Thương hiệu Morin

Thương hiệu Morin

Trong lịch sử kinh doanh của Đà Nẵng và dải đất miền Trung thời Pháp thuộc, Morin là một thương hiệu nhiều uy tín và chiếm được thiện cảm của đông đảo khách hàng. Sự thành công của anh em nhà Morin là một tấm gương đáng để các doanh nhân Việt Nam thời nay học hỏi, noi theo.

1. Đôi nét về gia đình Morin

Anh em nhà Morin xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo có 7 người con ở ngôi làng nhỏ Mesnay gần Arbois, trong vùng Jura của nước Pháp. Cuối thế kỷ XIX, hai người anh lớn là Arthur Morin và Aimé Morin nhập ngũ, biên chế trong binh chủng Thủy quân lục chiến của Pháp và được đưa đến Bắc Kỳ.
Hết hạn quân ngũ, anh em nhà Morin quyết định ở lại lập nghiệp tại Việt Nam. Việc định cư của hai anh em tại xứ sở mới này xuất phát từ cuộc khủng hoảng của các loại rượu vang vùng Jura, kể từ sau sự phát hiện và quá trình thanh trùng các loại rượu vang từ miền Trung nước Pháp. Sau cái chết của người mẹ, Arthur Morin và Aimé Morin quyết định đưa các em cả trai lẫn gái đến Việt Nam sinh sống. Emile Morin và Laure Morin đến Việt Nam trước; sau đó, năm 1898, Wladimir Morin và Amélie Morin tiếp bước.
Buổi đầu, gia đình Morin ngập chìm trong muôn vàn khó khăn. Rắc rối về tiền bạc là trước tiên, khi hai người em trai và hai cô em gái làm thuê trong các cơ sở thương mại với tiền lương chỉ vài đồng Đông Dương: ở Hải Phòng với cửa hàng của Honoré Debeaux và tại Hà Nội với cửa hàng của Godart, tiền thân của Liên hiệp Thương mại Đông Dương và châu Phi (L’Union Commerce de l’Indochine et Afrique, viết tắt là L’UCIA). Emile Morin, một cảnh sát viên ở Hà Nội, cũng phải đóng góp nguồn lực của mình vào sinh hoạt của cả nhà. Trong khó khăn, đã nảy sinh tình thân ái và sự cố kết giữa các thành viên trong gia đình, và đó là một trong những điểm nổi bật của gia đình Morin.
Năm 1905, Emile Morin và Wladimir Morin cùng hai em gái Laure Morin, Amélie Morin đem theo vốn liếng vào sống ở Tourane (tức Đà Nẵng) để tiếp nối cơ ngơi của một người thân mà họ gọi là “cha Gassier” ở dọc theo bờ sông Hàn. Đây cũng chính là thời điểm ra đời Công ty tập thể Anh em Morin (Société en nom collectif Morin Frères). Trong các anh em, Wladimir Morin có phẩm chất của một nhà tổ chức, một thuyết khách và đặc biệt là ý thức bẩm sinh về kinh doanh nổi trội nhất.

Photobucket

Gia đình Morin tại Khách sạn Lớn Morin Đà Nẵng năm 1915

Photobucket

2. Sự nghiệp kinh doanh của anh em nhà Morin

Cơ sở đầu tiên của anh em nhà Morin ở Đà Nẵng là một khách sạn mang tên Khách sạn Lớn Đà Nẵng (Grand Hôtel de Tourane) gồm 47 phòng.
Đây cũng là khách sạn đầu tiên ở Đà Nẵng, nằm trên đường Quai de Courbet (nay là Bạch Đằng). Công việc kinh doanh này nhanh chóng phát đạt và thu được kết quả rất khả quan, do vừa kinh doanh khách sạn, cửa hàng bách hóa, rạp chiếu bóng, phòng chơi billiards, sân tennis, quán cà-phê, vừa cho thuê cửa hiệu, xe du lịch.

Photobucket

 Khách sạn Morin tại Đà Nẵng

Photobucket

Năm 1906, khi tuyến đường sắt Huế -Tourane được thi công và khai thác, anh em nhà Morin đã thể hiện tầm nhìn bao quát và khát vọng vươn lên của mình thông qua việc mở rộng cơ sở kinh doanh ra một trung tâm lớn khác ở miền Trung là Huế. Tại Huế, Wladimir Morin gặp Derobert, nhà công nghiệp vùng Lyon, có vợ là một người Việt gốc Hoa. Wladimir Morin đã quen biết với gia đình này và có tình cảm sâu sắc với người con gái duy nhất của họ, tên là Jeanne Pauline. Cũng từ mối quan hệ này, Wladimir Morin dường như đã nhận được sự hỗ trợ tài chính từ nhà Derobert ngay cả trước khi kết hôn với Jeanne Pauline, để mua lại Khách sạn Lớn Guérin (Grand Hôtel Guérin) và sáp nhập vào Công ty tập thể Anh em Morin. Nguyên khách sạn này được Bogaert, một sĩ quan quân đội Pháp xuất ngũ ở lại Huế làm ăn, xây dựng trên đường Jules Ferry (nay là Lê Lợi) gần chân cầu Trường Tiền vào năm 1901 và lấy tên là Khách sạn Lớn Huế (Grand Hôtel de Hué). Năm 1904, Guérin đã mua lại của Bogaert và đổi tên là Khách sạn Lớn Guérin, đồng thời tập trung vào khai thác khách lưu trú, bán hàng hóa tiêu dùng trực tiếp hoặc qua thư tín, đơn đặt hàng.
Khi mua lại từ tay Guérin vào cuối năm 1906, Khách sạn Lớn đã là nơi thường xuyên lui tới của những người có ít vốn liếng tiếng Pháp ở đất đế đô, như các kỹ sư và kỹ thuật viên làm việc trong ngành xây dựng đường sắt và ga xe lửa Huế. Nhưng gây ấn tượng mạnh là danh mục các mặt hàng để khách đặt mua qua đường thư tín mà Guérin đã tạo dựng. Các mặt hàng chính gồm vũ khí và đạn dược cho săn bắn, rượu vang, nước khoáng, xe đạp, mũ nón, giày dép, xi măng… Chính vì cơ sở kinh doanh này đã phát triển mạnh, nên Wladimir Morin quyết định mua lại, bất chấp những thiệt hại mà công trình từng phải gánh chịu trong cơn bão năm Giáp Thìn (1904).
Năm 1914, Wladimir Morin trở về Pháp sau 18 năm xa quê để nghỉ ngơi một thời gian; khi chuẩn bị quay lại Huế, thì chiến tranh thế giới nổ ra. Ít lâu sau khi kết hôn với Jeanne Pauline, vào năm 1915 Wladimir Morin được điều động vào quân đội, biên chế trong một đại đội súng máy; đến tháng 7 năm 1916 thì phục vụ tại Trung đoàn Bộ binh 315. Do có đóng góp vào trận đánh ác liệt tại Verdun, Wladimir Morin được tặng Huân chương chiến công.
Từ khi xuất ngũ vào năm 1918, Wladimir Morin đã làm chất lượng các khách sạn thay đổi rất nhiều với những dịch vụ cung cấp mang tính đột phá. Nhà Morin quyết định thực hiện một loại siêu thị có thể đáp ứng tất cả nhu cầu của thị trường tại chỗ thông qua Tổng đại lý hàng tiêu dùng của khách sạn, với một khẩu hiệu hết sức ấn tượng là “Người ta có thể được sinh ra trong một chiếc nôi của Morin và chết trong một chiếc quan tài của Morin” (On peut naître dans un berceau Morin et mourir dans un cercueil Morin)
Photobucket

Khách sạn Lớn Morin Huế ở chân cầu Trường Tiền năm 1938

Khách sạn Morin ở Huế có 70 phòng, gồm cả rạp chiếu bóng đầu tiên của thành phố, phục vụ 2 đêm một tuần. Đặc biệt, từ năm 1920, Wladimir Morin tham gia vào Hội Những người bạn Cố đô Huế (Association des Amis du Vieux Hué), thì Khách sạn Morin ở Huế còn là trụ sở sinh hoạt của Hội, và là một trong hai địa điểm phát hành Tập san Những người bạn Cố đô Huế (Bulletin des Amis du Vieux Hué). Thêm vào đó, người em gái Amélie Morin lại kết hôn với bác sĩ Albert Sallet, sáng lập viên của Hội, nên quan hệ giữa nhà Morin và Hội Những người bạn Cố đô Huế càng thêm gắn bó. Ngoài ra, Khách sạn Morin còn là nơi đặt văn phòng du lịch chính thức của khu vực, văn phòng thư tín của ngành du lịch ở Đông Dương.
Cùng thời gian này, người Pháp đẩy mạnh xây dựng khu nghỉ mát Bà Nà ở gần Đà Nẵng, hoàn tất con đường nối Bà Nà với đường thuộc địa số 1 (sau là quốc lộ 1) trong năm 1919; đồng thời tạo điều kiện dễ dàng cho các công sở, các quan chức và kiều dân Pháp đầu tư xây dựng cơ ngơi nghỉ dưỡng, kinh doanh ở Bà Nà. Đến tháng 7-1921, trên đỉnh Bà Nà đã có 39 lô đất được cấp phép xây dựng của 36 chủ đầu tư, phân bố trải đều theo các cụm.
Bà Nà dần dần trở thành một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng không chỉ ở Trung Kỳ mà toàn Đông Dương.

Photobucket
  
Khách sạn Morin Bà Nà năm 1935

Anh em nhà Morin đã thể hiện tầm nhìn và sự nhạy bén trong kinh doanh của mình khi mạnh dạn sớm đầu tư xây dựng ở Bà Nà một nhà hàng-khách sạn hai tầng gồm 22 phòng với đầy đủ tiện nghi nằm ở sườn núi trung tâm có độ cao 1.450m, hoàn tất và đưa vào khai thác từ năm 1923. Mặt trước nhà hàng Morin treo tấm sơ đồ toàn cảnh Bà Nà, có một công viên nhỏ cùng những hàng ghế xanh; bên trong có phòng nghỉ, rạp chiếu bóng, sân thể thao, các trò giải trí và nhà hàng ẩm thực. Công ty Morin là tổ chức đầu tiên đảm nhận cả việc giao nhận thư từ, hàng hóa và vận chuyển du khách từ Đà Nẵng đến Bà Nà và ngược lại. Du khách đến Đà Nẵng có thể ăn nghỉ tại Khách sạn Lớn Morin Đà Nẵng ngay bờ sông Hàn giữa trung tâm thành phố, rồi đi xe và dùng kiệu ghế lên Bà Nà nghỉ dưỡng trong Khách sạn Morin Bà Nà.
Để tạo thành mạng lưới kinh doanh vững chắc trên địa bàn Trung Kỳ, anh em nhà Morin còn mở rộng đầu tư hệ thống khách sạn của mình ở các đô thị phía nam Đà Nẵng, đó là Quy Nhơn và Nha Trang. Tại Quy Nhơn, Khách sạn Lớn Quy Nhơn (Grand Hôtel de Quinhon) của nhà Morin với quy mô 34 phòng nằm trên đường Gia Long (nay là đường Trần Hưng Đạo), đối diện với Tòa Giám mục, có cấu trúc 3 tầng trông rất bề thế. Trong khách sạn này, có cả nhà hàng và rạp chiếu bóng giống như các khách sạn của nhà Morin ở Đà Nẵng và Huế.
Ở khu vực phía bắc Đà Nẵng, để đáp ứng nhu cầu nghỉ mát cho kiều dân Pháp và khách du lịch ở Huế do Đà Lạt thì quá xa mà Bà Nà thì cũng phải vượt qua đèo Hải Vân, năm 1932 kỹ sư công chánh Girard nhận nhiệm vụ tìm kiếm thêm một vị trí khác ở gần Huế. Ngày 29-7-1932, Girard đã chọn được địa điểm Bạch Mã ở phía bắc đèo Hải Vân làm khu nghỉ mát; từ đó, nhà cầm quyền Pháp đã cho làm đường và xây cất khu nhà nghỉ. Con đường từ đường thuộc địa số 1 lên Bạch Mã được nới rộng, rải đá và đến năm 1938 thì hoàn tất. Lúc đó tại Bạch Mã đã có khoảng 40 nhà nghỉ dưỡng. Dĩ nhiên, anh em nhà Morin không thể là kẻ chậm chân trong cơ hội kinh doanh hấp dẫn này, và họ cũng đã có Khách sạn Morin Bạch Mã được xây dựng xong với một hồ bơi, sân quần vợt, bưu điện và các dịch vụ khác tại đó. Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ ngày 1-9-1939 đã làm cho con đường hàng hải sang châu Âu bị gián đoạn, vì vậy mà các khu nghỉ mát như Bà Nà, Bạch Mã càng phát triển thêm. Trong những năm 1942-1946, ở Bạch Mã có đến 139 công trình xây dựng sang trọng phục vụ mục đích nghỉ dưỡng của các quan chức Pháp cùng các đại gia người Việt.
http://i915.photobucket.com/albums/ac356/hoileonui/Dinh%20Thieng%20Bach%20Ma%2003%20-%2004042010/P1120556.jpg

Khách sạn Morin Bạch Mã được xây dựng lại

 Như vậy, các cơ sở của anh em nhà Morin từ Đà Nẵng và Huế đã mở rộng thế lực của mình thêm các khách sạn tại Bà Nà, Qui Nhơn, Nha Trang và Bạch Mã; kinh doanh đa dạng trên các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, du lịch, giải trí và thậm chí là cả bưu tín. Sự thành công đã giúp nhà Morin dần dần sở hữu ngày càng nhiều hơn các công trình kiến trúc kiểu châu Âu của các thành phố kể từ sau Chiến tranh thế giới 1914-1918.
Thành công của anh em nhà Morin không chỉ là sự hình thành một mạng lưới các khách sạn, nhà hàng mang thương hiệu Morin đặt ở nhiều tỉnh, thành phố; mà lớn hơn thế nữa là hệ thống kinh doanh của họ được kết nối thống nhất và phát huy thương hiệu trong một mạng lưới kinh doanh du lịch giữa các xứ Đông Dương và khu vực Đông Nam Á. Năm 1938, các tour du lịch đường bộ xuyên Việt Nam và Đông Dương do Phòng Du lịch Đông Dương tổ chức gần như đều gắn bó với hệ thống khách sạn và các dịch vụ của nhà Morin ở Trung Kỳ, cụ thể như sau:
Tour du lịch 9 ngày bằng xe hơi và xe lửa tuyến Sài Gòn – Đà Lạt – Nha Trang – Đà Nẵng – Huế – Vinh – Hà Nội – Hải Phòng, Phòng Du lịch Đông Dương thiết kế để du khách ăn nghỉ, giải trí tại Khách sạn Lớn Morin Đà Nẵng từ 19g15 ngày thứ 5 đến 14g55 ngày thứ 6, tại Khách sạn Lớn Morin Huế từ 19g05 ngày thứ 6 đến 22g02 ngày thứ 7.
Tour du lịch 10 ngày bằng xe hơi và xe lửa tuyến Hải Phòng – Hà Nội – Vinh – Huế – Đà Nẵng – Nha Trang – Đà Lạt – Sài Gòn, Phòng Du lịch Đông Dương thiết kế để du khách ăn nghỉ, giải trí tại Khách sạn Lớn Morin Huế từ 5g47 ngày thứ 5 đến 5g59 ngày thứ 6, tại Khách sạn Lớn Morin Đà Nẵng từ 8g26 ngày thứ 6 đến 8g38 ngày thứ 7.
Tour du lịch 8 ngày bằng xe hơi tuyến Sài Gòn – Đà Lạt – Nha Trang – Quy Nhơn – Đà Nẵng – Huế – Vinh – Hà Nội – Hải Phòng, Phòng Du lịch Đông Dương thiết kế để du khách ăn nghỉ, giải trí tại Khách sạn Lớn Morin Quy Nhơn từ 11g30 ngày thứ 3 đến 6g00 ngày thứ 4, Khách sạn Lớn Morin Đà Nẵng từ 12g30 ngày thứ 4 đến 7g30 ngày thứ 5, tại Khách sạn Lớn Morin Huế từ 10g30 ngày thứ 5 đến 8g00 ngày thứ 7.
Tour du lịch 8 ngày bằng xe hơi tuyến Hải Phòng – Hà Nội – Vinh – Huế – Đà Nẵng – Quy Nhơn – Nha Trang – Đà Lạt – Sài Gòn, Phòng Du lịch Đông Dương thiết kế để du khách ăn nghỉ, giải trí tại Khách sạn Lớn Morin Huế từ 18g00 ngày thứ 2 đến 14g00 ngày thứ 4, tại Khách sạn Lớn Morin Đà Nẵng từ 17g00 ngày thứ 4 đến đầu giờ chiều ngày thứ 5, tại Khách sạn Lớn Morin Quy Nhơn từ tối ngày thứ 5 đến 13g30 ngày thứ 6.
Suốt những thập niên 1920-1930, chắc hẳn không ngoa để nói rằng hầu như tất cả người Pháp sinh sống ở Trung Kỳ và du khách khi đến đây ít nhiều đều có sử dụng các dịch vụ của nhà Morin. Thậm chí, cuốn sổ vàng lưu niệm của Khách sạn Lớn Morin Huế từng ghi đầy cảm tưởng và chữ ký của nhiều tên tuổi danh giá thời đó như Thống chế Joffre, Thống chế Foch, nhà văn André Malraux, nhà Đông phương học Sylvain Lévi, Linh mục Léopold Cadière, Toàn quyền Pierre Pasquier, vua hài Charlie Chaplin, Quốc vương Lào Sisowath, học giả Louis Finot, nhà Khảo cổ học J.Y. Claeys, Toàn quyền Catroux, chính trị gia Paul Reynaud… Tuy nhiên, thập niên 1940 là giai đoạn mà sự nghiệp kinh doanh của nhà Morin gặp nhiều trở ngại, ảnh hưởng đến sự tồn vong cơ nghiệp của mình. Sức khỏe của Wladimir Morin ngày càng xấu đi bởi một căn bệnh nan y. Đầu năm 1943, cảm nhận được giờ phút cuối cùng sắp đến, Wladimir Morin đã có một nguyện vọng rất riêng và đầy cảm xúc, là yêu cầu được đặt mình trên máy bay để nhìn ngắm và giã biệt những vùng đất trên xứ sở mà ông yêu mến. Wladimir Morin đi vào giấc ngủ ngàn thu dưới những hàng phi lao trong nghĩa địa dành cho người Pháp ở Phủ Cam, Huế.
Ba người con trai của Wladimir Morin và Jeanne gồm Henri, René và Edmond đã kế tục công việc của nhà Morin với các chức vụ tương ứng là Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc và Giám đốc kỹ thuật, nhưng trong thế đối mặt với khó khăn và áp lực từ cuộc chiến tranh thế giới và sự chiếm đóng của người Nhật ở Đông Dương.
Khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), Khách sạn Lớn Morin Đà Nẵng trở thành nơi giam lỏng những sĩ quan và các nhà kinh doanh Pháp. Sau đó, Nhật đưa những người Pháp ra Huế và thông báo mỗi gia đình chỉ được mang theo 30kg hành lý, nhưng đến đèo Hải Vân thì thu sạch. Anh em nhà Morin tại Đà Nẵng bị thiệt hại khá lớn do cuộc đảo chính này.
Sau Cách mạng tháng Tám, khi toàn quốc bùng nổ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai, Khách sạn Lớn Morin Huế trở thành nơi trú ngụ của một bộ phận dân sự và binh lính Pháp. Suốt từ 2g30 sáng 20-12-1946 đến ngày 5-2-1947, Khách sạn Morin diễn ra cuộc giao chiến đẫm máu giữa lực lượng Việt Minh tấn công từ ngoài vào và quân đội Pháp phòng thủ ở bên trong. Một phần Khách sạn Lớn Morin bị hư hại và đốt cháy bởi cuộc giao chiến.
Đến tháng 7-1951, Henri, Edmond và Marcelle Fourel đã đại diện nhà Morin ký chứng thư chuyển giao quyền và lợi ích hợp pháp cho một doanh nhân người Việt, chính thức chấm dứt việc kinh doanh của Tập đoàn Morin ở Huế cũng như các tỉnh miền Trung.

Khách sạn Sài Gòn Morin nhìn từ cầu Tràng Tiền
3. Một vài cảm nhận
Sự nghiệp của nhà Morin ở Đà Nẵng, Huế và một số tỉnh tại miền Trung Việt Nam cuối cùng cũng kết thúc, nhưng xét trên góc độ ý tưởng, hiệu quả kinh doanh và thương hiệu của Morin, thì đây là một mẫu mực của sự thành công lớn mà không dễ mấy ai đạt được.
Claude Bourrin đã giải thích về sự thành công của nhà Morin là do tinh thần chịu khó làm việc và ý thức của người đứng đầu, luôn có được sự hoan nghênh bởi tất cả những ai tiếp cận dịch vụ của họ. Anh em nhà Morin có đầy đủ đức tính chăm chỉ và kỹ năng của người lao động và sự kiên cường của nông dân, những người mà họ đã quá gần gũi và thân thuộc. Các cơ sở kinh doanh của nhà Morin thu hút được nhiều khách hàng, bởi cái bầu không khí gia đình của nó đã đem đến cho khách hàng sự thân mật ấm cúng. Nhà Morin thường để lại ấn tượng cho khách hàng về sự lao động quên mình suốt ngày vì tình yêu thương gia đình; và tất cả các loại dịch vụ mà họ mang lại cho khách hàng được thể hiện bằng thái độ xuất phát từ trái tim chứ không phải vì tiền. Đặc biệt, Wladimir Morin thường làm việc liên tục từ 5 giờ sáng đến 10 giờ tối, là tấm gương mẫu mực cho tất cả nhân viên về một hoạt động kinh doanh có phương pháp và thể hiện một tinh thần sẵn sàng đương đầu không tránh né những khó khăn.
Nhà Morin không chỉ vừa chiếm được thị phần kinh doanh trên nhiều địa bàn một cách có hệ thống, được liên kết khai thác trong một tổ chức dịch vụ liên ngành lớn hơn ở cấp độ toàn Đông Dương; mà lại vừa chiếm được cảm tình của đông đảo khách hàng một cách chân tình, ấm cúng và bền vững qua nhiều thế hệ. Điều đó giải thích vì sao mãi cho đến ngày nay, những Khách sạn Bạch Đằng ở Đà Nẵng (tiền thân là Khách sạn Lớn Morin Đà Nẵng), Khách sạn Morin Bà Nà, Khách sạn Sài Gòn Morin ở Huế (tiền thân là Khách sạn Lớn Morin Huế), Khách sạn Morin Bạch Mã vẫn luôn được khách hàng ưa thích.
Rõ ràng, khách hàng hôm nay không chỉ đến với những dịch vụ kinh doanh trên các cơ sở xưa của Morin vì những tiện nghi mà họ được phục vụ; mà khách hàng còn đến đó vì những cảm xúc và sự ngưỡng mộ của trái tim về thương hiệu của nhà Morin đã có trên một trăm năm lịch sử.
Huế, tháng 02 năm 2011

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

admin