Thành tựu đi em, thành tựu đi anh

Thành tựu đi em, thành tựu đi anh
Có nhiều bạn trẻ tới gặp Tony và kể, con thi ĐH 29 điểm đó dượng, hoặc con giải nhất quốc gia môn Lý, rồi con từng chung kết đường leo lên đỉnh Bà Nà, rồi con thủ khoa đầu ra của ĐH X, rồi con giải nhất cuộc thi khởi nghiệp, con có bằng IElTS 8.5, con có bằng thạc sĩ, con có bằng tiến sĩ… Nhưng Tony chỉ nói là bạn có thành tích tốt, bây giờ cái cần là có thành tựu. Thành tựu mới là cái đáng quý. “Nền giáo dục chạy theo thành tựu” là mốt mới của giáo dục hiện đại, bắt đầu từ nước Đức, sau đó là Thuỵ Sĩ, rồi Israel. Các nước đang khăn gói sang Đức để học mô hình này, điển hình là Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Srilanka, UAE.
Thế các bạn hỏi thế thành tựu là gì. Giáo dục hướng đến thành tựu là sao. Các bạn có thể hiểu nôm na như vầy, thành tựu là cái gì đó tạo ra mới, người khác có thể sử dụng được hoặc hưởng lợi từ thành tựu đó.
Ví dụ xếp loại xuất sắc, giỏi, tiên tiến, thi toán thi sinh thi hoá các cấp đoạt giải này giải kia, tức gọi là học sinh có thành tích học tập. Trường đó 99.99% đỗ tú tài, 66.66% đỗ đại học, 33.33% tìm được việc làm chẳng hạn, thì trường cấp 3 đó có thành tích tốt. Nhưng chuyển qua thành tựu, thì bạn học sinh đó chỉ được xem là giỏi khi phát minh ra được các đồ dùng học tập mới, phương pháp học tập mới. Các bạn mày mò ra các sáng kiến dạy và học, chứng minh được thuyết tiến hoá của Đác Uyn là sai, tìm ra được hạt nhỏ hơn hạt nano gì đó mà chúng ta từng biết thì mới là học sinh xuất sắc. Thành tựu của ĐH hệ hàn lâm là các bài báo khoa học quốc tế, các luận văn luận án ứng dụng đem lại hiệu quả kinh tế xã hội, các lý thuyết mới ra đời nhằm giúp con người nhận thức sâu hơn về một lĩnh vực gì đó. Thành tựu của ĐH hệ thực hành là những chiếc máy móc, những loại hoá chất vật liệu mới, bài hát mới, giai điệu mới, bức tranh mới, kiến trúc mới, cách chữa trị bệnh mới, cách giảng dạy mới….tức ngành gì cũng đều có thành tựu.
Thái Lan hiện có khoảng 150 ĐH cao đẳng, 1/2 trong đó là trường tư. Thực tế học sinh tốt nghiệp tú tài xong cũng chỉ muốn vào các ĐH danh tiếng, chỉ khoảng 30 trường. Người Thái vừa học tập mô hình Đức nên chuyển đổi 30 trường này thành các trường hệ hàn lâm, chuyên nghiên cứu. Các trường còn lại, họ chuyển thành trường ĐH thực hành, bằng cấp vẫn kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ…như nhau, nhưng một bên là ra lý thuyết và vĩ mô, một bên là ra công trình thực tế và vi mô. Nếu ghi chữ ĐH dân lập hay cao đẳng nghề sẽ khó tuyển sinh, nên đổi tên thành trường thực hành. Ví dụ lĩnh vực kinh tế, sẽ giữ lại vài trường tốp để nghiên cứu lý luận, chính sách, đào tạo các quản trị viên….còn hệ thực hành sẽ chuyên ví dụ nghiệp vụ kế toán, tài chính, xnk, quản lý phân xưởng, quản đốc nhà máy…
Ở Đức, nếu bạn chọn học ở trường hàn lâm, bạn phải mãi đũng quần trong thư viện hay phòng thí nghiệm để có công trình nghiên cứu. Đọc hàng ngàn cuốn sách, làm hàng ngàn thí nghiệm. Còn nếu bạn học ở trường thực hành, bạn buộc phải có 1-2 ngày trong tuần đi thực tập làm việc ở nhà máy xí nghiệp bệnh viện trường học nông trường….tuỳ theo ngành nghề chọn học. Và được đơn vị tiếp nhận đó trả lương bằng 1/3 lương chính thức. Nên cái đặc biệt của nền giáo dục này là tỷ lệ thất nghiệp rất thấp. Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức thường bằng 1/4 so với các nước châu Âu khác, chủ yếu là do các bạn tự khởi nghiệp, lu bu quá mà quên báo lại, nên trường tưởng là sinh viên đó thất nghiệp.
Sinh viên Đức quan niệm, khi ra trường, tự mình tích luỹ mua xe hơi, mua nhà…đó chính là thành tựu. Làm nghề gì cũng phải thật giỏi để có thể kiếm được tiền, vẽ tranh hay ca sĩ, võ sĩ hay đá bóng, làm móng tay hay thợ hàn…cứ giỏi là có thành tựu. Còn hưởng thừa kế thì không phải, chỉ là trời xui đất khiến sao sinh vô nhà người giàu có ấy, của cải không phải tự họ tạo ra thì chỉ là người tầm thường. Thừa kế không phải là năng lực, hẻm lẽ có năng lực thừa kế?
Đam mê kinh tế, thì phải trở thành ông chủ xí nghiệp nhà máy gì đó mang tên mình. Ví dụ mình xuất thân từ Thái Nguyên, lên Hà Nội học ĐH kinh tế, phân tích bao nhiêu cái chỉ tiêu ROI, lập bao nhiêu dự án khả thi…thì hãy về Thái Nguyên mà khởi nghiệp với cây trà. Vật lộn chiến đấu với khó khăn, thách thức…cuối cùng cũng xây được nhà máy chế biến trà lên men mang tên mình, nhà máy Trần Huệ Ngọc Huyền chẳng hạn. Đó mới là người giỏi, chứ giải nhất toán toàn tỉnh ngày xưa, thủ khoa ĐH chỉ là thành tích, quá khứ chỉ là hoài niệm cho vui, Huyền nhé. Tốt nghiệp ĐH ngoại thương, thì giúp doanh nghiệp mở thêm 5 thị trường xuất khẩu mới, 5 ngành nghề xuất khẩu mới.
Đam mê cơ khí, thì suốt 4.5 năm ở khoa Cơ khí ĐH Cần Thơ, bạn Nam đã chế tác ra được 2 máy gặt lúa, 3 máy gieo sạ, 5 máy phun thuốc trừ sâu cao áp…thì đó là thành tựu của bạn Nam. Trong 6 năm ở ĐH Y dược, bạn Tuyết đã phát minh ra cách mổ mới, cách cầm dao theo trường phái à-la Tôn nữ Tuyết Tuyết chẳng hạn, vừa hát ả đào “hồng hồng tuyết tuyết” vừa mổ để khỏi tiêm thuốc mê. Hoặc trong 4 năm học ngành may mặc ở ĐH thực hành Cà Mau, bạn Mỹ đã thiết kế được quần bơi chế tác từ sợi có khả năng tự hoại, xuống biển bơi một lúc là nó hoà tan vào sóng biển…
Bạn trẻ thân mến. Mình không qua Đức học từ bé được, thì mình tự tạo ra “nền giáo dục chạy theo thành tựu” cho riêng mình. Các bạn gái trong CLB con dượng nhớ nhé. Mình tạo ra thành tựu hàng ngày, các loại bánh mứt, công thức nấu ăn, đan áo đan len, trồng những chậu hoa, trồng rau nuôi gà,….đó là thành tựu. Chân yếu tay mềm em chỉ có thế thôi. Thằng cu nào mon men đến tán mình, mình ra đề thi: hãy nêu thành tựu anh có từ lúc anh xuất hiện trên quả đất. Nó kể chiếc xe máy này, mình hỏi tự anh làm ra hay của mẹ anh mua cho? Nó nói mẹ mua cho, cái mình trề môi nói không được. Nó nói anh từng đi du học, mình hỏi tự tìm học bổng hay cha mẹ cho tiền, nó nói học bổng, mình mới nói ồ dé. Nó nói nhà anh cũng có cơ sở sản xuất nhưng bố mẹ anh cực khổ gầy dựng….thì mình nói bố mẹ anh mới có thành tựu, anh thì chưa. Tiễn nó ra khỏi nhà ngay, vừa tiễn vừa hát bài “thôi anh hãy về”. Về học về làm.
Có “thành tựu” gì đi rồi hẵng đến, rồi chúng mình sẽ “thành thân”.

admin