Đường Catinat nhìn từ nhà thờ Đức Bà. Ảnh chụp cuối thế kỉ 19, một đài phun nước nhỏ ở vị trí sau này dựng tượng Giám mục Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh. Hai tòa nhà hai bên đầu đường Catinat có kiến trúc gần giống nhau đối xứng qua trục đường Catinat.
Cảnh tan lễ nhìn từ tháp chuông nhà thờ. Lúc này trên công viên Nhà thờ Đức Bà đã có bức tượng Giám mục Bá Đa Lộc (tượng được khánh thành ngày 10/3/1902, dưới thời Toàn quyền Paul Doumer).
Ảnh trong cùng bộ sưu tập của F.H, Schneider. Đường Catinat nhìn từ tháp chuông nhà thờ. Ngôi nhà bên trái bức ảnh có hàng hiên nhô về tường rào phía đường Taberd (Nguyễn Du ngày nay).
Ngôi nhà bên trái ở ảnh trước, địa chỉ 164 Catinat, là Sở thu thuế. Khảo cứu niên giám của TS Nguyễn Đức Hiệp cho thấy địa chỉ này được ghi là Recette locale (Thu thuế địa phương) trong các năm 1905-1906, và Receveur spécial (Thu ngân đặc biệt) từ năm 1907-1911, từ năm 1912 trở đi là “Trésor public” (Ngân khố, Kho bạc).
Đối diện bên kia đường, số 225 Catinat, là nơi ở của quản lý kho bạc (tresorier payeur). Như vậy hai tòa nhà ở cuối đường Catinat đều có thể gọi là Tresor Public vì một nơi là nhận tiền và bên kia quản lý ngân khố.
Đường Catinat với hai tòa nhà đối xứng. Cây cột điện thay đổi, phần chân cột được đúc xi măng gia cố
Năm 1917, khi kho bạc mới được xây ở đại lộ Charner, chính quyền thực dân Pháp bố trí cho Sở Mật thám Nam Kỳ và Sở Cảnh sát Trung tâm sử dụng công trình này. Do nằm trên đường Catinat nên người dân thường gọi hai cơ quan này là “Bót Catinat”.
Bót Catinat có căn hầm sâu dưới mặt đất, các xà lim lớn, nhỏ nơi mật thám Pháp giam giữ nhiều tù nhân chính trị. Bót Catinat khét tiếng ác ôn, Việt Minh hay người bị tình nghi, khi bị bắt đều được đưa vào đó để tra tấn, khai thác làm biên bản rồi giải qua Khám Lớn. Do nằm kế bên nhà thờ Ðức Bà nên người dân Sài Gòn gọi châm biếm: “Kế bên thiên đàng có địa ngục”.
Bót Catinat năm 1948. Khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương bức tượng Giám mục Bá Đa Lộc bị hạ xuống, và được đưa về Pháp.
Sau năm 1954, bót Catinat khét tiếng thời thực dân được chính quyền Sài Gòn sử dụng làm trụ sở Bộ Nội vụ. Ảnh chụp năm 1967, lúc này quảng trường trước Nhà thờ Đức Bà mang tên Quảng trường Kennedy. Ta có thể thấy dòng chữ Bộ Nội Vụ ở cổng tòa nhà bên trái. Tòa nhà bên phải không thay đổi so với trước, nó được dùng làm trụ sở Bộ Xã Hội.
Toàn cảnh giao lộ Đồng Khởi – Nguyễn Du
Saigon Metropolitan mọc lên.
Sau năm 1975, tòa nhà 164 Đồng Khởi được sử dụng làm trụ sở trụ sở của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh. Hiện giờ một dự án bất động sản hơn 7.000 tỷ được phê duyệt trên khu đất vàng này