Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon – Chợ Lớn – Phần III

Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon – Chợ Lớn – Phần III
Nguyễn Đức Hiệp

Bài biên khảo này tìm hiểu lịch sử nhiếp ảnh tại Việt Nam từ khi kỹ thuật nhiếp ảnh ra đời và phổ thông vào giữa thế kỷ 19 ở Âu châu… cho đến các thập niên đầu thế kỷ 20 khi các nhiếp ảnh gia người Việt bắt đầu xuất hiện.
Alexandre Francis Decoly
Ông Decoly có xuất bản các hình ảnh ở Saigon từ năm 1905 đến 1924. Ông biên tập các ảnh cartes postales, và trú ngụ ở số 10 đại lộ Charner cùng chỗ với nhà nhiếp ảnh Planté. Decoly và Planté là hai người cùng thời nhưng ông Decoly không phải là nhà nhiếp ảnh mà chỉ là một nhà thương mại. Một vài ảnh cartes postales có ký hiệu tháp ngôi chùa (pagode) ở góc ảnh là của công ty ông Decoly, sau đó ngôi chùa trở thành thương hiệu “Edition La Pagode Saigon”. Theo niên giám Đông Dương 1910 thì Decoly cư trú tại số 36 đường Legrand de la Liraye, “Decoly, employé de commerce” (nay là đường Điện Biên Phủ)
Ông biên tập và in ảnh đen trắng và màu. Ông có in ảnh về nước Lào, đặc biệt là các ảnh của ông Raquez, cũng như ảnh về Cam Bốt và tất cả các nơi khác ở Đông Dương. Trong những năm đầu, có thể là các ảnh cartes postales có ký hiệu A.F.D. là những ảnh của Decoly. Ở những ảnh xuất bản tương đối mới hơn, đằng sau có ghi: B.Frey et Cie., Saigon et Phnom-Penh (1920-1924).
Ảnh của Decoly vẫn còn được bán cho đến các năm đầu của thập niên 1930, nhưng địa chỉ số 10 đại lộ Charner sau năm 1922 không còn là phòng ảnh nữa mà là trụ sở của công ty “Compagnie commerciale et industrielle de l’Indochine”, nên ta có thể cho rằng những ảnh cartes postales này là những ảnh cuối cùng của Decoly. 
 
Hình 37: Alexandre Decoly – Bồn nước Saigon, nay là Hồ con rùa
Hình 38: Palais du Gouvernement de la Cochinchine – Dinh thống đốc Nam Kỳ (trước đó là Palais de Lieutenant-Gouverneur – Dinh phó sứ). Ngày nay là Viện Mỹ Thuật thành phố. Cổng gác ở cửa ra vào và hai tượng hai bên cửa vào dinh không còn. (“Edition La pagoda Saigon” của Alexandre Francis Decoly) 
Hình 39: Những người “mọi” ở cao nguyên Lang Bian – Di Linh (“Edition La pagode Saigon” của Alexandre Francis Decoly). Những người trong hình có lẽ là người Mnong, thuộc hệ ngôn ngữ Mon-Khmer. Họ hiện diện nhiều ở Lâm Đồng, Dak Lak
Hình 40: Chùa người Hoa ở Chợ Lớn. Có thể đây là chùa Bà Thiên Hậu và Hội quán Tuệ Thành của bang Quảng Đông (“Edition La pagode Saigon” của Alexandre Francis Decoly)
Poujade de Ladevèze
Ông Poujade de Ladevèze được biết đến qua các hình ảnh Saigon từ 1908-1922 với bộ sưu tập “Collection Poujade de Ladevèze”. Poujade de Ladevèze có tên trong niên giám các địa chỉ thương mại ở Saigon năm 1922, kế tục thương gia C. David, sản xuất ảnh cartes postales rất sớm và đặc biệt bằng màu.
Ông Poujade de Ladevèze chắc chắn cũng không phải là nhà nhiếp ảnh; ông thâu thập nhiều ảnh mà ông in ra nhưng không bao giờ ghi tên tác giả thực sự của các ảnh này (1). Niên giám Đông Dương năm 1909 (25) ghi như sau: Poujade de Ladevèze, 7 rue Vannier, commerçant (số 7 đường Vannier tức Ngô Đức Kế ngày nay và làm nghề buôn bán) và niên giám năm 1910 ghi địa chỉ là 173bis rue Catinat, marchand (cũng là nghề buôn). 
Hình 41: Câu lạc bộ sĩ quan – nay là trụ sở của Ủy ban nhân dân quận 1 (Collection Poujade de Ladevèze) 
 
Hình 42: Hình trạm hai rồng (song long) với ngọc ở trong sân trước cửa đền chùa Bà Thiên Hậu trong Chợ Lớn (Collection Poujade de Ladevèze)
Ludovic Crespin (1873-?)
Ludovic Crespin là nhà nhiếp ảnh có cơ sở, gọi là “Photo studio”, tại số 136-138 rue Catinat (đường Đồng Khởi ngày nay) vào năm 1910. Trước đó, số 136 rue Catinat là của bà Verray, một nhà nhiếp ảnh nghệ thuật, mà trong niên giám Đông Dương 1908 và 1909 có ghi như sau: “136 rue Catinat, Mme Verray, photographe artistique”. Như vậy có lẽ bà Verray đã sang lại cơ sở nhiếp ảnh này cho ông Crespin.
Sau thế chiến thứ nhất, ông sở hữu thêm một phòng phim ở số 10 Boulevard Charner. Điều này có nghĩa là có thể ông đã mua lại cơ sở của nhà nhiếp ảnh Pestel (trước đó) và Planté (sau này). Vì vậy có thể ông sở hữu các di sản của nhiều nhà nhiếp ảnh, kể cả các ảnh của ông Pestel. Điều này giải thích nhiều sản phẩm rất phong phú và đa dạng mà ông phát hành sau này. Ông tự biên tập nhiều ảnh cartes postales nhưng ông cũng mướn nhiều người, trong đó có Joseph Brignon, người biên tập trong những năm 1925-1930 một bộ cartes postales.
Ông Crespin cũng xuất bản các sách in lại các ảnh đã có, như bộ ảnh về thành phố Chợ Lớn năm 1909. Năm 1921, Crespin chụp buổi lễ hạ thủy tàu hơi nước “Albert Sarraut” do toàn quyền Maurice Long chủ tọa. Ông xuất bản bộ ảnh tên là “Souvenir de Cochinchine et du Cambodge”, do Phòng Thương mại Saigon biên tập, trong đó có các ảnh của thống tướng (marechal) Joffre khi ông này viếng Đông Dương chính thức vào năm 1923. Sau đây là vài hình trong bộ ảnh “Souvenir de Cochinchine et du Cambodge” 
Hình 43: Ludovic Crespin – Saigon đầu thập niên 1920: Place de l’hôtel de ville, boulevard Bonnard, boulevard Charner. Quảng trường tòa đô chính, góc đại lộ Bonnard (Lê Lợi) và Charner (Nguyễn Huệ). Chính giữa đường Lê Lợi là công viên, và có tượng của Francis Garnier nhìn về phía nhà hát thành phố. Bên phải hình là tiệm “Auto-Hall” bán các loại xe hơi. Bên trái hình là nhà hàng Pancrazi mở đến tối khuya. Những người kéo xe, phía phải hình, đang nhìn về phía người chụp ảnh (Crespin). 
Hình 44: Ludovic Crespin – Saigon đầu thập niên 1920: Rond point entre le boulevard Charner et le boulevard Bonnard. Vòng xoay giữa đại lộ Nguyễn Huệ (Charner) và đại lộ Lê Lợi (Bonnard). Giữa vòng xoay là vòng bệ nơi chiều thứ bảy, có đoàn nhạc chơi nhạc giao hưởng hay quân nhạc chơi kèn giải trí cho dân chúng. Người Việt gọi ngã tư này là ngã tư “Bồn Kèn”. Để ý xe buýt chở khách giữa hình và trên đầu xe có biển quảng cáo coiffre-art “Le Gaulois”. Bên phải hình là “auto-hall” nơi bán các loại xe hơi (kể cả xe hãng Citroen) và garage xe. Đối diện với “auto-hall”, bên kia đường là nhà hàng Pancrazi (*). Đằng xa phía trái hình là tòa thị sảnh.
Crespin và vợ cũng là chủ đồn điền cao su ở Tam May (Biên Hòa). Do ông Crespin là giám đốc xưởng nhiếp ảnh và có nhiều kinh nghiệm hoạt động từ nhiều năm, nên nghị viên đại diện Nam Kỳ ở Quốc hội Pháp, ông Ernest Outrey năm 1921 có đề nghị ông Crespin là người có trách nhiệm trưng bày và truyền bá những hình ảnh ở Nam Kỳ trong Hội chợ các xứ thuộc địa ở Marseilles năm 1922.
Mặc dù được sự ủng hộ của Phòng thương mại Saigon, Hội đồng quản hạt, Hội đồng thành phố Saigon và mặc dù tất cả chi phí ông Crespin sẽ bỏ ra cho các hình ảnh phóng lớn, các bộ ảnh, cũng như sẽ phân phát miễn phí 1 triệu ảnh cartes postales ở hội chợ; nhưng có sự ngần ngại và chống đối trong chính quyền và Bộ thuộc địa ở Pháp về tư cách ông Crespin đại diện chính thức thay thế cơ quan Sở nhiếp ảnh và phim ở Đông Dương (Service photo-cinématographique de l’Indochine).
Tuy không được đại diện tổ chức trưng bày hình ảnh, nhưng năm 1922, ông cũng có mặt với tư cách cá nhân ở Hội chợ triển lãm Marseilles và có bộ 16 hình ảnh tổng quan về lục tỉnh đặt trong trong nhà triển lãm Nam Kỳ. Theo ông thị trưởng thành phố Saigon thì Crespin là nhà nhiếp ảnh duy nhất có một bộ sưu tập đầy đủ tất cả những tòa nhà, tượng và những địa điểm đầu tiên xưa nhất của thành phố.
Chú thích:
(*) Theo ông Vương Hồng Sển thì nhà hàng Pancrazi này là một trong bốn nhà hàng ở gần ngã tư đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi, và ông đã tả như sau: “Góc Bồn Kèn tứ diện có bốn nhà hàng rượu tây, ăn khách từ sáu giờ chiều đến hai giờ khuya, sau dẹp dần chỉ còn lại quán Pancrazi là giỏi chịu đựng nhứt. Quán Café de la musique ở góc đường Tự Do và Lê Lợi ngang Nhà Hát Tây, năm 1905 sang cho lão quán Pancrazi, kế biến thành nhà thuốc tây Solirène, rốt lại là nhà bán kem Givral”. Ông và bà Pancrazi còn là chủ khách sạn Grand-Hôtel des Nations ở 104-106 Boulevard Charner trên lầu ở ngay tại nhà hàng này.     

Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon – Chợ Lớn – Phần I
Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon – Chợ Lớn – Phần II.1
Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon – Chợ Lớn – Phần II.2
Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon – Chợ Lớn – Phần II.3 
Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon – Chợ Lớn – Phần III
Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon – Chợ Lớn – Phần IV

admin