Huế Xưa – Ga Huế (Trường Súng)

Huế Xưa – Ga Huế (Trường Súng)

Tôi thấy lòng thương những chuyến tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Có chi vướng víu trong hơi máy
Cả mấy toa đầy nặng khổ đau

Photobucket

Ga Huế – nhà ga chính của tuyến đường sắt dài 68 km nối Huế với Đông Hà do người Pháp xây dựng hoàn thành vào năm 1906 dưới triều vua Thành Thái, lúc đầu có tên là ga Trường Súng, bởi khu đất xây nhà ga là một ngọn đồi, từ thời các chúa Nguyễn đã cho thiết lập tại đây một xạ trường để các binh sĩ trú đóng bên kia sông Hương qua tập bắn súng.

Ga được xây dựng nhìn ra sông Lợi Nông, nhìn về con phố Tây Jules Ferry (Lê Lợi) thẳng tắp bên dòng Hương Giang. Trước kia, trên khu đồi Lịch Đợi phía sau ga có miếu Lịch Đợi Đế Vương do các vua Nguyễn xây dựng để thờ tự các vị vua từ thời vua Hùng, sự xuất hiện của ga Huế làm cho di tích có ý nghĩa này chỉ còn là tên một địa danh nơi đây.
 

Photobucket

Ngày trước, đó là một quần thể kiến trúc theo mô thức dịch vụ đường sắt châu Âu với nhà ga đưa đón khách, nơi tiếp nhận hàng hóa, các phòng làm việc, cơ xưởng hoả xa và khách sạn … Công trình nhà ga, khách sạn đồ sộ này do một nhà thầu phụ nữ đảm trách xây dựng. Đó là bà Thái Thị Tứ, phu nhân của Thượng thư Nguyễn Trừng dưới triều Nguyễn.

Photobucket

Thi công đặt ray tuyến đường sắt Huế

Photobucket

Đoàn tầu chạy tuyến Đà Nẵng – Huế

Photobucket

Photobucket

Ga Huế từng lưu dấu chân nhiều hành khách đặc biệt. Mùa thu năm 1907 chính tại sân ga này người Pháp đưa vua Thành Thái và gia đình ông đi đày ở Vũng Tàu. Năm 1916, vua Duy Tân sau cuộc khởi nghĩa không thành đã bị đưa lên ga Huế, bắt đầu cuộc đày ải sang đảo Réunion. Ngày 7/5/1922, vua Khải Định đã đưa một đoàn tuỳ tùng khởi hành từ ga Huế vào Đà Nẵng để lên tàu sang Pháp dự đấu xảo và mang luôn Hoàng Thái tử Vĩnh Thuỵ lúc đó mới 9 tuổi sang du học.

Photobucket

Ngày 9/9/1932 Vua Bảo Đại về Huế sau khi kết thúc thời gian du học tại Pháp

Photobucket

Quan lại triều đình Huế đón vua Bảo Đại

Cảm nhận của hai cha con vua Khải Định về lần đầu tiên đi tàu hoả rất khác nhau. Trong lúc vua Khải Định nặng nề quan cách: "Khi 7 giờ sáng, Ngự giá đến ga Huế, đình thần và các quý quan đều chầu tòng giá, tiếng quân – nhạc, tiếng hạ – pháo, vang lừng một lúc….từ ấy rồi xe chỉ hướng Nam, có trải qua 9 cái hầm, núi cao nhấp nhô, sắc biển mênh – mông, một giải sơn hà rành rành ở trong đổng giám. Nhưng việc nên biên chép nhất…(là) xe ngự đến đâu, thời những dân ngư, tiều, nông và thương đứng chực hai bên vệ đường, ai ai cũng tỏ lòng cung kính. Cái quang cảnh ấy nào có ai bắt buộc đâu, là vì lòng dân mà xui nên thế vậy…" Ngược lại, vua Bảo Đại, rất nhiều năm, sau những biến thiên, vinh nhục, vẫn cảm nhận tươi tắn, đầy chất thơ về chuyến đi trong cuốn hồi ký "Con Rồng An Nam", xuất bản năm 1982: "Xe qua sân chầu, ra cửa Ngọ Môn là cửa chính chỉ để dành riêng để đương kim Hoàng đế đi qua, chiếc xe tứ mã đi chầm chậm trong sự tĩnh lặng, chỉ có tiếng sương ban đêm đọng trên những tàu lá rơi tí tách, thưa dần, đều đặn…Đây là lần đầu tiên tôi được đi xe lửa, và cũng là lần đầu tiên tôi ra khỏi kinh đô Huế, vì vậy nên tôi rất tò mò. Đoạn đầu đi mất 3 giờ. Phong cảnh gợi màu hoài cảm. Cành cây thấp la đà mặt nước, những con trâu đứng dưới ruộng cày, nước đến khuỷu chân, hếch cái mũi sẫm nhìn trời. Cò, le, bay loáng trên những bụi ven sông. Đồng quê man mác huyền ảo, thơ mộng…"

Đọc thêm:
52 viên đạn cổ là đạn đại bác trong kho súng của vua Nguyễn

admin