Một số lưu ý khi sử dụng Chứng minh nhân dân

Chứng minh nhân dân (CMND) chỉ có giá trị sử dụng trong vòng 15 năm kể từ ngày cấp. Cá nhân không xuất trình CMND khi có yêu cầu bị phạt đến 200.000 đồng; Cho người khác mượn CMND để làm điều trái pháp luật bị phạt đến 02 triệu đồng… Đây là một số lưu ý khi sử dụng Chứng minh nhân dân.

CMND là một loại giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, trong đó có xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về đặc điểm nhận dạng, tên tuổi, quê quán… của người được cấp. Bắt đầu từ năm 2016, CMND được thay thế bằng Căn cước Công dân. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ sử dụng CMND trong các giao dịch hàng ngày.

Lưu ý khi sử dụng chứng minh nhân dân

Khi sử dụng chứng minh nhân dân cần lưu ý gì?

Vì CMND có liên quan mật thiết đến các vấn đề pháp lý nên người dùng cần phải rất cẩn trọng khi sử dụng loại giấy tờ này. Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng CMND:

Chứng minh nhân dân có giá trị sử dụng 15 năm

Theo Điều 3 Nghị định 05/1999/NĐ-CP của Chính phủ về Chứng minh nhân dân, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam có nghĩa vụ phải đến cơ quan công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm thủ tục cấp CMND theo quy định. Mỗi công dân chỉ được cấp một CMND và có một số CMND riêng.

Về thời hạn sử dụng của CMND, Điều 2 Nghị định 05/1999/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị đinh số 170/2007/NĐ-CP và Nghị định 106/2013/NĐ-CP) quy định, CMND có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp.

Sử dụng Chứng minh nhân dân vào việc gì?

Theo Nghị định của Chính phủ về Chứng minh nhân dân, công dân sử dụng CMND làm chứng nhận nhân thân và phải mang theo khi đi lại, giao dịch; Xuất trình khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra, kiểm soát. Nghiêm cấm việc làm giả, tẩy xóa, sửa chữa, cho thuê, cho mượn, thế chấp… Chứng minh nhân dân.

lưu ý khi sử dụng chứng minh nhân dân

CMND được sử dụng trong các giao dịch

Cho mượn Chứng minh nhân dân bị phạt đến 02 triệu đồng

Với những vi phạm quy định về quản lý, sử dụng CMND, Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CPnêu rõ:

– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng đối với một trong những hành vi: Không xuất trình CMND khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền; Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp mới, cấp lại, đổi CMND; Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về thu hồi, tạm giữ CMND khi có yêu cầu của người có thẩm quyền.

– Phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Sử dụng CMND của người khác để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật; Tẩy xóa, sửa chữa CMND; Thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn CMND để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

– Phạt tiền từ 02 – 04 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Khai man, giả mạo hồ sơ, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp CMND; Làm giả CMND; Sử dụng CMND giả.

– Phạt tiền từ 04 – 06 triệu đồng đối với hành vi thế chấp CMND để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

Ngoài hình thức phạt tiền, người vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả.