Lại một chuyện ở Harvard

Lại một chuyện ở Harvard
(Dạo này bệnh Alzheimer nặng nên nhớ chuyện gì kể chuyện đó, không đầu không đuôi mong các bạn thông cảm)
Có 3 trường hành chính công hàng đầu thế giới, một là trường Kennedy của ĐH Harvard, trường Woodrow Wilson của ĐH Princeton và ba là trường Lý Quang Diệu của ĐH Quốc gia Singapore. Tony đã tham quan trường số 1 và số 3, trường số 2 chưa có cơ hội, hẻm biết có bạn con dượng nào học ở đây không nữa, nếu có báo cho Tony biết để ghé thăm.
Lần thăm quan trường Kennedy là lúc Tony còn theo học ở HBS (Harvard Business School). Nếu mình đi từ trường kinh doanh Harvard thì băng qua cầu Anderson Memorial, dọc theo đường J.Kennedy street sẽ nhìn thấy ngôi trường Kennedy này bên phía trái. Một bữa nọ, Tony được bạn đang học trong đó rủ vô tham quan, tình cờ ở giảng đường lớn có một cuộc thi hay một buổi học, Tony mới vô dự thính. Trên bục thuyết trình là một bạn sinh viên người Trung Quốc, nói tiếng Anh khá lưu loát. Bạn hùng biện đại ý là “tôi tự hào là người Trung Quốc, đất nước 5000 văn hiến”. “Tôi càng tự hào vì mình sinh ra và lớn lên ở Tây An, từng là kinh đô mấy đời vua Tần Thủy Hoàng, Võ Tắc Thiên, Đường Minh Hoàng…”. “Tôi tự hào vì nền kinh tế Trung Quốc đã soán ngôi Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn nhì thế giới”. “Tôi tự hào và tự hào…”
Rồi thấy mọi người giơ tay hỏi thăm về các thành tích và thành tựu của Trung Quốc, thấy bạn nói ro ro, cần cái gì thì bấm nút chiếu số liệu lên ngay, như GDP, dân số, xe hơi, giáo dục, y tế…Nói chung về mặt chuẩn bị thuyết trình thì quá chuẩn.
Sau đó một bạn Nhật lên, cũng “tôi tự hào vì đến từ nước Nhật, quê hương tôi là nước châu Á duy nhất trong group G7 toàn cầu. Người Nhật nổi tiếng thế này thế kia thế nọ…Sản phẩm Nhật nổi tiếng thế này thế kia”. Rồi cũng thảo luận, không có gì đặc sắc cả.
Sau đó là một bạn người Thổ Nhĩ Kỳ, cũng tự hào kinh khủng với đế chế Ottoman, rồi các danh lam thắng cảnh, kiến trúc, di tích lịch sử, di sản văn hóa thế giới… Rồi tới bạn Hàn Quốc lên nói về làn sóng Hanluy, về kỳ tích sông Hàn, đại loại “tôi tự hào vì mình là người Hàn Quốc. Cha tôi là một thầy giáo nhỏ bé nhưng có mấy công trình khoa học. Mẹ tôi là một người nội trợ và yêu thương tôi, chắp cánh ước mơ cho tôi đến đây”….
Tony ngồi nghe mà thấy buồn ngủ. Đâu khoảng 6-7 bạn thuyết trình xong (mỗi bạn được nói 5 phút và các bạn được chất vấn mấy phút sao cho một buổi học kéo dài trong 120 phút là nghỉ giải lao), thì ông thầy lên tóm tắt. Ổng hỏi nãy giờ các bạn nói “tôi tự hào là người đến từ đất nước văn hiến, nhưng cho tôi hỏi là các bạn có là người văn minh?” Cả nhóm thuyết trình ngồi trên bàn đầu có vẻ lúng túng. Không ai dám giơ tay nên ổng mới nói thêm là, “chúng ta chỉ nên tự hào khi mỗi chúng ta là một người văn minh”. Cả lớp nhìn nhau và nhiều tiếng ồ, nhiều cánh tay đưa lên. Ông ra dấu hiệu hạ tay xuống rồi giải thích, đại ý là “trời xui đất khiến sao đó mà mày sinh ra ở đất nước đó, có gì mà tự hào”? Tư duy thông thường của chúng ta là “I am proud of abc (tôi tự hào vì abc), nhưng toàn là của người khác, không phải của mình. Giả sử tôi tự hào vì sinh ra ở một vùng đất hiếu học, nhưng tôi chả muốn học, thì có gì mà tự hào, không lẽ mày tự hào giùm? Tôi tự hào vì tôi sinh ra ở vùng đất võ, nhưng không tập luyện gì, thấy trộm cướp là chạy mất dép, thì có nên tự hào không? Tôi sinh ra trong một thành phố có bề dày lịch sử mấy ngàn năm, thì tôi hỏi các bạn đã có đóng góp gì cho thành phố ấy chưa? Mắc mớ gì người Tây An, người Bắc Kinh thì tự hào còn người một làng quê nào đó ở tỉnh Cam Túc thì không? Nhiều bạn tự hào vì cha mẹ tôi là, ông bà tôi là…thì đó là chuyện của ông bà bố mẹ các bạn. Họ có đoạt giải Nô ben thì tôi chỉ tôn trọng họ thôi, tôi không tôn trọng bạn chỉ vì bạn là con của ông ấy. Chừng nào bạn có thành tựu gì đi, lúc đó bạn hẵng tự hào”.
Khi thầy vừa dứt lời, những tràng pháo tay vang dội. Thầy nhìn đồng hồ và nói “nhiều bạn ở đây tự hào mình là sinh viên Harvard, nhưng điều đó không có ý nghĩa gì cả, đơn giản nó chỉ là cái trường học. Còn cái bạn đóng góp cho xã hội mới là cái mà các bạn nên tự hào. Vì hết giờ nên tôi chỉ trả lời 1 câu hỏi, ai hỏi nào”. Nhiều cánh tay giơ lên nhưng thầy chỉ một chị người da đen bé nhỏ ngồi trong 1 góc, chị giới thiệu chị là giảng viên đại học ở Nigeria. Chị hỏi “nếu ai đó hỏi tôi, bạn có tự hào khi bạn là người Nigeria không, thì tôi sẽ nói thế nào, thưa thầy”. Ông thầy mới mỉm cười đáp, bạn hãy nói là “Tôi là người Nigeria, tôi đến từ Nigeria và tôi tự hào vì tôi là một người tử tế trong 7 tỷ người trên trái đất này”.
Lớp học nghỉ giải lao trong tiếng lao xao của nhiều học viên. Chúng ta phải có tầm nhìn quả đất, chúng ta là công dân toàn cầu mà còn tư duy tỉnh này tỉnh kia, nước này nước kia chi cho mệt. Tony chia tay bạn, đi vài bước nữa là tới quán phở Le’s Vietnam Cuisine rất nổi tiếng ở Harvard Square. Tony gọi tô phở xe lửa ra ăn, và thấy nhớ Việt Nam quá trời quá đất…

admin