Có phải chịu trách nhiệm khi chứng thực giấy tờ giả?

Trong trường hợp từ chối chứng thực, người thực hiện chứng thực phải giải thích rõ lý do bằng văn bản cho người yêu cầu chứng thực.

Hỏi: Chị của em vừa xin được việc làm và được phân công tại bộ phận tư pháp, hộ tịch cấp xã. Chị của em được giao kiểm tra và thực hiện việc chứng thực giấy tờ, hộ tịch tại bộ phận một cửa. Gia đình em rất lo lắng, không biết nếu vì lý do khách quan, chẳng hạn như giấy tờ được yêu cầu chứng thực là giấy tờ giả, mà do bằng mắt thường, người cán bộ tư pháp, hộ tịch không phát hiện được thì có phải chịu trách nhiệm hay không?

Có phải chịu trách nhiệm khi chứng thực giấy tờ giả? - Ảnh 1

Ảnh minh họa

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

Theo quy định của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì trong trường hợp tiếp nhận yêu cầu chứng thực mà người thực hiện chứng thực nghi ngờ, phát hiện giấy tờ, văn bản chứng thực là giả thì có quyền “5. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin cần thiết để xác minh tính hợp pháp của giấy tờ, văn bản yêu cầu chứng thực” (khoản 5 Điều 9) và “6. Lập biên bản tạm giữ, chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với giấy tờ, văn bản yêu cầu chứng thực được cấp sai thẩm quyền, giả mạo hoặc có nội dung quy định tại Khoản 4 Điều 22 của Nghị định này” (khoản 6 Điều 9 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP).
Như vậy, trong trường hợp tiếp nhận giấy tờ, văn bản có yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính người thực hiện chứng thực nghi ngờ hoặc phát hiện giấy tờ văn bản giả mạo thì phải xử lý theo quy định pháp luật và từ chối chứng thực. Trong trường hợp từ chối chứng thực, người thực hiện chứng thực phải giải thích rõ lý do bằng văn bản cho người yêu cầu chứng thực.

Trong trường hợp, bằng mắt thường người thực hiện chứng thực không phát hiện được giấy tờ, văn bản giả mạo và đã thực hiện chứng thực thì công chức tư pháp- hộ tịch cũng không nên quá lo lắng. Vì, người thực hiện chứng thực không cố ý thực hiện chứng thực giấy tờ, văn bản giả mạo và Điều 19 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP cũng quy định: “1. Người yêu cầu chứng thực bản sao phải chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp lệ, hợp pháp của bản chính giấy tờ, văn bản dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao; không được yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản quy định tại Điều 22 của Nghị định này.

Do đó, người thực hiện chứng thực chỉ chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao đúng với bản chính và sẽ không phải chịu trách nhiệm khi chứng thực giấy tờ, văn bản hợp lệ, hợp pháp. Tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp công chức tư pháp – hộ tịch cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức để tránh sai sót đáng tiếc ảnh hưởng đến quyền lợi ích của người dân và xã hội nói chung.

Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.

About The Author