Mộ Vua Hàm Nghi

Mộ Vua Hàm Nghi

Hàm Nghi là vị Hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn, là em trai của vua Kiến
Phúc. Năm 1884 Hàm Nghi được các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và
Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi ở tuổi 13. Sau khi cuộc phản công tại kinh
thành Huế thất bại năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa ông ra ngoài và phát
hịch Cần Vương chống thực dân Pháp. Phong trào này kéo dài đến năm 1888
thì Hàm Nghi bị bắt. Sau đó, ông bị đem an trí ở Alger (thủ đô xứ
Algérie). Ngày 4 tháng 1 năm 1943, cựu hoàng Hàm Nghi qua đời vì bệnh
ung thư dạ dày tại biệt thự Gia Long, thủ đô Alger. Năm 1962, nước
Algérie độc lập, Chính phủ Pháp buộc lòng phải di chuyển kiều dân Pháp
cùng toàn bộ tài sản mồ mả của người Pháp về Pháp.
 

Tín Nghĩa tạp chí PHÍA TRƯỚC
http://phiatruoc.info/wordpress/wp-content/uploads/2010/07/ham_nghi_sculptor-7272a.jpg

Hàm Nghi, một nhà ái quốc, một nghệ sĩ đa tài

Xe vừa đến làng Thonac, theo như lời tả của tác giả Mathilde Tuyết Trần (http://www.tuyettran.de), thì mộ nằm cách đó khoảng 2 km. Nhóm phóng viên PHÍA TRƯỚC đang lưỡng lự không biết bắt đầu từ đâu để tìm mộ vua Hàm Nghi thì thật may một anh người Pháp trong khách sạn gần đó bước ra cho biết cứ theo còn lộ chính, đến ngã ba đầu tiên quẹo phải đi hết con dốc là tới (xem hình trên Google Map).

Vừa qua cổng đi thẳng đến bức tường đối diện, đếm từ trái sang, ngôi mộ nằm ở hàng thứ năm không lẫn vào đâu được. Một cảm xúc khó tả cho những người có mặt ngày hôm đó, vì tại một vùng quê nhỏ tại Pháp, chen lẫn những cái tên người Pháp là những dòng chữ Việt Nam Hàm Nghi, Nhữ Mây (Công chúa), Minh Đức.

Ngôi mộ so với những hình chụp xem trên Internet thấy sạch sẽ hơn là do bàn tay chăm sóc của người thân, người đến viếng. Hai tấm bia đá đặt trước mộ có dòng chữ: ‘Thời gian xóa bỏ tất cả nhưng không thể nào xóa đi kỷ niệm’ (Le temps efface tout n’efface pas le souvenir) và ‘Chúng tôi sẽ không bao giờ quên Ông’ (Nous ne l’oublierons jamais).

Nhanh tay nhặt cỏ, lau chùi xung quanh mộ, chị Dương Liễu sắp xếp lại bình hoa, bát nhang đem từ Paris xuống và nói:

‘Hồi xưa đâu phải ai cũng có hân hạnh diện kiến Vua, mình phải sắm sửa lễ vật đàng hoàng dâng Vua’.

Anh Thành Trí thêm vào:

‘Lặn lội từ xa đến thắp nhang để tỏ lòng mến phục một vì Vua trẻ, lên ngôi lúc 15 tuổi, được ít tháng thì người Pháp tiến vào thành vây bắt do trước đó quan Tôn Thất Thuyết vì không chấp nhận Pháp đem quân vào cửa Ngọ Môn, Vua vào rừng kêu gọi dân chúng nổi dậy chống Tây, chứ không quy hàng như những vị vua tiền nhiệm!’

Gilles, con gia đình Việt kiều theo Ba Mẹ thắp nhang cho Vua, có hỏi đi hỏi lại về lịch sử Việt giai đoạn chống thực dân Pháp và rất tự hào về nguồn gốc Việt Nam của mình. Sang năm lên lớp Seconde, tương đương với lớp 10 bên nhà, Gilles rất hài lòng vì đã tham gia được chuyến đi này và chắc chắn sẽ có khối chuyện để kể cho bạn bè vào ngày tựu trường.

http://phiatruoc.info/wordpress/wp-content/uploads/2011/02/hamnghi7.png

Một chuyện nhỏ kỳ bí khó giải thích?

Có một chi tiết khá kỳ lạ là khi lên bài, xem lại những tấm ảnh chụp tại nghĩa trang, có một tấm hình bị đen, chỉ thấy lờ mờ bóng người. Sau khi xem ngay cả chuyên gia Nikon cũng không giải thích nổi vì với chiếc máy chuyên nghiệp Nikon D300, phải nói chụp hình xấu mới là chuyện khó còn đằng này chụp hình ngay giữa trưa mà lại bị tối đen, như cuộn phim bị cháy, thật là khó giải thích?

Hình trên cùng: Lâu đài LOSSE nhìn từ ngoài đường; hình bên phải phía dưới: Đường vào lâu đài

Lâu đài xây vào thế kỷ 14 do dòng họ Losse gốc Hà Lan, được Công Chúa Nhữ Mây, con gái đầu lòng của Vua Hàm Nghi và Hoàng Hậu Marcelle Aimée Léonie LALOË, mua lại vào năm 1936. Lâu đài được bán lại vào năm 1999 và người ta đã xây dựng lại bên trong lâu đài cuộc sống vương giả cách đây nhiều thế kỷ.

Du lịch Pháp kết hợp thăm viếng mộ Vua Hàm Nghi, tại sao không?

Có một dạo khoảng vào năm 2007, đã có chương trình vận động chính phủ Pháp để được đem di hài Vua Hàm Nghi về chôn cất, người ta còn chuẩn bị sẵn khu một tốt nhất để an táng Vua bên cạnh những người thân nhưng cuối cùng sự việc chẳng đến đâu vì gia đình không muốn di chuyển thi hài người quá cố.

Phải đến tận nơi xem thì mới thấy khó khăn cho việc di chuyển này vì ngôi mộ là nời chôn cất của cả gia đình từ Vua Hàm Nghi cho đến bà Hoàng Hậu Marcelle Aimée Léonie LALOË, các Công chúa Nhữ Mây, Hoàng tử Minh Đức (Công Chúa Nhữ Ly được chôn nơi khác), bây giờ nếu đem Vua Hàm Nghi về Việt Nam và để lại những người khác thì gây ra cảnh ly tán, còn nếu đem theo thì cũng khó vì những người kia đâu có quen biết phong thổ Việt Nam. Thôi thì cứ theo ý nguyện gia đình là tốt!
Nếu như tại Việt Nam có những tours du lịch cho người Pháp, tour đi Điện Biên, tour đi Củ Chi cho người Mỹ, thì dành cho khách du lịch Việt Nam đến Pháp ngoài việc viếng thăm các danh lam thắng cảnh tại Paris như tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà, viện bảo tàng Louvre, vườn hoa Tulerie…giá như có một tour đi thăm ngôi làng người Pháp Đông Dương *(Saint Livrade), sau đó ghé làng Mai (Thầy Thích Nhất Hạnh) cách đó 70km, rồi ghé về thắp nhang mộ vua Hàm Nghi, viếng lâu đài Losse của bà Hoàng hậu và cô Công chúa Nhữ Mây, tại sao không?

admin