Phải bồi thường vì công chứng giấy tờ giả

Phải bồi thường vì công chứng giấy tờ giả

– Công chứng giấy ủy quyền có chữ ký do bị cáo làm giả, văn phòng công chứng bị “níu áo” và phải liên đới bồi thường hơn 200 triệu đồng.

Ngày 26-2, TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm, tuyên bác kháng cáo của Văn phòng công chứng (VPCC) 24h, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND quận Ninh Kiều. Tòa buộc VPCC 24h và bị cáo Dương Hồng Phúc phải liên đới bồi thường cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Huân hơn 430 triệu đồng (mỗi bên phải bồi thường một nửa).

Theo hồ sơ, ngày 14-7-2008, bị cáo Phúc đã lấy bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) đứng tên cha ruột của Phúc, mang đến thế chấp cho ông Trần Văn Phi với số tiền 65 triệu đồng trong thời hạn ba tháng.

Đến hạn, Phúc không có tiền để trả ông Phi nên Phúc nhờ ông Phi làm một mẫu giấy ủy quyền với nội dung Phúc có toàn quyền chuyển nhượng, bảo lãnh và thế chấp giấy chứng nhận QSDĐ này. Phúc lấy giấy ủy quyền, giả mạo chữ ký của cha, ký tên vào và mang đến VPCC 24h để công chứng. Tại đây VPCC 24h đã công chứng giấy ủy quyền giả này.

Phải bồi thường vì công chứng giấy tờ giả - ảnh 1
Bị cáo Dương Hồng Phúc tại phiên xử phúc thẩm. Ảnh: NHẪN NAM

Sau khi có giấy ủy quyền, Phúc mượn giấy chứng nhận QSDĐ từ ông Phi và mang thế chấp cho ông Nguyễn Văn Huân lấy 200 triệu đồng, lãi suất 5%/tháng. Phúc và vợ chồng ông Huân thỏa thuận nếu Phúc không có khả năng thanh toán trong 2-3 tháng thì ông Huân sẽ làm thủ tục sang tên giấy chứng nhận QSDĐ cho mình.

Sau đó, Phúc không trả tiền cho ông Huân nên ông đã đến Phòng TN&MT huyện Phong Điền làm thủ tục sang tên trên giấy chứng nhận. Lúc này, cha của Phúc phát hiện nên đã có đơn yêu cầu ngăn chặn việc chuyển nhượng.

Không làm được giấy, ông Huân khởi kiện ra TAND huyện Phong Điền yêu cầu tuyên bố thỏa thuận giữa ông và Phúc vô hiệu, tòa này cho giám định giấy ủy quyền, biết chữ ký không phải do cha của Phúc ký tên. Sau đó tòa này chuyển hồ sơ vụ kiện đến TAND quận Ninh Kiều do trụ sở VPCC 24h đóng tại quận này.

Quá trình giải quyết vụ án tại TAND quận Ninh Kiều thì chính đại diện của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là VPCC 24h đã yêu cầu đình chỉ vụ án dân sự, chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an cùng cấp để điều tra làm rõ.

Sau đó Phúc bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng đã bỏ trốn khỏi địa phương, đến ngày 9-4-2019 thì bị bắt theo lệnh truy nã. Xử sơ thẩm vào tháng 10-2019, TAND quận Ninh Kiều đã phạt Phúc ba năm tù về tội danh trên.

Ngoài ra, tòa sơ thẩm còn chấp nhận yêu cầu của vợ chồng ông Huân, tuyên bố giấy ủy quyền nêu trên và hợp đồng chuyển nhượng giữa Phúc và vợ chồng ông Huân là vô hiệu. Buộc VPCC 24h và Phúc phải liên đới bồi thường cho vợ chồng ông Huân số tiền hơn 430 triệu đồng, trong đó mỗi bên có trách nhiệm trả một nửa số tiền.

Sau đó, VPCC 24h kháng cáo vì không chấp nhận phán quyết về phần trách nhiệm dân sự mà tổ chức này phải chịu.

Tòa phúc thẩm nhận định gì?

Theo HĐXX phúc thẩm, thủ đoạn lừa đảo của bị cáo Phúc hoàn tất tức hành vi làm giả chữ ký của cha trên giấy ủy quyền. Tuy nhiên, do VPCC không tuân thủ quy định pháp luật về công chứng nên phải chịu trách nhiệm do công chứng giấy ủy quyền giả, hậu quả là bị cáo có quyền bán tài sản. Bản án sơ thẩm đã xác định lỗi của VPCC là đúng nên tổ chức này phải liên đới bồi thường về dân sự.

NHẪN NAM

admin