Trong báo cáo tổng kết năm năm về thực hiện Luật Công chứng trên địa bàn TP.HCM gửi Bộ Tư pháp mới đây, UBND TP cho biết thời gian qua, hiện tượng gian dối, lừa đảo, giả mạo giấy tờ, giả mạo người yêu cầu công chứng trong hoạt động công chứng có chiều hướng gia tăng, mức độ tinh vi, phức tạp hơn, gây khó khăn cho hoạt động của công chứng viên (CCV) và cơ quan chức năng. Chúng tôi đã đi tìm hiểu và được các CCV cho biết nhiều chiêu lừa bằng giấy tờ giả gần đây được nâng cấp tinh vi đến mức khiến CCV cũng “run tay” khi ký công chứng hợp đồng giao dịch.
Bắt đầu bằng vờ hỏi mua nhà…
Theo CCV Hoàng Thị Kim Tuyến, thủ đoạn của bọn lừa đảo thường bắt đầu bằng việc đóng vai người đi hỏi mua nhà, đất. Trong vai người đi hỏi mua nhà, chúng dễ dàng xin được bản phôtô giấy tờ chủ quyền để làm mẫu sao chép ra nhiều giấy giả, đem đi công chứng ký hợp đồng lừa bán cho nhiều người. Thậm chí có nhóm còn táo tợn đến mức cầm chủ quyền giả quay lại lừa chủ nhà để tráo đổi giấy tờ thật. Với kiểu lừa bằng giấy chủ quyền thật này thì công chứng khó đỡ nổi.
Đáng lưu ý, nhóm lừa đảo tinh quái không trực tiếp lộ diện mà thuê những người nghèo khổ, chạy xe ôm, bán vé số dạo đóng giả gia chủ, dùng CMND và hộ khẩu giả đi ký công chứng bán nhà để nếu bị phát hiện thì gánh tội thay chúng.
Ký tên, lăn tay trên hợp đồng công chứng “phòng người ngay, khó phòng kẻ gian”. Ảnh minh họa: BÌNH MINH
Lừa bán nhà của chính mình
Trường hợp khác lại là chính gia chủ đi lừa công chứng. Phá sản, nợ nần đã khiến một số người liều lĩnh, làm giả giấy tờ nhà của chính mình để đi lừa bán trong khi giấy thật đang thế chấp cho ngân hàng. Đơn cử như trường hợp bà Nguyễn Thị Thanh Loan (ngụ xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) sử dụng đến bốn giấy đỏ giả để bán nhà, đất. Khi CCV nghi ngờ, yêu cầu tạm giữ lại giấy tờ để xác minh, đương sự còn mạnh miệng khẳng định giấy tờ thật và quay ngược lại cật vấn như thể công chứng làm khó người dân. Sau đó, bên mua truy gắt thì phát hiện ra giấy tờ giả nên vụ việc chuyển sang công an thụ lý.
Thậm chí có đối tượng AIDS giai đoạn cuối túng tiền, liều mua bừa một bộ giấy tờ giả chủ quyền căn nhà “ma” (địa chỉ nhà không có thật) rồi đường hoàng đến công chứng ký hợp đồng thế chấp để lừa vay tiền. “Không thể tin nổi. Chuyện mua giấy tờ giả đi lừa đảo sao mà dễ như mua rau!” – bà Tuyến âu lo.
Chia sẻ kinh nghiệm “bắt ma”
CCV Nguyễn Trí Hòa, Trưởng phòng Công chứng số 4, cho biết để phòng ngừa nạn giấy tờ giả, các CCV thường chia sẻ với nhau kinh nghiệm “bắt ma” – bắt giấy giả. Đầu tiên là kỹ năng “xét giấy”. Kỹ năng này còn tùy vào kinh nghiệm của từng CCV, do tiếp xúc thường xuyên với nhiều loại giấy tờ nên họ có độ nhạy nhất định, cũng như nhân viên ngân hàng lâu năm khi cầm tiền giả sẽ có cảm giác khác lạ. Có khi cũng phải sử dụng kính lúp, máy soi nhằm phát hiện những dấu vết bất thường trên giấy tờ có nghi vấn.
Bên cạnh đó, công chứng viên còn phải khéo léo “xét người” bằng cách đặt nhiều câu hỏi liên quan đến cấu trúc, vị trí, diện tích nhà, nguồn gốc nhà, quá trình giao dịch mua bán nhà… Nhiều đương sự giả mạo chủ nhà nên ú ớ không biết gì để trả lời.
“Có lần nghi ngờ bộ giấy tờ nhà đang mua bán là giả mạo, chúng tôi phải viện cớ trì hoãn thời gian ký chứng nhận, rồi cấp tốc cho thư ký xác minh. Truy từ địa chỉ căn nhà đang chờ ký hợp đồng mua bán, thư ký gọi về điện thoại cố định của ngôi nhà thì gặp đúng ngay chủ nhà thật sự. Chủ nhà cho hay không hề mua bán gì căn nhà mình đang ở. Còn nhóm giả mạo thấy chờ lâu sinh nghi nên lợi dụng lúc đông người đã bỏ trốn để lại mớ giấy giả” – ông Hòa kể.
Liên mạng cảnh báo rủi ro Vừa qua, UBND TP.HCM đã thành lập Trung tâm Thông tin và Tư vấn công chứng trực thuộc Sở Tư pháp TP. Bà Lâm Quỳnh Thơ, Phó Giám đốc trung tâm, cho biết sắp tới hệ thống liên mạng công chứng của Sở Tư pháp TP hoàn thiện sẽ hỗ trợ cho CCV những cảnh báo rủi ro đa chiều, nâng mức an toàn pháp lý cao hơn cho người dân. Hệ thống không chỉ thể hiện những thông tin thế chấp, ngăn chặn giao dịch của các cơ quan chức năng (tòa án, thi hành án, UBND…) mà còn có thể truy xuất lịch sử giao dịch của bất động sản, chủ bất động sản nhằm giúp cảnh báo rủi ro khi công chứng hợp đồng giao dịch. Trường hợp có người sử dụng nhiều giấy tờ giả để lừa bán nhà cho nhiều người sẽ dễ dàng bị hệ thống phát hiện, cảnh báo ngay. CCV truy xuất thông tin sẽ thấy chủ nhà đó vừa bán nhà cho người A, nay lại đi công chứng tiếp tục bán cho người B thì phải có trách nhiệm dừng hồ sơ, không thể ký được. Khi phát hiện nhiều hồ sơ đến ký giao dịch trùng lắp một căn nhà thì đó cũng là dấu hiệu nghi vấn “có giấy giả”, cơ quan chức năng có thể lần theo dấu vết tóm kẻ lừa đảo. Trong khi chờ kết quả giám định, kết luận điều tra của cơ quan công an, những căn nhà nghi vấn có giấy tờ giả, có đối tượng giả mạo chủ nhà sẽ được đưa vào danh sách đen cảnh báo toàn hệ thống các tổ chức hành nghề công chứng để CCV thận trọng hơn. Một số trường hợp sai sót của cơ quan chức năng cấp trùng hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà… cũng có thể được phát hiện, thu hồi, hủy bỏ. “Chết vì thiếu hiểu biết” Theo CCV Nguyễn Trí Hòa, đối tượng làm giả giấy tờ nhiều khi “chết vì thiếu hiểu biết”. Có trường hợp nhóm lừa đảo làm bộ hồ sơ sắc nét, hoàn hảo không tì vết. Nhưng khổ nỗi hồ sơ lại có tờ khai lệ phí trước bạ trong khi vài năm gần đây mẫu giấy này đã không còn sử dụng mà thay bằng thông báo nộp tiền. Ngay cả mã số “giấy đỏ” chứng nhận quyền sử dụng đất trong mỗi giai đoạn cũng sẽ có kiểu số to – nhỏ, nét đậm – mảnh khác nhau, kiểu “số đóng” hay “số in”… nên giấy tờ giả nhiều khi bị lộ bởi những “lỗ chân trâu” này. |
BÌNH MINH