Tượng vua Khải Định của P. Ducuing

Tượng vua Khải Định của P. Ducuing

Vua Khải Định (1916 – 1925) là vị vua Việt Nam đầu tiên đặt người Pháp làm cho mình một pho tượng chân dung. Đó là pho tượng bằng đồng vàng do nhà điêu khắc Paul Ducuing (1868 – 1945) tạo hình và xưởng Ferdinand Barbédienne ở Paris đúc. Pho tượng thể hiện nhà vua ngồi trên ngai vàng, mặc long bào, đội mão cửu long, tay cầm hốt, hiện đang bài trí ở Thiên Định Cung trong Ứng Lăng (lăng vua Khải Định) ở Huế.

 

Pho tượng ngồi thể hiện theo tư thế của vị hoàng đế đang thết triều, có ý nhằm làm cho người xem quên đi cái cảm giác nhà mồ

Đây là tác phẩm của nhà điêu khắc Paul .Ducuing do xưởng đúc đồng F.Barbedienne, đúc ở Paris.

Paul Ducuing là họa sĩ người Pháp, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Toulouse vào năm 1889. Sau đó, ông nhận được học bổng nên lên Paris, ghi danh vào học trường Mỹ thuật Paris. Tại đây ông được học với những nhà điêu khắc nổi tiếng của nước Pháp lúc bấy giờ như Alexandre Falguière, Antonin Mercié… và trở thành một điêu khắc gia tên tuổi ở Pháp vào những năm cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20.

Tác phẩm của Paul Ducuing được trưng bày thường xuyên trong các cuộc triển lãm mang tên Họa sĩ Pháp. Triển lãm này được tổ chức hàng năm tại Paris, chuyên giới thiệu tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng đương thời. Ông liên tiếp giành được các huy chương hạng ba (1898), hạng nhì (1901) và hạng nhứt (1906) của Hội họa sĩ Pháp. Tác phẩm của Paul Ducuing phản ánh phong cách điêu khắc chính thống, vừa theo trường phái cổ điển, vừa pha trộn với các trào lưu đương thời. Nhờ sự ủng hộ của giới phê bình nghệ thuật, Paul Ducuing đã nhiều lần được lựa chọn để thực hiện các công trình điêu khắc công cộng. Thập niên 1920 là lúc Paul Ducuing đạt đến tột đỉnh vinh quang: ông nhận huân chương Bắc Đẩu bội tinh của Chánh phủ Pháp (1923); được bổ nhiệm làm Giám đốc các công trình nghệ thuật bằng sứ không men (1919); và là Giáo sư nghệ thuật điêu khắc tại Lò sứ Quốc gia Sèvres (từ năm 1920 đến năm 1927).

Nhờ tình bạn với Albert Sarraut, là Bộ trưởng Bộ Thuộc địa và nguyên là Toàn quyền Đông Dương, Paul Ducuing được cử sang Đông Dương trong khoảng thời gian từ tháng 12.1920 đến tháng 2.1921 để thực hiện các công trình nghệ thuật do Chánh phủ Pháp thực hiện ở Đông Dương. Trong chuyến đi này, ông được yết kiến vua Khải Định (của An Nam), vua Sisavong Vong (của Lào) và vua Sisowath (của Campuchia).

http://storage.canalblog.com/88/02/119491/45439744.jpg

 

Món đồ bầy bán tại một cửa hàng cổ vạt hoàng cung tại Paris gồm phiên bản thu nhỏ bằng đồng tặng cho Công tước de Valençay , bức ảnh có dòng đề tặng của vua Khải Định, huy chương An Nam,  long bội tinh và dải băng để đeo huy chương của Công tước de Valençay

Sau khi trở về Pháp, Paul Ducuing thực hiện một pho tượng bán thân vua Khải Định. Pho tượng thể hiện nhà vua mặc thường phục, đội khăn xếp, ngực đeo kim bài và huy chương An Nam long bội tinh. Khuôn mặt nhà vua nhìn thẳng về phía trước, dáng vẻ nghiêm trang theo kiểu tượng bán thân chính thống. Thủ pháp điêu khắc rất tỉ mỉ và khéo léo; các chi tiết gia công theo lối tả thực với nơ cài trên cổ áo; ngực đeo huy chương vàng khảm kim cương; bên trái ngực đeo An Nam long bội tinh; bên phải ngực đeo kim bài khắc bốn chữ Hán Thái bình thiên tử (là một trong hai loại kim bài chính thức của các vị vua triều Nguyễn).

Để thực hiện chính xác tác phẩm điêu khắc này, Paul Ducuing dựa vào bức ảnh chân dung vua Khải Định mà nhà vua đã tặng cho Công tước de Valençay. Để cho bức tượng trở nên sống động, ông đã tạo nên một dải ruy-băng dùng để đeo An Nam long bội tinh, uốn lượn mềm mại trên nền thân tượng. Pho tượng này có ba phiên bản với kích thước và chất liệu khác nhau: pho thứ nhất làm bằng thạch cao, pho thứ hai làm bằng đồng thau, đều cao 77,5 cm; còn pho thứ ba làm bằng đồng mạ vàng, có kích thước thu nhỏ, chỉ cao 34,5 cm.

http://storage.canalblog.com/27/59/119491/45439811.jpg

 

Bức ảnh chân dung vua Khải Định tặng cho Công tước de Valençay

Như tất cả các tượng phác thảo khác của Ducuing, pho tượng bán thân vua Khải Định này cũng được làm bằng thạch cao. Hiện tại, có hai nơi còn giữ được hai phiên bản thạch cao của pho tượng này: một ở trong kho của Bảo tàng Quai Branly ở Paris (Pháp), pho kia thuộc sở hữu của nhà sưu tập Bùi Tường Hùng ở Hà Nội (Việt Nam). Hồ sơ ghi chép về pho tượng vua Khải Định trong Bảo tàng Quai Branly cho biết pho tượng này được Bộ Thuộc địa Pháp mua trước năm 1930. Năm 1931, tượng được đưa ra trưng bày trong Cung An Nam tại Hội chợ Quốc tế thuộc địa tổ chức ở Paris. Năm 1946, tượng được đưa về lưu giữ ở Bảo tàng châu Phi và châu Đại Dương ở Paris.

Thông thường, các nhà điêu khắc luôn giữ bản gốc tác phẩm của mình. Nếu có người hỏi mua thì họ sẽ làm bản sao để bán. Chỉ khi tác phẩm là hàng đặt làm chính thức thì các nhà điêu khắc mới giao bản gốc cho khách hàng. Pho tượng của nhà sưu tập Bùi Tường Hùng chính là bản gốc, nguyên thuộc bộ sưu tập Pháp và Mỹ. Bằng chứng cho nhận định này là khi bà Vitray-Ducuing, con gái của Paul Ducuing, biếu tặng các pho tượng do cha mình sáng tác cho Chánh phủ Pháp vào các năm 1948 và 1949 thì không có pho tượng bán thân này vì nó đã được giao cho người đặt làm. Vitray-Ducuing chỉ tặng các pho tượng khác như tượng vua Đồng Khánh, tượng Phụ chính đại thần Tôn Thất Hân, tượng hoàng tử Vĩnh Thụy cho Chánh phủ Pháp. Riêng pho tượng hoàng tử Vĩnh Thụy thì ngoài tượng bằng thạch cao, vua Khải Định có đặt Ducuing làm thêm một phiên bản bằng đồng thanh, hiện đang bài trí tại Nhà lưu niệm bà Từ Cung trên đường Phan Đình Phùng ở Huế.

 

19th century Vietnamese Emperor Khai Dinh Bust

 

Bản gốc bằng thạch cao của pho tượng thuộc sở hữu của một nhà sưu tập tại Hà Nội

 

19th century Vietnamese Emperor Khai Dinh Bust

 

 

19th century Vietnamese Emperor Khai Dinh Bust (detail)

 

 

19th century Vietnamese Emperor Khai Dinh Bust (detail)

 

Các chi tiết trên bức tượng bán thân

Tượng bán thân vua Khải Định được Chánh phủ Pháp đánh giá cao và được chọn để trưng bày trong Hội chợ Thuộc địa tổ chức ở Marseille vào năm 1922. Do kích thước của pho tượng mẫu không phù hợp, hoặc do nó được làm bằng thạch cao nên không được trang trọng. Vì thế, Chánh phủ Pháp đã đặt làm một phiên bản của pho tượng này bằng đồng thanh để trưng bày tại hội chợ trên. Còn pho tượng thạch cao thì được sơn vàng để làm mẫu. Vì vậy mà lớp sơn màu vàng trên pho tượng của nhà sưu tập Bùi Tường Hùng đã bị bóng tróc rất nhiều, chứng tỏ pho tượng này đã được sơn phủ nhiều lần, trong khi pho tượng ở Bảo tàng Quai de Branly vẫn còn y nguyên vì đây là bản sao đặt mua sau này. Theo yêu cầu của Chánh phủ Pháp, Paul Ducuing đã giao cho xưởng đúc Barbedienne thực hiện một phiên bản thu nhỏ bức tượng bán thân vua Khải Định bằng đồng, cao 34,5 cm, để trưng bày trong Cung An Nam ở Hội chợ Thuộc địa Marseille.

 

01_Playing with Pictures_Madame B Album_1870s_lowres

 

Phiên bản thạch cao của Bảo tàng Quai de Branly

Khi vua Khải Định viếng thăm hội chợ này vào tháng 6.1922, nhà vua nhìn thấy bức tượng chân dung của mình. Ông rất hài lòng nên tiếp tục đặt Paul Ducuing thực hiện thêm một pho tượng toàn thân để sau này đưa về trần thiết trong Thiên Định Cung ở Ứng Lăng. Vì trên đế của pho tượng trong Thiên Định Cung có ghi lạc khoản Khải Định Canh Thân (năm 1920) nên nhiều người cho rằng đây là năm chế tạo pho tượng. Thực ra đây là sự hiểu lầm. Khi Ducuing thực hiện của các pho tượng vua Khải Định, ông đã căn cứ vào một bức ảnh chụp, trên đó có ghi dòng chữ Khải Định Canh Thân. Vì không hiểu rõ ý nghĩa của dòng chữ này nên Ducuing đã chép lại nguyên văn dòng chữ này lên pho tượng. Kỳ thực, đến năm 1922, Paul Ducuing mới thực hiện bức tượng vua Khải Định đầu tiên. Từ cuối năm 1922 đến năm 1924, Paul Ducuing xin tạm nghỉ công việc tại Lò sứ quốc gia Sèvres để “hoàn thành các đặt hàng chính thức” của vua Khải Định. Ngoài ra, bản phác thảo bằng thạch cao pho tượng toàn thân của vua Khải Định (sau này là mẫu để Barbedienne đúc pho tượng bằng đồng mạ vàng trưng bày tại Ứng Lăng) chỉ được đưa ra trưng bày lần đầu tiên tại triển lãm Họa sĩ Pháp năm 1924. Trong vựng tập về triển lãm này có mục ghi: “3435 – Tượng vua Kai Dinh (Khải Định), hoàng đế An Nam trên ngai vàng, dự định làm cho khu lăng tại Huế”. Kết quả khảo cứu về pho tượng vua Khải Định ở Ứng Lăng, tôi sẽ công bố trong một dịp khác.

Nhiều phiên bản tượng bán thân thu nhỏ bằng đồng thanh của vua Khải Định được chính nhà vua Khải Định đặt làm: một phiên bản tặng cho hoàng tử Vĩnh Thụy khi du học tại Paris; một phiên bản khác tặng cho Công tước de Valençay ở Boson de Talleyrand-Périgord để cảm tạ lòng hiếu khách. Trên một bức ảnh chân dung mà vua Khải Định tặng cho Công tước de Valençay, có thủ bút của nhà vua: “3 tháng 7 năm 1922, (biếu tặng) cho Công tước de Valençay để biểu lộ cảm tình cao quý và kỷ niệm sự tiếp đón ân cần thú vị mà ông đã dành cho tôi tại cung điện của ông. Khải Định. Vua An Nam”. Hiện nay, pho tượng này cùng bức ảnh, huy chương An Nam long bội tinh và dải băng để đeo huy chương của Công tước de Valençay đang được bày bán trong một tiệm buôn huy chương tại Paris (đề giá 15.000 euro). Ngoài ra, còn có hai phiên bản khác: một pho thuộc sưu tập của một tư nhân giấu tên ở Pháp và một pho được bán đấu giá tại Drouot Paris vào ngày 09.6.1997 với giá 3.800 francs Pháp.

http://fs1.cyworld.vn/data4/2009/03/20/055/1237537255078281_file.jpg

Phiên bản thu nhỏ bằng đồng đặt trong phòng học của hoàng tử Vĩnh Thụy tại Paris

Nếu tượng bán thân vua Khải Định được đúc thành nhiều phiên bản thu nhỏ bằng đồng thanh, thì chỉ có một phiên bản duy nhứt được đúc bằng đồng thau với kích thước tương tự với pho tượng gốc (cao 77,5 cm). Trên pho tượng này có dấu niêm của xưởng đúc, ghi: “Cire perdue F. Barbédienne Paris”. Phiên bản này được hãng Sotheby’s bán đấu giá tại New York vào 14.04.2008 với giá 15.000 USD. Đây có thể là pho tượng do vua Khải Định đặt làm cho mình và vì một lý do nào đó không được gửi đến Việt Nam.

http://storage.canalblog.com/00/49/119491/45440080.jpg


Pho tượng bằng đồng thau, kích thước giống bản gốc được hãng Sotheby’s bán đấu giá tại New York vào 14.04.2008

Một điều cần chú ý là mối quan hệ giữa pho tượng bán thân do Paul Ducuing chế tác với pho tượng đứng của vua Khải Định, do một lính thợ Quảng Nam đúc (nguyên thủy đặt tại Trung Lập Đình ở An Định Cung, nay trưng bày tại Thiên Định Cung ở Ứng Lăng). Sự tồn tại của pho tượng do một người thợ Việt Nam đúc theo kỹ thuật và phong cách châu Âu khiến người ta nghĩ rằng vua Khải Định đã đem về Huế một phiên bản tượng bán thân bằng đồng vàng và đó là khuôn mẫu để người thợ Việt Nam bắt chước làm nên pho tượng đứng.

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/vi/3/3b/Tuong_Vua_Khai_Dinh.JPG

Pho tượng đứng, một thể nghiệm dạng tượng đài, nên ban đầu được dựng trong trong lầu bát giác Trung Lập đình ở giữa sân cung An Định sau này mới được đưa vào lăng Khải Định

 

Tượng thể hiện một vị “hoàng đế” kết hợp với một vị võ quan: đầu đội mũ kiểu khăn xếp, bên trong mặc áo hoàng bào đeo thẻ bài “Thụ Thiên Vĩnh Mạng” và “Đại Nam Thiên Tử” ở trước ngực, ngoài khoác áo “Tây” xẻ tà từ cổ xuống bụng, hai ngực áo đeo tới 7 chiếc mề đay, hai vai gắn ngù võ quan, chân đi giày da. áo “tây” nhưng lại thêu rồng, mây và sóng. Tay phải để thõng hơi đưa về phía trước, tay trái có ba ngón đeo các nhẫn mặt hoa nổi cao và chống kiếm trong bao có ba tua ngù.

Pho tượng đứng đúc tại Huế do một người lính thợ quê ở Quảng Nam thực hiện

Sau khi làm tượng cho vua Khải Định, Paul Ducuing còn tạc tượng bán thân vua Đồng Khánh, cao 74 cm, nay thuộc sở hữu của Bảo tàng Quai de Branly. Tượng thể hiện vua Đồng Khánh mặc áo thường triều, đầu đội khăn xếp, ngực đeo kim khánh. Dựa vào các chi tiết trên tượng như dây đeo kim khánh với chữ Thọ, chi tiết trên khăn xếp, có thể thấy pho tượng vua Đồng Khánh này được chế tác phỏng theo hai bức ảnh chân dung của vua Đồng Khánh do bác sĩ Charles Edouard Hocquard chụp tại Huế tháng Giêng năm 1886.

Sau thành công với các tượng vua Khải Định và vua Đồng Khánh, Paul Ducuing hy vọng được lựa chọn để trở thành nhà điêu khắc chính thức của vương triều Nguyễn. Tuy nhiên, vì vua Khải Định mất sớm, nên ngoài pho tượng ngồi của vua Khải Định đang bài trí trong Thiên Định Cung, Paul Ducuing đã không nhận thêm đơn hàng nào khác của vương triều Nguyễn.

 

Photobucket

 

Các bức tuợng bán thân tạo hình bằng thạch cao của Paul Ducuing tạc vua Đồng Khánh, Phụ chính đại thần Tôn Thất Hân và vua Khải Định

Sau khi vua Khải Định qua đời (1925), Hội đồng Phụ chính được thành lập do Thái tử thiếu bảo Võ Hiển điện Đại học sĩ Phó Quảng bá Tôn Thất Hân đứng đầu, đại diện cho vua Bảo Đại, lúc ấy đang còn du học tại Pháp. Tôn Thất Hân là cháu gọi chúa Nguyễn Phúc Thái (1650 – 1691) bằng cố. Khởi sự với chức tri huyện (1886), Tôn Thất Hân được thăng tri phủ (1889), rồi Lang trung Quảng Ngãi (1891), sau là Án sát (1894) và Bố chánh (1895), rồi Tuần phủ Hà Tĩnh (1896). Năm 1901, ông được tấn phong làm Tổng đốc Quảng Nam rồi Tổng đốc Hà Tĩnh. Năm 1902, Tôn Thất Hân được gọi về kinh đô Huế làm Thượng thư bộ Hình, sung Cơ Mật Viện đại thần (1906). Năm 1907, vua Duy Tân lên ngôi. Do nhà vua còn nhỏ (8 tuổi), nên triều thần giao cho Tôn Thất Hân làm Phụ chính đại thần Hiệp Tá đại học sĩ, kiêm Thượng thư bộ Hình (1909). Ông được phong là Phó Quảng tử (1911) sau tấn phong là Phó Quảng bá (1916). Vua Khải Định tôn ông Thái tử thiếu bảo Đông Các đại học sĩ (1917), rồi Võ Hiển điện đại học sĩ (1920). Sau khi vua Bảo Đại về nước (1932), ông được tấn phong là Cần Chánh điện đại học sĩ, tước Phó Quảng công, đứng đầu bách quan trong triều.

Với chức tước trọng vọng như thế, Tôn Thất Hân được Paul Ducuing thực hiện một pho tượng bán thân bằng thạch cao. Tượng này hiện đang bảo quản trong kho của Bảo tàng Quai de Branly, cao 79 cm. Không nghiêm trang như hai pho tượng của vua Đồng Khánh và vua Khải Định, tượng Tôn Thất Hân được thể hiện một cách tự nhiên. Khuôn mặt với cặp mắt sâu và bộ râu dài phản ánh nét thanh thản của một niên lão công thành danh toại.

Pho tượng này chứng minh tài năng đích thực của nhà điêu khắc Paul Ducuing. Đáng tiếc đây chỉ là phác thảo bằng thạch cao mà chưa phải là một tượng đồng hoàn chỉnh như ý đồ của Paul Ducuing, vì sau đó, mối liên lạc với triều đình An Nam bị gián đoạn nên Paul Ducuing không có cơ hội để biến phác thảo bằng thạch cao này thành pho tượng đồng và ông cũng không làm thêm pho tượng nào khác cho triều đình An Nam.

Trương Trọng Toàn
(nhà sưu tập cổ vật ở Paris)

Đọc thêm:
Một số tượng vua chúa

admin