Sửa chữa sai sót trong giấy tờ công chứng thế nào?

Sửa chữa sai sót trong giấy tờ công chứng thế nào?

Hiện nay, với giá trị chứng minh của giấy tờ công chứng nhu cầu công chứng ngày càng cao. Tuy nhiên trong quá trình công chứng không tránh khỏi sai sót, lỗi kỹ thuật. Khi đó sửa chữa sai sót trong giấy tờ công chứng thế nào?

Lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng

Theo Điều 50 Luật công chứng 2014, lỗi kỹ thuật là lỗi do sai sót trong khi ghi chép, đánh máy, in ấn trong văn bản công chứng mà việc sửa lỗi đó không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người tham gia hợp đồng giao dịch.

Thêm vào đó điềm b khoản 2 Điều 7 Luật này nghiêm cấm người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng.

Theo đó, trong trường hợp văn bản công chứng bị sai địa chỉ do lỗi ghi chép, đánh máy, in ấn trong quá trình công chứng thì thực hiện sửa lỗi kỹ thuật văn bản công chứng đó.
 


Sửa chữa sai sót trong giấy tờ công chứng thế nào? (Ảnh minh họa)

Thủ tục sửa lỗi kỹ thuật văn bản công chứng

Căn cứ khoản 2 Điều 50 Luật Công chứng 2014, việc sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó.

Trường hợp hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa lỗi kỹ thuật.

Cụ thể:

– Phòng công chứng được chuyển đổi thành Văn phòng công chứng thì hồ sơ công chứng do Văn phòng công chứng được chuyển đổi quản lý;

– Phòng công chứng bị giải thể: Hồ sơ công chứng phải được chuyển cho một Phòng công chứng khác hoặc một Văn phòng công chứng do Sở Tư pháp chỉ định;

– Văn phòng công chứng chấm dứt hoạt động thì Văn phòng công chứng đó phải thỏa thuận với một Văn phòng công chứng khác về việc tiếp nhận hồ sơ công chứng.

Nếu không thỏa thuận được hoặc Văn phòng công chứng chấm dứt hoạt động do toàn bộ công chứng viên hợp danh chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì Sở Tư pháp chỉ định một Phòng công chứng hoặc một Văn phòng công chứng khác tiếp nhận hồ sơ công chứng.

Khi đó, công chứng viên thực hiện việc sửa lỗi kỹ thuật có trách nhiệm đối chiếu từng lỗi cần sửa với các giấy tờ trong hồ sơ công chứng, gạch chân chỗ cần sửa, sau đó ghi chữ, dấu hoặc con số đã được sửa vào bên lề kèm theo chữ ký của mình và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

Công chứng viên có trách nhiệm thông báo việc sửa lỗi kỹ thuật đó cho người tham gia hợp đồng, giao dịch.

admin