Khi mua bán nhà đất cần phải công chứng, chứng thực giấy tờ để thực hiện giao dịch. Dưới đây là 3 lưu ý khi công chứng mua bán nhà đất để đảm bảo an toàn pháp lý.Công chứng mua bán nhà đất không bắt buộc trong mọi trường hợp
Hợp đồng bắt buộc công chứng, chứng thực
Theo điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013, hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực.
Thêm vào đó, các văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cũng được công chứng hoặc chứng thực theo quy định.
Các hợp đồng, giao dịch liên quan đến việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất sẽ do các tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở trên địa bàn cấp tỉnh nơi có đất công chứng hoặc UBND cấp xã nơi có đất chứng thực.
Hợp đồng không bắt buộc công chứng, chứng thực
Tuy nhiên, việc công chứng mua bán nhà đất không phải là bắt buộc trong mọi trường hợp.
Theo điểm b khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013, vẫn có một số loại hợp đồng, giao dịch thực hiện quyền của người sử dụng đất mà không bắt buộc phải công chứng, chứng thực:
– Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp;
– Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất mà một hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản.
Khi đó, việc công chứng hoặc chứng thực các hợp đồng, giao dịch sẽ theo yêu cầu của các bên.
3 lưu ý khi công chứng mua bán nhà đất (Ảnh minh họa)
Được quyền lựa chọn công chứng hoặc chứng thực
Luật quy định“được công chứng hoặc chứng thực”, tức là người dân được quyền lựa chọn giữa hai hình thức công chứng và chứng thực khi thực hiện giao dịch nhà đất.
Theo đó, có thể lựa chọn hình thức công chứng hoặc chứng thực tại các tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở trên địa bàn cấp tỉnh nơi có đất hoặc tại UBND cấp xã nơi có đất.
Tuy nhiên, đối với các địa phương đã thực hiện chuyển giao việc chứng thực, thì các hợp đồng, giao dịch liên quan đến việc thực hiện quyền của người sử dụng đất được công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng.
Các địa phương khác do điều kiện cơ sở vật chất kĩ thuật chưa đáp ứng được thì vẫn tạo điều kiện cho người dân có thể đến UBND cấp xã để chứng thực các giao dịch nêu trên.
Giá trị công chứng, chứng thực khác nhau thế nào?
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014, công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản … mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Toà án tuyên bố là vô hiệu.
Trong khi đó, thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch được thực hiện theo Nghị định 23/2015/NĐ-CP.
Theo đó, người có thẩm quyền khi thực hiện chứng thực kiểm tra và đảm bảo tính đầy đủ của hồ sơ, tại thời điểm chứng thực người yêu cầu chứng thực minh mẫn, nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
Người yêu cầu chứng thực chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung, tính hợp pháp của các loại giấy tờ, hợp đồng, giao dịch.
Còn hợp đồng, giao dịch được chứng thực có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Do công chứng có giá trị chứng minh cao hơn nên khi mua bán nhà đất người dân thường lựa chọn công chứng.