Giá đất Đồng Nai, Long An nổi sóng theo cơn sốt đất Sài Gòn
Đất mặt tiền đường Nguyễn Ái Quốc, Cách Mạng Tháng Tám, Võ Thị Sáu (Biên Hòa) lần lượt vọt lên 72-80-90 triệu đồng mỗi m2.
Khảo sát củaVnExpress, giá đất khắp các địa bàn tỉnh lân cận hoặc có bán kính cách TP HCM 25-50 km đang tăng chóng mặt. Đáng chú ý là cụm tam giác Biên Hòa – Long Thành – Nhơn Trạch (Đồng Nai) ghi nhận giá đất nhiều vị trí xấp xỉ với phố nhà giàu quận 2, TP HCM.
Tại Biên Hòa, đất mặt tiền đường Nguyễn Ái Quốc được chào bán 72 triệu đồng mỗi m2, đất đường Cách Mạng Tháng Tám 80 triệu đồng mỗi m2 và đất trên tuyến đường Võ Thị Sáu thậm chí còn có giá 90 triệu đồng. Ngoài ra, các dự án phân lô bán nền trong thành phố công nghiệp này cũng thiết lập mặt bằng giá mới 18-22 triệu đồng mỗi m2, có nơi tiệm cận mốc 30 triệu đồng.
Với mặt bằng giá đất mới của đường Nguyễn Ái Quốc, Cách Mạng Tháng Tám, Võ Thị Sáu, bất động sản liền thổ tại Biên Hòa đang tiệm cận với giá đất mặt tiền những tuyến đường sầm uất tại khu Đông Sài Gòn.
Theo phản ánh của người dân và môi giới bất động sản hoạt động tại thành phố công nghiệp này, mặt bằng giá đất Biên Hòa đang tăng 100% trong vòng 12-18 tháng qua. Riêng trong 5-6 tháng gần đây, giá đất tăng đột biến nhất ở biên độ 30 – 50%.
Tại Nhơn Trạch, thị trường nhà đất cũng sôi động và tăng giá mạnh mẽ. Một dự án nhà phố nằm trên mặt tiền đường 25B, tuyến đường huyết mạch dẫn vào 7 khu công nghiệp và khu vực trung tâm huyện Nhơn Trạch, đang được chào bán 13,3 triệu đồng mỗi m2. Nếu tính cả giá nhà và đất giá bán thấp nhất 2,9-3 tỷ đồng một căn. Dự án đang thu hút nhà đầu tư bằng chính sách tạo dựng cộng đồng theo hình thức cam kết cho thuê đối với khách hàng ký gửi lại nhà liền thổ với mức giá 10-17 triệu đồng một căn mỗi tháng tùy diện tích và vị trí.
Một dự án sẵn sàng mở bán tại Nhơn Trạch (Đồng Nai) trong quý II/2018. Ảnh:Hà Thanh |
Nếu so với năm ngoái, một số dự án nằm vị trí phía trong tuyến đường 25B này, đất nền chỉ được chào bán 4-6 triệu đồng mỗi m2 thì nay mặt bằng giá mới đã ghi nhận 8-12 triệu đồng.
Cũng thuộc địa bàn Nhơn Trạch, vị trí giáp Sài Gòn qua hướng Cát Lái (quận 2, TP HCM), đất nền lẻ chào bán đường nội bộ khu dân cư mới đã tăng 15-20% so với 4-5 tháng trước. Nhà đất nằm trong hẻm, cách đường Dương Văn Thì 50m, thuộc xã Phú Hữu, Nhơn Trạch, Đồng Nai, đang được chào giá trên 12 triệu đồng một m2. Ngoài đường lớn, giá đất vọt lên 15-16 triệu đồng mỗi m2.
Các lô đất trong xã Phú Hữu đầu năm 2018 có giá một tỷ đồng thì nay đã được định vị ở vùng giá 1,2 tỷ đồng một nền. Các dự án mới chào bán trong quý II/2018 tại Nhơn Trạch ghi nhận mức giá tiệm cận ngưỡng 17-18 triệu đồng mỗi m2.
Tại huyện Long Thành, giá đất cũng bắt kịp ngưỡng chục triệu đồng mỗi m2. Đầu tháng 5/2018, đất mặt tiền đường Nguyễn Hải gần trung tâm thị trấn Long Thành, đã nhảy lên vùng giá trên 11 triệu đồng mỗi m2. Dọc Tỉnh lộ 769 từ thị trấn Long Thành vào các xã Lộc An, Bình Sơn giá đất nền dự án các vị trí mặt tiền đường lớn đang được chào bán giá 2,2-2,7 tỷ đồng.
Đất quy hoạch khu dân cư ở xã An Viễn, thuộc huyện Trảng Bom, giáp với Long Thành được chào giá vài chục tỷ đồng một hecta trong khi đất nông nghiệp có giá 15 tỷ đồng một hecta. Các lô đất lớn 1.000 m2 tại địa bàn này được cò hét giá 4,5-5 tỷ đồng. Những lô đất nhỏ hơn chưa lên thổ cư giá xấp xỉ 700-800 triệu đồng đến một tỷ đồng một nền. Mức giá này được môi giới nhà đất tiết lộ đã tăng theo cấp số nhân (ít nhất là 2-3 lần và nhiều nhất 5-7 lần) so với cách đây 1-2 năm.
Bình Dương, tỉnh lân cận TP HCM, không nằm ngoài cơn sốt này. Đất nền dự án tại thị trấn Lái Thiêu (khu vực giáp Sài Gòn qua quận 12) cách đây 4-5 tháng đã nhảy lên vùng giá 17-18 triệu đồng mỗi m2 thì nay tiếp tục vọt lên 23 triệu đồng, tăng 5 triệu đồng mỗi m2. Như vậy, mặt bằng giá đất tại đây đã đội lên 30% chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm. Nhà đầu tư mua bán chênh lệch trung bình 500 triệu đồng cho mỗi nền 100m2.
Một dự án đã hoàn thiện hạ tầng tại Đức Hòa (Long An) liên tục hút nhà đầu tư Sài Gòn trong 6-12 tháng qua. Ảnh:Hà Thanh |
Tại Long An, đất dự án tại Cần Giuộc, Cần Đước đều có vị trí giáp ranh Sài Gòn đã xuất hiện mặt bằng giá mới, tăng 30% so với cuối năm 2017. Còn ở huyện Đức Hòa, đất nền dự án kết nối về Sài Gòn qua Quốc lộ 22, có giá đất giao dịch bình quân 10-11 triệu đồng mỗi m2. Những lô đẹp còn xuất hiện mức giá 13-14 triệu đồng mỗi m2 dù năm 2016 giá đất tại đây chỉ chào bán ở vùng giá 5,5-7 triệu đồng. Cũng trong quý II/2018, đất ở xã Kiến Tường, Long An được giao dịch ở mức giá 6-9 triệu đồng mỗi m2.
Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế – Marketing Đại học Kinh tế TP HCM, Huỳnh Phước Nghĩa đánh giá: “Hiện nay một thực tế đang diễn ra là cơn sốt đất đã không còn nằm ở địa phận Sài Gòn nữa. Sốt đất đang lan rộng trong vùng bán kính 25-30-50km, thậm chí vượt ngoài bán kính này gấp nhiều lần”.
Trong 6-12 tháng qua, giá đất tại các tỉnh: Đồng Nai, Long An, Bình Dương giáp ranh Sài Gòn cũng đều thi nhau tăng chóng mặt. Các vị trí xa hơn như: Bình Phước, Lâm Đồng, Phú Yên… cũng ghi nhận giá đất không ngừng leo thang.
Ông Nghĩa cho rằng có nhiều lý do khiến giá đất tăng thẳng đứng trong thời gian qua, trong đó chắc chắn không thể thiếu dấu ấn của cú hích hạ tầng. Trên thực tế, một số vị trí trọng yếu của các địa bàn: Nhơn Trạch, Biên Hòa, Long An đã có hàng loạt biến chuyển hạ tầng tích cực nên giá đất đi lên không quá khó hiểu.
Thêm vào đó, 4 năm qua trượt giá khá cao trong khi thanh khoản bất động sản tốt, tạo quỹ đạo để tiền chuyển vào đất vì là kênh đầu tư tài sản an toàn. Không thể phủ nhận, đầu tư đất nhiều cơ hội hơn so với các lĩnh vực khác đã góp phần hình thành những cơn bão giá đất liên tục diễn ra.
Tuy nhiên, chuyên gia này bày tỏ quan ngại về một nguyên nhân sâu xa hơn kích giá đất bước vào giai đoạn “đại nhảy vọt” trên diện rộng như hiện nay, đó là làn sóng đầu cơ ngày càng khó lường.
Bằng các thủ thuật kích giá tinh vi, những “đội lái” đã khiến giá trị của bất động sản liền thổ ngày càng vượt xa khỏi mọi dự báo, không còn tuân theo bất cứ quy luật nào và trở nên ngày càng đắt đỏ đến khó tin.
Đầu tiên là động thái chào mua với mức giá tăng liên tục đã chi phối giá đất biến động nhanh hơn bình thường. Những lời đề nghị mua đất với mức giá không ngừng leo thang đã vô tình khiến thị trường rơi vào bẫy giá không có phanh thắng lại. Tương tự giá chào bán cũng bị kéo lên theo giá chào mua. Thị trường cũng xuất hiện những đối tượng đầu cơ tích trữ đất với dòng vốn cực lớn, đủ sức tạo nên những ma trận tăng giá đột biến.
“Sốt đất chỉ thật sự xảy ra ở một số vị trí đặc biệt. Điểm đáng quan ngại trong thời gian qua là giá chào bán và giá chào mua đang dẫn dắt toàn bộ thị trường. Điều này đã tác động mạnh mẽ đến tâm lý đám đông tạo nên cơn sốt diện rộng”, ông Nghĩa nhận định.
Quan điểm của chuyên gia này, giá kỳ vọng chưa phải là chuỗi giá trị bền vững và thường không phản ánh đúng giá trị thật của bất động sản. Cần hiểu rằng chào bán hay chào mua hoàn toàn khác với giá trị giao dịch thành công. Nếu một thị trường chỉ căn cứ vào mức giá chào bán hay chào mua để định giá thì khó tránh khỏi nguy cơ bong bóng.
Ông Nghĩa khuyên nhà đầu tư hãy đặt ra thật nhiều câu hỏi và đi tìm lời giải trước khi chọn mặt gửi vàng. Ví dụ: thanh khoản ở mức giá đỉnh có tương xứng với giá thật hay không và kéo dài trong bao lâu? Các giao dịch với mức giá trần đang chiếm tỷ lệ như thế nào trong toàn cảnh thị trường? Dòng vốn dùng để mua đất có phải là tiền tích lũy dài hạn? Dự án đang chào bán đã triển khai đến đâu, có người về ở hay không?
“Cẩn trọng trước, trong và sau khi giao dịch trong thời điểm này không bao giờ thừa. Quan trọng hơn hết thảy là hãy thận trọng khi dùng đòn bẩy tài chính để gom đất”, chuyên gia này khuyến cáo.
Vũ Lê
Nguồn : //kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/bat-dong-san/gia-dat-dong-nai-long-an-noi-song-theo-con-sot-dat-sai-gon-3745801.html