Thu phí công chứng khi ký phụ lục Hợp đồng thế chấp để định giá lại tài sản thế chấp

Câu hỏi
Áp dụng theo Thông tư 08/2012/TTLT-BTC-BTP hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí công chứng tôi có câu hỏi như sau: 
Một công ty A vay vốn tại Ngân hàng dùng tài sản thế chấp hình thành trong tương lai để thế chấp. Tại thời điểm ký hợp đồng định giá tài sản là 154 tỷ đồng. Phí công chứng là 10 triệu đồng.
Trường hợp 1:  Hai năm sau khi tài sản hình thành thì tài sản được định giá lại là: 180 tỷ đồng. Hai bên ký phụ lục Hợp đồng thế chấp để định giá lại tài sản. Cơ quan công chứng thu thêm phí từ mức chênh lệch tài sản (180-154=26 tỷ đồng) là 10 triệu đồng. 
Trường hợp 2: Hai năm sau hai bên lại định giá lại để xác định tài sản thế chấp và cũng có sự tăng giá trị tài sản thế chấp lên 180 tỷ và cơ quan công chứng cũng thu thêm 10 triệu. 
Vậy xin hỏi 02 trường hợp này có bị thu phí sai hay không? Nếu thời gian sau đó giá cả thay đổi tài sản lại tăng tiếp lên 200 tỷ thì có thu tiếp hay không?

Trả lời 
Thông tư số 08/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 19/01/2012 của  Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí công chứng quy định:
– Mức thu phí đối với Hợp đồng thế chấp (Điểm a Khoản 2 Điều 2): Công chứng hợp đồng thế chấp tài sản, cầm cố tài sản (tính trên giá trị tài sản; trường hợp trong hợp đồng thế chấp tài sản, cầm cố tài sản có ghi giá trị khoản vay thì tính trên giá trị khoản vay);
– Mức thu phí đối với việc sửa đổi bổ sung Hợp đồng (theo Khoản 3 Điều 2): Công chứng việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng, giao dịch: mức thu là 40.000đ; trừ việc sửa đổi, bổ sung tăng giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch thì áp dụng mức thu theo quy định tại khoản 2 Điều 2 nêu trên.
Biểu phí được quy định như sau:
+ Dưới 50 triệu, phí là 50.000đ;
+ Từ 50 triệu đến 100 triệu, phí là 100.000đ;
+ Từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, phí là 0,1 %;
+ Từ trên 01 tỷ đồng đến 03 tỷ đồng, phí là 1 triệu đồng + 0,06% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 01 tỷ đồng;
+ Từ trên 03 tỷ đồng đến 05 tỷ đồng, phí là 02 triệu 200 nghìn đồng + 0,05% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 03 tỷ đồng;
+ Từ trên 05 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng, phí là 03 triệu 200 nghìn đồng + 0,04% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 05 tỷ đồng;
+ Từ trên 10 tỷ đồng, phí là 05 triệu 200 nghìn đồng + 0,03% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 10 tỷ đồng (mức thu tối đa không quá 10 triệu đồng/trường hợp)
Với các trường hợp cụ thể mà bạn nêu thì mức thu phí công chứng được xác định như sau:
1. Phí công chứng đối với Hợp đồng thế chấp ban đầu
Vì tài sản thế chấp được định giá là 154 tỷ đồng nên tổ chức công chứng thu phí là 10 triệu đồng (mức tối đa theo quy định Thông tư số 08/2012/TTLT-BTC-BTP) là đúng.
2. Phí công chứng đối với Phụ lục hợp đồng thế chấp mà bạn nêu ở trường hợp thứ nhất
Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư số 08/2012/TTLT-BTC-BTP nêu trên thì tổ chức công chứng sẽ thu phí công chứng dựa trên phần giá trị tài sản tăng thêm, tức là: 180 tỷ đồng – 154 tỷ đồng = 26 tỷ đồng. Theo biểu phí công chứng thì cách tính như sau:
Phí công chứng = 5,2 triệu đồng + {0.03% * (26 tỷ đồng – 10 tỷ đồng)}  = 10 triệu đồng.
Như vậy, tổ chức công chứng thu phí 10 triệu đồng đối với trường hợp thứ nhất là đúng.
3. Phí công chứng đối với Phụ lục hợp đồng thế chấp mà bạn nêu ở trường hợp thứ hai
Trường hợp này bạn hỏi không rõ. Phụ lục hợp đồng thế chấp trong trường hợp thứ hai là phụ lục lần thứ nhất hay phụ lục lần thứ hai?
Nếu là phụ lục lần thứ nhất mà giá trị tài sản thế chấp tăng thành 180 tỷ đồng (so với giá trị tài sản trong hợp đồng thế chấp ban đầu là 154 tỷ đồng) thì phí công chứng thu 10 triệu đồng là đúng (như đã tính ở phần trên).
Nếu là phụ lục lần thứ hai mà: giá trị tài sản trong Hợp đồng thế chấp ban đầu là 154 tỷ đồng; giá trị tài sản trong Phụ lục lần thứ nhất là 180 tỷ đồng; và giá trị tài sản trong Phụ lục lần thứ hai là 180 tỷ đồng.
Như vậy, khi công chứng Phụ lục lần thứ nhất thì tổ chức công chứng đã thu phí công chứng là 10 triệu đồng tính trên giá trị tăng thêm của tài sản. Khi công chứng Phụ lục lần thứ hai thì tổ chức công chứng sẽ thu phí là 40.000 đồng theo khoản 3 Điều 2 Thông tư số 08/2012/TTLT-BTC-BTP, vì lúc này, giá trị tài sản thế chấp tính theo Phụ lục lần hai so với giá trị tài sản thế chấp tính theo Phụ lục lần nhất là không tăng (đều là 180 tỷ đồng). Nếu tổ chức công chứng thu phí công chứng là 10 triệu là không đúng.
Nếu là phụ lục lần thứ hai mà: giá trị tài sản trong Hợp đồng thế chấp ban đầu là 154 tỷ đồng; giá trị tài sản trong Phụ lục lần thứ nhất là 180 tỷ đồng; và giá trị tài sản trong Phụ lục lần thứ hai là 360 tỷ đồng (tức là tăng thêm 180 tỷ đồng so với Phụ lục lần thứ nhất). Như vậy, khi công chứng Phụ lục lần thứ hai thì tổ chức công chứng sẽ thu phí dựa trên phần giá trị tăng thêm của tài sản thế chấp: Giá trị tài sản theo Phụ lục lần hai – Giá trị tài sản theo Phụ lục lần thứ nhất = 180 tỷ đồng. Phí công chứng tính trên 180 tỷ đồng là 10 triệu đồng (mức tối đa theo quy định tạiThông tư số 08/2012/TTLT-BTC-BTP).
4. Phí công chứng nếu tiếp tục ký Phụ lục hợp đồng thế chấp để định giá lại tài sản là 200 tỷ đồng
Nếu Phụ lục lần thứ nhất đã định giá lại tài sản là 180 tỷ đồng thì khi ký phụ lục lần thứ hai để định giá lại tài sản là 200 tỷ đồng thì phí công chứng sẽ thu dựa trên phần tăng thêm của giá trị tài sản (200 tỷ đồng – 180 tỷ đồng = 20 tỷ đồng).
Phí công chứng sẽ là = 5,2 triệu đồng + {0.03% * (20 tỷ đồng – 10 tỷ đồng)}  = 8,2 triệu đồng.
Bạn lưu ý, tất cả các phí công chứng nêu trên là chưa bao gồm thù lao công chứng. Vì theo quy định của Luật Công chứng thì khi công chứng hợp đồng, giao dịch, người yêu cầu công chứng phải nộp phí công chứng theo điều 56 Luật Công chứng (quy định cụ thể tại thông tư 08/2012/TTLT-BTC-BTP) và nộp thù lao công chứng theo Điều 57 Luật Công chứng (Thù lao công chứng do tổ chức công chứng quy định, gồm: thù lao soạn thảo hợp đồng, giao dịch, đánh máy, sao chụp và các việc khác liên quan đến việc công chứng). Nên việc bạn nộp tiền công chứng có thể đã bao gồm cả thù lao công chứng.

About The Author