KHI MUA BÁN XE CŨ CÓ THỂ LÀM HỢP ĐỒNG ỦY QUYỀN THAY VÌ HỢP ĐỒNG MUA BÁN

Mình thấy nhiều anh em khi mua bán xe cũ (xe máy lẫn xe hơi) thay vì làm hợp đồng mua bán (bên A bán xe cho bên B) thì còn có một cách khác là làm hợp đồng ủy quyền (bên A ủy quyền cho bên B được quyền sử dụng/cho/tặng/cho thuê, kể cả bán lại chiếc xe đó cho bên C khi muốn). Anh em cứ để ý sẽ thấy các cửa hàng mua bán xe cũ toàn áp dụng hình thức này, khi họ mua lại xe thì sẽ làm hợp đồng ủy quyền chứ không làm hợp đồng mua bán.

LỢI ÍCH CỦA HỢP ĐỒNG ỦY QUYỀN SO VỚI HỢP ĐỒNG MUA BÁN.

Lưu ý là để có tính pháp lý cao nhất, hợp đồng nên được ký kết ở các phòng công chứng. (sau đây gọi tắt bên bán là bên A, bên mua là bên B, bên thứ 3 là bên C).

  • Bên B có đầy đủ 3 quyền: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt chiếc xe giống như chủ xe. Cần lưu ý thời hạn của hợp đồng ủy quyền (tối đa được 10 năm) và các điều khoản ủy quyền có minh bạch hay không, quan trọng nhất là có mục “có quyền bán lại chiếc xe cho bên C mà không cần phải báo cho bên A biết” hay không.
  • Trong thời hạn của hợp đồng ủy quyền đó (ví dụ 5 năm), bên B không cần phải làm thủ tục sang tên đổi chủ chiếc xe về tên của mình mà vẫn sử dụng bình thường. Nhờ vậy không bị áp lực phải sang tên trong vòng 30 ngày theo luật qui định mới.
  • Hợp đồng ủy quyền có giá trị tương đương với hợp đồng mua bán, do đó bên A không thể đơn phương hủy ngang hợp đồng ủy quyền cho bên B để đơn phương giành lại quyền sở hữu xe. Chỉ khi cả 2 bên cùng ra phòng công chứng làm thủ tục thanh lý hợp đồng ủy quyền đó thì lúc này mới có thể hủy ngang.
  • Ví dụ đối tượng trong hợp đồng là xe hơi, khi bên B muốn bán lại xe cho bên C thì chỉ cần 1 mình B làm hợp đồng mua bán cho C, không cần phải có mặt cả 2 vợ chồng (trong trường hợp B đã kết hôn) đồng ý bán xe. Vì luật qui định nếu đã kết hôn thì phải cả 2 vợ chồng cùng đồng ý mới bán được chiếc xe đó.

hop-dong-uy-quyen-khi-mua-xe-toyota-hadong-2

MỘT SỐ HẠN CHẾ CỦA HỢP ĐỒNG ỦY QUYỀN:
  • Chỉ có hiệu lực trong thời gian được ghi trong hợp đồng.
  • Bên B sẽ không được làm thủ tục sang tên đổi chủ chiếc xe về tên mình. Lúc đó, B phải làm hợp đồng ủy quyền (hoặc bán) xe cho C, rồi C bán ngược lại xe cho B (lưu ý là bán nhé, chứ nếu C ủy quyền ngược lại cho B thì y chang ban đầu rồi), thì B mới có thể đứng tên xe. Tốn nhiều bước hơn so với hợp đồng mua đứt bán đoạn, A bán cho B.
  • Vẫn cầm “cà-vẹt” xe đứng tên chủ cũ, nghĩa là không phải “xe chính chủ”.
  • Hợp đồng gốc chỉ có 3 bản. Bên A, bên B và phòng công chứng giữ mỗi người 1 bản, bên A hay B mà làm mất là coi như tiêu, phải đi trích lục lại rất tốn thời gian.
  • Nếu không để ý mà làm hợp đồng ủy quyền thời gian ngắn (1-2 năm gì đó), hết thời gian này mà bên B không thể liên lạc được bên A để gia hạn hợp đồng thì mặc nhiên hợp đồng hết hiệu lực. Chiếc xe trở về lại là tài sản của A, mà B không liên lạc được A thì cũng không bán được xe cho C luôn.

Vậy nếu là anh em, khi mua bán một chiếc xe cũ thì anh em sẽ làm hợp đồng mua bán hay làm hợp đồng ủy quyền? Mời anh em chia sẻ nhé, cám ơn!

Theo: tinhte