(PL)- Con dâu tráo giấy đỏ của ba chồng, làm giả giấy ủy quyền để chuyển nhượng sang tên mình rồi thế chấp ngân hàng để trả tiền nợ vay trước đó.
Nhiều tháng nay gia đình ông Lê Văn Dũng ở phường Xuân An, TP Long Khánh (Đồng Nai) rất hoang mang vì căn nhà của mình thường xuyên bị một nhóm người lạ đến tạt sơn. Đặc biệt từ việc này ông phát hiện ra chuyện khó tin là căn nhà của mình bị con dâu mang đi thế chấp ngân hàng từ lúc nào không biết.
Bị tạt sơn mới biết nhà bị thế chấp
Ông Dũng trình bày, tháng 5-2017 vợ chồng ông mua nhà 31/32/60 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM và cả gia đình chuyển về sinh sống. Bất ngờ ngày 5-9, có một nhóm người lạ đến chửi bới, tạt sơn yêu cầu gia đình ông phải trả tiền mà Nguyễn Thị Thúy An là con dâu ông đã vay. ông đã trình báo công an phường và công an quận.
Sau nhiều lần làm việc với công an, ông Dũng phát hiện căn nhà không còn đứng tên vợ chồng ông nữa mà giấy đỏ đã đứng tên vợ chồng người con trai và căn nhà đang bị thế chấp tại ngân hàng. Về nhà lục lại giấy đỏ mang tên mình thì ông Dũng thấy vẫn còn nằm trong tủ, tuy nhiên khi mang đến văn phòng công chứng thì nơi đây bảo đây là giả. Do thường xuyên bị khủng bố nên gia đình ông đã chuyển về Đồng Nai sống và hiện bỏ trống căn nhà trên.
Ông Dũng bức xúc: “Tôi có truy hai vợ chồng đứa con thì phát hiện Nguyễn Thị Thúy An là con dâu đã làm ủy quyền giả của vợ chồng tôi để sang tên cho vợ chồng nó. Tôi không hiểu vì sao việc này qua mặt được công chứng viên (ccv). Rất mong các cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ vụ việc”.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Thúy An thừa nhận: “Trước đây tôi có nợ một số tiền và không có cách nào trả được nên đã lên mạng tìm liên hệ với người làm giả hồ sơ giấy tờ. Tôi lấy giấy đỏ thật của ba chồng và tráo lại giấy giả rồi làm giả giấy ủy quyền. Tôi giả ba mẹ chồng để ủy quyền cho ông T., rồi ông T. ký chuyển nhượng căn nhà trên sang tên vợ chồng tôi. Tiếp đến tôi mang giấy đỏ thế chấp cho ngân hàng để lấy tiền trả nợ cho ông T…”.
“Tôi đã nhờ người làm giả giấy ủy quyền của ba mẹ chồng để tôi thực hiện các giao dịch chuyển nhượng và thế chấp. Tôi cũng đã nhờ người giả chồng tôi ký các giấy tờ liên quan chứ thật ra chồng tôi không biết gì. Bây giờ tôi chỉ biết chờ cơ quan điều tra làm việc thôi” – bà An nói.
Đại diện Công an quận Bình Thạnh Ông Dũng (ảnh nhỏ) và căn nhà bị tạt sơn. Ảnh: MT
Kịch bản hoàn hảo qua mặt công chứng viên
Vì sao toàn bộ giấy ủy quyền của vợ chồng ông Dũng được con dâu thừa nhận là đã làm giả lại qua mặt được CCV?
bà Huỳnh Thị Ngọc Yến, Trưởng Văn phòng công chứng (VPCC) Huỳnh Thị Ngọc Yến, thông tin ngày 8-2-2018, bà An đến đây ký hợp đồng chuyển nhượng căn nhà trên cho một người tên Cường thông qua hợp đồng ủy quyền được ký tại một VPCC ở tỉnh Đồng Nai. Qua đối chiếu các giấy tờ thì VPCC này đã thực hiện công chứng hợp đồng mua bán. Ngày 5-4-2018, bà An đến đây yêu cầu hủy hợp đồng mua bán trên với lý do ba mẹ bà không thống nhất việc thanh toán tiền mua bán.
Ngày 28-3, bà An lại đến VPCC Huỳnh Thị Ngọc Yến đề nghị chứng nhận thụ ủy hợp đồng ủy quyền do ba mẹ chồng bà ủy quyền cho bà theo chứng nhận tại Lãnh sự quán Việt nam ở Mỹ. Bà An giải thích vì hợp đồng ủy quyền trước đã hết hiệu lực và hiện tại ba mẹ chồng bà đang ở nước ngoài nên làm hợp đồng ủy quyền này. Do đó, VPCC đã chứng nhận việc thụ ủy hợp đồng ủy quyền trên.
Tiếp đến bà An lại đến VPCC ký hợp đồng chuyển nhượng căn nhà thông qua hợp đồng ủy quyền làm trước đây mà VPCC đã công chứng cho một người tên T. Sau đó bà An lại tiếp tục làm thủ tục hủy hợp đồng mua bán với ông T. và đề nghị chấm dứt ủy quyền giữa ba mẹ chồng cho bà. Song song đó, bà An đề nghị chứng nhận việc thụ ủy hợp đồng ủy quyền của ba mẹ chồng bà cho ông T. Cuối cùng ông T. sử dụng hợp đồng ủy quyền này ký hợp đồng chuyển nhượng nhà cho bà An để thế chấp vay tiền ngân hàng.
Bà Yến nói: “Bà An tạo ra một chuỗi sự kiện diễn ra liên tục, cùng những hành động rất thật khiến CCV không đề phòng. Bà An còn tinh vi đến mức đã sử dụng giấy chứng nhận ủy quyền ở nước ngoài để yêu cầu chứng nhận việc thụ ủy hợp đồng ủy quyền khiến CCV không thể kiểm tra được. Bởi con dấu, tài liệu của nước ngoài thì CCV không tài nào phát hiện được là thật hay giả. Đồng thời giấy ủy quyền từ nước ngoài thì không có lăn tay nên cũng không thể nào đối chiếu với tài liệu trước đây. Hiện VPCC Huỳnh Thị Ngọc Yến đã gửi đơn tố cáo đến công an và đang chờ kết quả giải quyết”.
Pháp Luật TP.HCM cũng đã liên hệ với VPCC Mai Việt Cường để làm rõ sự việc. Ông Mai Việt Cường, trưởng VPCC này, cho biết ngày 5-7 nơi đây công chứng hợp đồng thế chấp căn nhà trên giữa vợ chồng bà An và Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Tây Sài Gòn để vay hơn 5 tỉ đồng. Trong quá trình công chứng, CCV đã kiểm tra và mọi giấy tờ đều hợp lệ.
Đang xác minh việc tạt sơn
Về hành vi tạt sơn căn nhà số 31/32/60 Ung Văn Khiêm, đội chúng tôi chỉ nhận hồ sơ ban đầu từ đội điều tra tổng hợp, Công an quận Bình Thạnh chuyển qua. Hiện công an đang xác minh, phối hợp với gia đình ông Dũng để thực hiện các bước ban đầu như liên hệ các số điện thoại gọi tới, những tài khoản ngân hàng mà bà An cung cấp để xác định các đối tượng tạt sơn là ai. Sau khi xác định được đối tượng tạt sơn, chúng tôi sẽ xử lý đúng quy định pháp luật.
Đại diện Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận Bình Thạnh
Đã chuyển hồ sơ lên công an thành phố
Đối với hành vi có dấu hiệu làm giả con dấu, tài liệu cơ quan nhà nước của bà An, cơ quan CSĐT công an quận đã mời bà An đến làm việc. Hiện tại Công an quận Bình Thạnh đã chuyển toàn bộ hồ sơ lên cơ quan CSĐT Công an TP.HCM để giải quyết theo thẩm quyền.