Không được nhập nhằng khi lập vi bằng về nhà, đất

Ông Phan Thanh Tùng, Trưởng phòng Bổ trợ Tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết năm 2017, Sở Tư pháp TP tiếp nhận đăng ký gần 56.000 vi bằng của các văn phòng Thừa phát lại tại TP.HCM.

Số lượng vi bằng năm 2017 hơn 55.000 vi bằng, tăng gấp đôi so với năm 2016 (năm 2016 hơn 27.000 vi bằng). Năm qua, số lượng văn bản tống đạt theo yêu cầu của tòa án và cơ quan thi hành án dân sự cũng tăng gấp đôi so với năm 2016 (năm 2017 là hơn 219.000, năm 2016 là hơn 101.000 văn bản). Công tác xác minh về điều kiện thi hành án có năm vụ việc…

Không được nhập nhằng khi lập vi bằng về nhà, đất - ảnh 1
Đại diện TAND TP.HCM phát biểu ý kiến tại buổi họp liên ngành thừa phát lại. Ảnh: KP

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động thừa phát lại được chú trọng, tăng cường thông qua việc thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, giải quyết khó khăn vướng mắc, kiểm tra, thanh tra văn phòng Thừa phát lại để nâng cao chất lượng nghề nghiệp phục vụ người dân và hiệu quả công tác quản lý.

Bên cạnh đó, thừa phát lại nổi bật ở việc tống đạt và lập vi bằng, công tác thi hành án ngày càng ít, hạn chế. Ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ chưa cao dẫn đến sai phạm do cố ý hoặc vô ý thường xuyên xuất hiện, gây ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện chế định thừa phát lại.

Ông Tùng cũng thông tin, qua công tác thanh tra Sở nhận thấy có tình trạng thừa phát lại không trực tiếp chứng kiến sự kiện, hành vi lập vi bằng và tình trạng vi bằng ghi nhận hành vi giao nhận tiền nhằm mục đích thực hiện giao dịch nhà, đất bằng giấy tay đã trái với quán triệt của Bộ Tư pháp.

Nhiều người dân không được giải thích rõ giá trị pháp lý của vi bằng, dẫn đến sử dụng không đúng mục đích. Ví dụ như dùng vi bằng chứng minh việc giao dịch về nhà, đất để yêu cầu cơ quan đăng ký đất đai đăng bộ, cập nhật biến động chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà…

Một số văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng tại tổ chức hành nghề công chứng góp phần gây ngộ nhận giá trị pháp lý của vi bằng (xuất hiện thuật ngữ “công chứng-vi bằng”)…

Tại buổi này, đại diện TAND TP.HCM lưu ý các văn phòng Thừa phát lại nâng cao nghiệp vụ của thư ký để đảm bảo giá trị pháp lý của văn bản tống đạt mà tòa án đã giao cho thừa phát lại nhằm đem lại hiệu quả của hoạt động tống đạt.

Kết luận cuộc họp, bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, quán triệt các văn phòng Thừa phát lại phải thực hiện nghiêm túc việc vi bằng đăng ký tại Sở Tư pháp phải có đính kèm hình ảnh thừa phát lại trực tiếp chứng kiến sự kiện, hành vi lập vi bằng (trừ các trường hợp vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi nhạy cảm, bất khả kháng không thể đính kèm hình ảnh chứng minh).

Đối với các vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền, giấy tờ, tài liệu thì nội dung vi bằng phải thể hiện rõ căn cứ, cơ sở, mục đích của sự kiện, hành vi được ghi nhận…

Không được nhập nhằng

Thừa phát lại không được cố tình lập vi bằng việc mua bán nhà, đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận tiền, lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền để che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật.

(Trích Công văn số 560 ngày 30-6-2017 của Bộ Tư pháp)

KIM PHỤNG