Học và trở thành một công chứng viên

Học và trở thành một công chứng viên

Công chứng viên là những người chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch, bản dịch, văn bản dịch, chứng thực bản sao, chữ ký trong giấy tờ, văn bản.

Công chứng viên là một ngạch công chức được Nhà nước đào tạo theo một hệ thống riêng, được Bộ Tư pháp bổ nhiệm và hoạt động có tính chất độc lập. Các giao dịch qua khâu công chứng có giá trị như một chứng cứ. Vì vậy, mức độ tin cậy của một hành vi công chứng rất lớn. Và việc đó cũng khiến cho Công chứng viên mang một trách nhiệm rất lớn.

Tiêu chuẩn để trở thành một công chứng viên : 

Theo quy định tại Điều 8, Luật công chứng năm 2014 về tiêu chuẩn công chứng viên thì:

“Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được xem xét, bổ nhiệm công chứng viên:

1. Có bằng cử nhân luật;

2. Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật;

3. Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng quy định tại Điều 9 của Luật này hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này;

4. Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng;

5. Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng”.

Hãy cùng chúng tôi điểm qua trình tự các bước để trở thành một Công chứng viên ở Việt Nam :

  • Bước 1 : Trở thành một cử nhân chuyên ngành Luật.

Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều trường có dạy ngành Luật. Mức đào tạo thường rơi vào khoảng 4 năm học.

Như ở kỳ 1 chúng tôi đã nói, ở Việt Nam về đào tạo ngành Luật thì có rất nhiều trường. Nổi bật nhất vẫn là 2 cơ sở đào tạo hàng đầu Việt Nam như ĐH Luật Hà Nội (Bộ Tư Pháp) và ĐH Luật TP.HCM (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ngoài ra, còn rất nhiều khoa luật của các trường Đại Học khác như: ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM, Khoa Luật ĐHQG Hà Nội, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng TP.HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Vinh,…

Mức điểm ở các trường đào tạo chuyên ngành Luật thường dao động từ 17 – 28 điểm. Đối với các bạn sinh viên có sức học khá, giỏi thì đây vốn là một mức điểm có thể “chấp nhận được” vì không quá thử thách, cũng không quá dễ dàng.

Ảnh : Đại Học Kinh Tế – Luật – Một cơ sở đào tạo ngành Luật chất lượng và uy tín.


  • Bước 2 : Trở thành cử nhân chuyên ngành Luật

Thông thường chúng ta sẽ mất bốn năm để tốt nghiệp chuyên ngành Luật và có tấm bằng cử nhân. Đối với những bạn yêu thích công việc Công chứng viên, bạn phải hiểu cách vận hành của công việc. Vì nghề Công chứng viên đòi hỏi phải rà soát cẩn thận các văn bản, chi tiết và tỉ mỉ nên không được phép làm “ẩu” khi làm trong lĩnh vực công chứng. Đồng thời bạn nên sở hữu mức điểm tích luỹ từ 8.0 trở lên để có bằng tốt nghiệp loại Giỏi, đây sẽ là lợi thế rất lớn cho bạn sau khi ra trường.

  • Bước 3 : Được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng.

Ở Việt Nam, các cử nhân sau khi tốt nghiệp có thể lựa chọn Học Viện Tư Pháp để làm nơi đăng ký học khóa đào tạo Công chứng viên. Thời gian đào tạo hiện hành là 12 tháng. Sau khi kết thúc thời gian đào tạo, các học viên sẽ được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng.

  • Bước 4 : Trải qua kỳ tập sự hành nghề công chứng tại một tổ chức hành nghề công chứng.

Người có giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng hoặc giấy chứng nhận bồi dưỡng nghề công chứng phải tập sự hành nghề tại một tổ chức hành nghề công chứng. Người tập sự có thể tự liên hệ với một tổ chức hành nghề công chứng đủ điều kiện nhận tập sự về việc tập sự tại tổ chức đó; trường hợp không tự liên hệ được thì đề nghị Sở Tư pháp ở địa phương nơi người đó muốn tập sự bố trí tập sự tại một tổ chức hành nghề công chứng đủ điều kiện nhận tập sự”.

Sau khi tham gia quá trình tập sự hành nghề công chứng, người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng là người được cấp giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề công chứng. Đến lúc này là mọi việc đã gần như hoàn thành.

  • Bước 5 : Được bổ nhiệm làm công chứng viên.

Để được bổ nhiệm làm công chứng viên, bạn phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ gồm các mẫu sau :

  1. Đơn đề nghị bổ nhiệm công chứng viên theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;
  2. Phiếu lý lịch tư pháp;
  3. Bản sao bằng cử nhân luật hoặc thạc sĩ, tiến sĩ luật;
  4. Giấy tờ chứng minh về thời gian công tác pháp luật;
  5. Bản sao giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng. Đối với người được miễn đào tạo nghề công chứng thì phải có bản sao giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng và giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề công chứng;
  6. Bản sao giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề công chứng;
  7. Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp.

Người đáp ứng tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên có quyền đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm công chứng viên. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên được gửi đến Sở Tư pháp nơi người đề nghị bổ nhiệm công chứng viên đã đăng ký tập sự hành nghề công chứng. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên quy định tại khoản 2 Điều này, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm công chứng viên kèm theo hồ sơ đề nghị bổ nhiệm; trường hợp từ chối đề nghị thì phải thông báo bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do cho người nộp hồ sơ. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản và hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên của Sở Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định bổ nhiệm công chứng viên; trường hợp từ chối bổ nhiệm phải thông báo bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do, gửi cho Sở Tư pháp và người đề nghị bổ nhiệm.

Ảnh : Hình ảnh công việc thường ngày phải làm của các công chứng viên.


Những trường hợp không được bổ nhiệm làm công chứng viên :

  • Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về tội phạm do vô ý mà chưa được xóa án tích hoặc về tội phạm do cố ý.
  • Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
  • Người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
  • Cán bộ bị kỷ luật bằng hình thức bãi nhiệm, công chức, viên chức bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sỹ quan, hạ sỹ quan, công nhân, viên chức trong đơn vị thuộc Công an nhân dân bị kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu quân nhân, danh hiệu Công an nhân dân hoặc đưa ra khỏi ngành.
  • Người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư do bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách của Đoàn luật sư, người bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư mà chưa hết thời hạn 03 năm kể từ ngày quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư có hiệu lực hoặc kể từ ngày chấp hành xong quyết định tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư.

admin