G
G
2008. Cũng mất cả năm Tony chưa viết gì ngoài mấy lá thư thương mại giao dịch bằng tiếng Anh. Nhiều sự cố, xảy ra, biến mất và lại xảy ra tiếp tục như trêu ngươi. Không gặp mặt ai. Vô số các cuộc gọi nhỡ và tin nhắn. Bỗng dưng chẳng biết muốn gì, kể cả muốn khóc.
Bèn ngày Ngọ, giờ Tý, chong đèn, lật sách của sư phụ ra coi. Nhớ ngày xưa, ngày tạm biệt thầy và đồng môn để xuống núi lao vào thương trường, thầy có cho một cuốn sách, bảo con chớ mở ra, chỉ mở khi thấy tâm trạng hết biết muốn gì, mới được mở, nhớ lời ta dặn ! Mở ra, thấy sách có ghi một chữ duy nhất. “BUÔN”. Hiểu ý thầy, lại tất tả lao vào kinh doanh buôn bán. Cái chi cũng buôn. Càng làm, càng thấy nhiều tiền và càng thấy mệt mỏi, bỗng dưng chẳng biết muốn gì, kể cả muốn ăn.
Bữa nay, thấy lòng thiệt buồn quá, thấy bài của thầy cho chẳng hiệu nghiệm gì. Bèn online chát với thầy, trên núi vừa có sóng Viettel, thầy đã xài black berry nên trả lời nhanh lắm. Than thở 1 hồi, thầy bảo ta đã cho con chữ ấy, nghĩa là dẹp hết, nghỉ hết, lo chơi thôi, con lại lao vào làm làm gì để giờ ra nông nỗi ấy? Mình liền chụp cuốn sách cho ổng thấy giống như một bằng chứng. Hóa ra là thiếu chữ G, ông thầy người miền Nam, phát âm Buôn và Buông giống nhau, và lại ghi sai chính tả. Ý ổng là cho mình chữ BUÔNG, nghĩa là buông xuôi, buông tay, buông lơi, buông thả, dẹp hết tham sân si để lòng được bình yên. Buông là đạo pháp. Ai dè.
Kết luận: Làm thầy thì không nên viết sai chính tả !