước bằng sắt; mũi lao phi bằng
sắt (30 cây), mũi lao phóng bằng sắt (20 cây), câu liêm sắt 1 cái,
chuông đồng 2 quả. Các doanh, trấn phàm có voi công đến đóng thủ ở hạt
mình, thì quan sở tại cùng viên quản tượng, theo đúng lệ đã định mà thi
hành.

Dưới triều Minh Mạng, nước ta có đội tượng binh gồm 500 con voi, riêng ở
kinh thành Huế 150 con, Bắc thành (Hà Nội) 110, Gia Định 75 con. Năm
1839, vua Minh Mạng phê chuẩn về cách thức trang sức cho voi như sau:
Các vệ Kinh tượng chuẩn bị các bộ trang sức tơ màu sặc sỡ, kèm theo với
ngự đều bọc đoạn lông. Bộ trang sức này được dùng từ 1- 2 năm, thậm chí
chưa đủ 1 năm mà đã bị rách nát, không dùng được thì cho các thợ sửa
chữa, bao bọc lại theo đúng cách thức. Voi vua ngự thì được trang sức
bằng chất liệu cao cấp hơn và hình thức phải khác biệt so với voi
thường. Cái nệm ngồi và những bức trướng ở đằng trước, đằng sau, bên tả,
bên hữu, phía trong bành đều dùng đoạn hoa mẫu đơn các màu. Những bức
trướng ở ngoài bành đều dùng tơ lụa thêu dệt các màu; quãng đằng trước
đeo xen chuông bằng đồng, dùng tơ lụa bằng nỉ các màu đính vào.

Năm 1847, vua Minh Mạng phê chuẩn thêm: Từ trước tới nay, cờ voi, bành
voi ở các tỉnh, hoặc do Kinh cấp phát, hoặc do ở tỉnh làm lấy, màu cờ
xanh, vàng, đỏ, biếc không thống nhất. Từ nay về sau, về màu sắc, tơ lụa
sơn thếp đỏ, xanh, đen, biếc tùy ý, và các kiểu tô vẽ ở bành như: Kỳ
lân, long mã, rồng mây, sóng gợn cũng tùy ý, không cứ nhất thiết theo ấn
định. Duy bành voi không được vẽ rồng sắc vàng, để có phân biệt màu sắc
với bành voi ở Kinh. Cờ voi ở các tỉnh, hoặc thuê đính 1 chữ, hoặc
2,3,4 chữ, không được thống nhất; vậy theo cách thức, mỗi mặt lá cờ đều
đính 2 chữ, như tỉnh Quảng Nam là đội Nam tượng, thì cờ đính hai chữ:
“Nam tượng”; tỉnh Gia Định là đội Gia tượng, thì cờ đính chữ “Gia
tượng”; tỉnh Bình Định là đội Bình tượng thì cờ đính chữ “Bình tượng”.

Trang sức cho voi là một hình thức làm đẹp, làm sang cho con vật thân
yêu, gần gũi với con người. Các vị vua, quan cưỡi trên lưng voi xuất
hiện trước bàn dân thiên hạ với áo long bào, mũ mão cân đai rực rỡ thì
chú voi cũng phải được “tạo dáng” để tỏ vẻ oai phong. Ngày nay, trong
Hội voi Dak Lak, voi được trang trí với cờ Tổ quốc, cờ hội, vải thổ cẩm
với hoa văn dân tộc. Các lễ hội lớn ở Huế, tái hiện voi ở kinh đô xưa,
như Lễ hội Nam Giao, Lễ hội chốn Hoàng cung voi được trang trí đẹp với
nhiều vải vóc, đồ trang sức, góp phần làm nên những sắc màu lễ hội.

Tấn Vịnh
Nguồn:Báo Đắc Lắc online

* Đọc thêm về voi Buôn Con của vua Bảo Đại

Photobucket

Đàn voi qua sông Hương, phía xa xa tháp chùa Thiên Mụ

Photobucket

Đoàn voi hoàng cung

Photobucket

Photobucket

Voi được trang sức để tham dự lễ hội

Photobucket

Photobucket

Voi phủ phục trước Điện Cơ Mật

Photobucket

Voi của vua

Photobucket

Voi hoàng cung ở lối vào Đại Nội

Hổ Quyền
(Theo Trung tâm bảo tồn di tich cố đô Huế)

Hổ Quyền là một di tích hết sức đặc biệt trong quần thể di tích cố đô
Huế, tọa lạc tại địa phận thôn Trường Đá, xã Thủy Biều, thành phố Huế.

Như ý nghĩa mà hai chữ Hổ Quyền bao hàm, đây thực sự là một chuồng nuôi
hổ. Song bên cạnh đó, nó còn có chức năng của một đấu trường hết sức độc
đáo mà theo sự hiểu biết của chúng tôi thì không hề có ở bất cứ nơi đâu
trên thế giới: đấu trường của những cuộc tử chiến giữa voi và hổ.

Sự hình thành Hổ Quyền dưới triều Nguyễn có thể nói là hệ quả tất yếu
của một loạt sự kiện xảy ra trong một quá trình lịch sử dài đến mấy trăm
năm. Những trận đấu giữa voi và hổ được tổ chức sớm nhất có tư liệu ghi
chép lại là vào thời các chúa Nguyễn (1558-1775). Tất nhiên không phải
tổ chức ở Hổ Quyền vì bấy giờ công trình này chưa được xây dựng. Một học
giả người Pháp là Pierre Poivre cho biết ông đã từng thấy những trận
đấu giữa voi và hổ do chúa Nguyễn tổ chức ở đảo Dã Viên trên sông Hương.
Ông cũng kể thêm là vào năm 1750, có một lần chúa Nguyễn Phúc Khoát
cùng với triều thần đi trên 12 chiếc thuyền đến hòn Dã Viên để xem một
cuộc đấu không tiền khóang hậu giữa voi và hổ. Đây có lẽ là trận đấu
khủng khiếp và đẫm máu nhất trong lịch sử. Các khán giả đã chứng kiến từ
lúc bắt đầu cho đến kết thúc, khi mà 40 con voi đã tàn sát đến con hổ
cuối cùng trong số 18 con được thả ra làm vật tế thần trong ngày hội.

Đến thời các vua Nguyễn, người ta cũng thường tổ chức những cuộc đấu
giữa voi và hổ và xem đó là những ngày hội lớn cho cả triều đình và dân
chúng. Song trong giai đoạn đầu vì chưa có một đấu trường hẳn hoi để đảm
bảo tính an toàn nên những sự cố vẫn thường xảy ra. Ví như dưới thời
vua Gia Long, trong một trận đấu được tổ chức ở bãi đất trống phía trước
Kinh Thành, giới hạn bằng một hàng rào lính tráng cầm khí giới đứng
vòng quanh bảo vệ, một con hổ đã bứt được dây trói nhảy chồm lên tát
người quản tượng rơi xuống đất và ông đã bị chính con voi do mình huấn
luyện dẫm chết. Sự lồng lộn của con dã thú đã gây thương tích cho nhiều
người và trở thành nỗi kinh hoàng cho tất cả khán giả. Thời Minh Mạng
cũng từng xảy ra một sự cố tương tự. Nhân ngày lễ Tứ Tuần Đại Khánh
(mừng thọ vua 40 tuổi vào năm 1829), vua ngự thuyền rồng xem một trận
thư hùng giữa voi và hổ tổ chức ở bên bờ Bắc sông Hương. Trong khi giao
đấu, chúa sơn lâm bứt được dây trói, lao ra và bơi về phía thuyền rồng.
Giữa lúc quan binh nhốn nháo hoảng loạn, vua Minh Mạng kịp dùng con sào
đẩy lùi được con vật cùng đường. Nhờ vậy, quan quân mới kịp chèo thuyền
đến giết chết hổ giữa dòng sông cứu vua kịp thời.

Do những sự cố này, năm Minh Mạng thứ 11 (1830), vua Thánh tổ nhà Nguyễn
đã chọn vùng đất ở thôn Trường Đá, làng Nguyệt Biều, nằm về phía Tây
Kinh Thành, xây dựng một đấu trường kiên cố để tổ chức an toàn những
cuộc đấu nói trên.

Photobucket

Hổ quyền xưa

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/vi/8/8b/H%E1%BB%95_Quy%E1%BB%81n_1.jpg
Hổ Quyền, cổng giữa là lối vào của voi

Tập tin:Ho Quyen 2.jpg

Đấu trường với 5 cổng thông với chuồng hổ.

Tập tin:Ho Quyen 3.jpg

Một chuồng nhốt hổ trước khi thi đấu tại Hổ Quyền

Hổ Quyền là một đấu trường lộ thiên hình vành khăn. Vòng thành trong cao 5,90m; vòng thành ngoài cao 4,75m. Thành ngoài nghiêng một góc khoảng 10-15o tạo thế vững chãi kiểu chân đê. Chu vi tường ngoài Hổ Quyền là 145m, đường kính lòng chảo là 44m.

Khán đài vua ngồi ở mặt Bắc của đấu trường, được xây cao hơn so với các vị trí chung quanh và cơi nới ra sau tạo một không gian tương đối rộng. Bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp đi lên gồm 24 cấp dành cho vua và các quốc thích đại thần. Hai bên có hai hệ thống nữ tường xây bằng gạch hoa đúc rỗng. Bên phải khán đài có một hệ thống bậc cấp khác xây tương tự dành cho quan chức và binh lính. Từ khán đài này nhìn qua phía đối diện, người ta có thể nhận ra 5 chuồng cọp nằm ngay trong lòng đấu trường. Người ta lợi dụng hai vòng tường trong và ngoài của đấu trường để tạo ra vách chuồng. Giữa hai tường thành sẵn có, xây thêm các bức vách bằng gạch để tạo 5 cái chuồng riêng biệt. Hệ thống cửa ở các chuồng hổ là các cửa gỗ được đóng mở bằng cách kéo dây từ trên xuống. Từ khi xây xong Hổ Quyền, nghi thức tổ chức các trận quyết đấu sinh tử giữa voi và hổ trở nên trang trọng hơn trước.

Photobucket

Voi được đưa đến đấu trường

Photobucket

Voi được đưa vào đấu trường để đấu với hổ

Ngày đấu, dân chúng địa phương quanh vùng đặt hương án, lễ vật. Chung quanh đấu trường bày nghi trượng, cắm cờ dựng lọng. Một đội lính mặc áo đỏ đội nón sơn, cầm khí giới nghiêm trang cung kính đứng hai bên đường từ đấu trường đến bờ sông. Suốt trên đoạn đường này, người ta phải trải chiếu hoa để đón nhà vua. Từ sáng sớm, dân chúng được phép đã hăm hở vào đến nơi để chờ xem trận đấu giữa hai kỳ phùng địch thủ.

Thường thì đúng giờ Ngọ, vua mới ngự thuyền rồng đến. Khi thuyền áp sát bờ sông, vua lên kiệu che bốn lọng vàng và bốn tàn vàng. Đi trước là lính Ngự lâm quân, rồi Thị vệ cầm cờ Tam tài, cờ Ngũ hành, cờ Nhị thập bát tú, gươm tuốt trần; tiếp theo là đội nhạc cung đình. Các quan quỳ nghênh đón ở chiếu hoa trải trên đường rồi theo vua vào cổng giữa lên khán đài.

Dưới triều Nguyễn, những trận tử chiến giữa voi và hổ thông thường mỗi năm tổ chức một lần. Các vua Nguyễn là người tổ chức, cũng là người điều khiển, vừa là khán giả rất nhiệt tình cổ vũ cho trận đấu cho đến khi voi giết chết hổ mới thôi. Trận đấu cuối cùng của voi và hổ được tổ chức vào năm 1904 dưới triều vua Thành Thái. Đây cũng là một trận đấu hấp dẫn, đầy kịch tính được nhiều người đương thời chứng kiến và mô tả kỹ.

Có thể thấy việc tổ chức các cuộc huyết đấu giữa voi và hổ trước hết xuất phát từ nhu cầu rèn luyện tượng binh, một binh chủng rất lợi hại của quân đội xứ Đàng Trong, sau mới được nâng dần lên thành trò giải trí tiêu khiển. Xét trên nhiều mặt, đấu trường Hổ Quyền của nhà Nguyễn vẫn mang tính nhân đạo hơn những đấu trường nô lệ đẫm máu của các đế chế Phương Tây.

* Xem thêm Thăm Hổ Quyền nhân năm con Hổ

admin