Bình luận Bộ Luật Dân sự 2015 – Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Bình luận Bộ Luật Dân sự 2015 – Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Mục 3. BẢO ĐẢM THỰC HIỆN NGHĨA VỤ

Tiểu mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 292. Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm:

1. Cầm cố tài sản.

2. Thế chấp tài sản.

3. Đặt cọc.

4. Ký cược.

5. Ký quỹ.

6. Bảo lưu quyền sở hữu.

7. Bảo lãnh.

8. Tín chấp.

9. Cầm giữ tài sản.

Bình luận

Chúng ta đều biết các bên trong giao dịch dân sự về cơ bản sẽ thiện chí xác lập để thực hiện quyền và nghĩa vụ theo như đúng trong thỏa thuận. Tuy nhiên cũng không hiếm trường hợp mà sau khi đã xác lập giao dịch, phát sinh quyền và nghĩa vụ thì một trong các bên không còn thiện chí để tiếp tục thực hiện nữa xuất phát từ nguyên nhân nội tại của các bên hoặc do tác động từ bên ngoài. Như vậy việc phát sinh thêm những ràng buộc bên ngoài nhằm bảo đảm rằng các bên nên tuân thủ đúng những gì đã cam kết và xác lập sẽ đảm bảo giao dịch được diễn ra đúng như ý chí ban đầu của các bên, không gây phương hại đến lợi ích của bên thiện chí, tuân thủ đúng nội dung giao dịch ban đầu. Mặc dù nhà làm luật không định nghĩa các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là gì và chỉ liệt kê ra 9 biện pháp đảm bảo. Tuy vậy qua đặc điểm của từng biện pháp chúng ta có thể rút ra một khái niệm cơ bản để có thể hiểu một cách khái quát biện pháp bảo đảm là gì. Theo quan điểm của tác giả Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là biện pháp đi kèm nhưng không bắt buộc cùng với giao dịch dân sự chính, nhằm mục đích giúp các bên thiện chí thực hiện quyền và nghĩa vụ theo đúng nội dung giao dịch đã xác lập ban đầu bằng phương pháp ràng buộc trách nhiệm về tài sản đối với bên vi phạm.

Nếu có một sự so sánh về số biện pháp đảm bảo được liệt kê ở Bộ luật này với Bộ Luật Dân sự cũ thì chúng ta dễ dàng nhận thấy, tại Điều luật này số biện pháp đã tăng lên 02 thay vì chỉ 07 biện pháp như quy định tại Bộ Luật Dân sự 2005. Cụ thể 02 biện pháp tăng thêm đó là: Bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản. Hai biện pháp này tác giả sẽ phân tích kỹ hơn ở những Điều luật cụ thể liên quan nhưng có thể thấy rằng, theo cách tư duy lập pháp ở Bộ Luật Dân sự 2015, chế định liên quan đến quyền sở hữu được các nhà làm luật rất đầu tư.

Điều 293. Phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm

1. Nghĩa vụ có thể được bảo đảm một phần hoặc toàn bộ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không quy định phạm vi bảo đảm thì nghĩa vụ coi như được bảo đảm toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả lãi, tiền phạt và bồi thường thiệt hại.

2. Nghĩa vụ được bảo đảm có thể là nghĩa vụ hiện tại, nghĩa vụ trong tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện.

3. Trường hợp bảo đảm nghĩa vụ trong tương lai thì nghĩa vụ được hình thành trong thời hạn bảo đảm là nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Bình luận

Phạm vi nghĩa vụ mà nhà làm luật quy định ở đây bao gồm cả phạm vi theo nghĩa hẹp, tức giới hạn phạm vi bảo đảm đối với một nghĩa vụ nhất định và phạm vi bảo đảm theo nghĩa rộng, tức những loại nghĩa vụ được đảm bảo. Ngoài ra nhà làm luật cũng dành riêng Khoản 3 tại Điều này để làm rõ hơn về việc đảm bảo đối với loại nghĩa vụ trong tương lai. Đây chính là nội dung mới so với quy định tại Bộ Luật Dân sự 2005.

Trước ttiên chúng ta sẽ bàn về phạm vi bảo đảm theo nghĩa hẹp. Theo quy định tại Khoản 1 thì phạm vi bảo đảm không nhất thiết phải là toàn bộ nghĩa vụ mà có thể là việc đảm bảo một phần tùy theo thỏa thuận của các bên. Từ đây chúng ta sẽ có 2 kết luận nhỏ, kết luận thứ nhất đó là pháp luật tôn trọng và đề cao sự thỏa thuận của các bên, thỏa thuận này có giá trị pháp lý cao nhất (tất nhiên phải là những thỏa thuận đảm bảo về mặt pháp lý để có tính hiệu lực). Kết luận nhỏ thứ hai đó chính là nghĩa vụ bằng cách thức nào đó phải chia được từng phần nếu muốn việc đảm bảo theo phần. Điều này là đương nhiên vì nếu nghĩa vụ thực hiện là trọn vẹn không chia được theo phần thì việc đảm bảo thực hiện một phần nghĩa vụ là việc bất khả thi.

Trong trường hợp các bên không hề có thỏa thuận về phạm vi đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thì nhà làm luật mặc định rằng phạm vi bảo đảm sẽ là toàn bộ nghĩa vụ. Như vậy để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp trong trường hợp các bên chỉ muốn đảm bảo thực hiện một phần nghĩa vụ thì mong muốn này phải được thể hiện bằng sự thỏa thuận của các bên. Tốt hơn hết là nên có sự thỏa thuận bằng văn bản, trong đó giới hạn rõ phạm vi đảm bảo. Bởi lẽ việc không rõ ràng sẽ dễ dẫn đến những bất lợi về sau khi nhà làm luật mặc định rằng bảo đảm toàn bộ bao gồm cả nghĩa vụ trả lãi, tiền phạt và bồi thường thiệt hại (nghĩa vụ phái sinh từ nghĩa vụ ban đầu).

Tiếp theo chúng ta sẽ bàn về phạm vi bảo đảm theo nghĩa rộng. Theo nghĩa này phạm vi bảo đảm bao gồm bảo đảm nghĩa vụ hiện tại, nghĩa vụ trong tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện. Theo quy định này thì hầu như không có nghĩa vụ nào là không thể dùng biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ cả. Tuy nhiên tại sao nhà làm luật lại dùng từ ‘hoặc” khi nói về nghĩa vụ có điều kiện mà không phải là từ “và”. Theo tác giả thì nhà làm luật có lý khi sử dụng như thế. Bản chất của nghĩa vụ có điều kiện là một loại nghĩa vụ đặc biệt, nó có thể là nghĩa vụ trong hiện tại cũng có thể là nghĩa vụ trong tương lai và việc xác định nó không dựa vào yếu tố thời gian mà dựa vào “điều kiện” làm phát sinh nghĩa vụ. Do đó nghĩa vụ có phát sinh hay không hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện mà các bên thỏa thuận có xảy ra trên thực tế hay không và trong trường hợp nó xảy ra, nhà làm luật vẫn cho phép thực hiện biện pháp bảo đảm đối với loại nghĩa vụ này.

Điều 294. Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai

1. Trường hợp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai, các bên có quyền thỏa thuận cụ thể về phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm và thời hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Khi nghĩa vụ trong tương lai được hình thành, các bên không phải xác lập lại biện pháp bảo đảm đối với nghĩa vụ đó.

Bình luận

Đây là quy đinh nhằm làm rõ hơn quy định tại Khoản 3 Điều 293 và cũng là phần mà nhà làm luật tách ra để quy định chi tiết hơn về chế định này so với quy định tại Bộ Luật Dân sự 2005. Tuy vậy, hàm lượng nội dung các quy phạm mà nhà làm luật quy định tại Điều luật này không nhiều. Chỉ có 2 vấn đề tương đối nổi bật chúng ta cần quan tâm về loại nghĩa vụ đảm bảo này.

Thứ nhất: Đó chính là vấn đề thời hạn thực hiện nghĩa vụ được đảm bảo, đây là yếu tố quan trong tiên quyết cần lưu tâm đối với loại nghĩa vụ này. Về nguyên tắc chỉ nghĩa vụ được hình thành trong thời hạn bảo đảm mới được xem là nghĩa vụ bảo đảm, nghĩa vụ hình thành ngoài thời hạn bảo đảm này không ràng buộc trách nhiệm của các bên liên quan trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về sự ràng buộc đó. Trong thời hạn này các bên cũng được quyền thỏa thuận về việc thực hiện biện pháp bảo đảm một phần hay toàn bộ nghĩa vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên quy định khác này là quy định nào, được quy định ở đâu thì chúng ta và ngay cả nhà làm luật cũng chưa biết, bản chất đó chỉ là quy định mang tính dự liệu, phòng hờ của nhà làm luật để tránh xung đột về quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau mà thôi.

Thứ hai: Đó chính là vấn đề xác lập biện pháp bảo đảm. Nhà làm luật quy định rõ tại Khoản 2 Điều luật này rằng khi nghĩa vụ trong tương lai được hình thành, các bên không phải xác lập lại biện pháp bảo đảm đối với nghĩa vụ đó. Nghĩa là các bên chỉ xác lập biện pháp bảo đảm một lần trước khi nghĩa vụ trong tương lai phát sinh và biện pháp bảo đảm được xác lập đó sẽ có giá trị áp dụng khi nghĩa vụ phát sinh. Việc xác lập lại nghĩa vụ một lần nữa trong trường hợp này sẽ trở nên dư thừa không cần thiết, thậm chí còn có khả năng gây nhầm lẫn với việc xác lập biện pháp bảo đảm đối với nghĩa vụ hiện tại (khi nghĩa vụ trong tương lai đã trở thành hiện thực).

Điều 295. Tài sản bảo đảm

1. Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.

2. Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.

3. Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.

4. Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.

Bình luận

Nhìn chung một cách tổng thể, tương quan về kỹ thuật pháp tại Bộ Luật Dân sự mới và Bộ Luật Dân sự cũ có thể thấy rằng Bộ Luật mới được soạn thảo theo kỹ thuật tách nhỏ vấn đề và quy định một cách chi tiết, cặn kẽ hơn, đó là đặc điểm khá dễ để nhận dạng. Rất hiếm hoi xảy ra trường hợp nhà làm luật lại quy định theo hướng gộp chung, khái quát hóa, tổng quát hóa. Tuy vậy quy định tại Điều luật này là một trong những quy định hiếm hoi đó. Cùng là quy định về tài sản dùng để đảm bảo thực hiện hiện nghĩa vụ nhưng Bộ Luật mới chỉ dành đúng 1 Điều luật này để quy định một cách chung nhất trong khi đó Bộ Luật Dân sự 2005 tách ra quy định thành 03 Điều luật riêng biệt tương ứng đối với từng loại tài sản là vật (Điều 320), tiền, giấy tờ có giá (Điều 321) và quyền tài sản (Điều 322).

Trên đây là đôi chút sự khác biệt về mặt kỹ thuật lập pháp mà tác giả so sánh thông qua điều luật này để độc giả có một cái nhìn tổng quan từ hình thức đến nội dung của các quy phạm pháp luật được quy định. Sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về mặt nội dung Điều luật này. Điều này có tất cả 04 Khoản và cũng chính là những mô tả cũng như yêu cầu về tài sản được dùng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ. Trong đó điều kiện tiên quyết đầu tiên để một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì tài sản đó phải thuộc sở hữu của bên bảo đảm. Riêng đối với 02 biện pháp bảo đảm là cầm giữ tài sản và bảo lưu quyền sở hữu thì không đặt ra yêu cầu này, nói cách khác đối với 02 biện pháp bảo đảm mới được bổ sung này, người thực hiện nghĩa vụ bảo đảm không nhất thiết phải là chủ sở hữu. Đây có thể nói là điểm mới nổi bật nhất về mặt nội dung quy định so với quy định cũ tại BLDS 2005.

Một yêu cầu nhất thiết phải có đó chính là tài sản dùng để bảo đảm phải được mô tả. Nhà làm luật không yêu cầu việc mô tả này phải cụ thể chi tiết, các bên có thể có những mô tả chung nhưng bắt buộc là phải xác định được tài sản đó là gì. Việc này cực kỳ quan trọng trong việc xác định được tài sản, đặc biệt trong trường hợp phải xử lý tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ. Nếu việc xác định này không được thực hiện tốt sẽ dẫn đến rất nhiều khó khăn trong khâu xử lý tài sản mang đến những rắc rối không cần thiết. Nhưng ngược lại nếu việc yêu cầu mô tả tài sản quá chi tiết khắt khe sẽ lại tạo nên những phiền toái nhất định, đôi khi là làm khó cho các bên. Vì vậy nhà làm luật yêu cầu có thể mô tả chung và xác định được là quy định hợp lý.

Về tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có, cũng có thể là tài sản hình thành trong tương lai và giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm. Như vậy nhà làm luật hoàn toàn không có yêu cầu về giá trị bảo đảm phải bằng hoặc lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm. Một câu hỏi đặt ra quy định như vậy liệu có hợp lý? Nên chăng nếu giá trị tài sản bảo đảm nhỏ hơn thì chỉ được phép bảo đảm một phần nghĩa vụ tương ứng với giá trị tài sản? và câu trả lời là việc giới hạn giá trị tối thiểu không cần thiết bởi một số lý do sau:

  • Việc xác định giá trị nghĩa vụ rất dễ nhưng xác định giá trị tài sản khó hơn vì đôi khi giá biến động phụ thuộc vào giá cả thị trường nên rất khó để xác định bằng, nhỏ hơn hay lớn hơn.
  • Nhà làm luật đã dự liệu về trường hợp xử lý tài sản đảm bảo nếu bằng thì không phát sinh trách nhiệm gì thêm, nếu dư được trả phần dư nếu thiếu phải bù phần thiếu. Mọi thứ đã rõ ràng nên việc giới hạn giá trị ban đầu sẽ trở nên không cần thiết.
  • Biện pháp bảo đảm về bản chất là ràng buộc trách nhiệm hơn cho các bên chứ không mang tính chất thay thế ngang bằng với nghĩa vụ được bảo đảm.

Điều 296. Một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ

1. Một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Trường hợp một tài sản được bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì bên bảo đảm phải thông báo cho bên nhận bảo đảm sau biết về việc tài sản bảo đảm đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác. Mỗi lần bảo đảm phải được lập thành văn bản.

3. Trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản. Bên nhận bảo đảm đã thông báo về việc xử lý tài sản có trách nhiệm xử lý tài sản, nếu các bên cùng nhận bảo đảm không có thỏa thuận khác.

Trường hợp các bên muốn tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn thì có thể thỏa thuận về việc bên bảo đảm dùng tài sản khác để bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn.

Bình luận

Nhu cầu về việc dùng một tài sản để bảo đảm thực hiện cùng lúc nhiều nghĩa vụ trên thực tế là có. Nhu cầu này thường phát sinh khi giá trị của tài sản dùng để bảo đảm lớn hơn nhiều so với nghĩa vụ cần thực hiện. Nhà làm luật hiểu được vấn đề này nên đã dành hẳn một Điều luật để quy định về trường hợp một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ bao gồm các quy định về điều kiện, cách thức thực hiện cũng như xử lý tài sản bảo đảm.

Nếu như việc dùng tài sản để đảm bảo thực hiện một nghĩa vụ nhà làm luật không yêu cầu về giá trị tài sản bảo đảm (có thể bằng, lớn hơn hoặc nhỏ hơn nghĩa vụ) thì đối với trường hợp này nhà làm luật bắt buộc giá trị tài sản bảo đảm phải lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm. Một lưu ý là việc định giá này là căn cứ vào giá tại thời điểm xác lập giao dịch, nhà làm luật không yêu cầu giá trị của tài sản bảo đảm phải luôn luôn lớn hơn tổng giá trị  nghĩa vụ. Quy định như vậy là phù hợp bởi lẽ giá cả biến động theo quy luật cung cầu của thị trường. Quy định như trên là quy định “cứng”, tuy vậy nhà làm luật vẫn cho phép các bên được quyền thỏa thuận khác, nghĩa là giá trị tài sản bảo đảm có thể nhỏ hơn hoặc bằng tổng giá trị nghĩa vụ được bảo đảm trong trường hợp các bên các bên cho rằng việc yêu cầu giá trị phải lớn hơn là điều không cần thiết hoặc không phù hợp với khả năng của bên bảo đảm.

Một vấn đề được đặt ra, việc sử dụng một tài sản để đảm bảo thực hiện cùng lúc nhiều nghĩa vụ như vậy có bảo vệ được lợi ích của bên nhận bảo đảm hay không, có những rủi ro gì có thể xảy ra đối với họ? Rủi ro lớn nhất theo quan điểm của tác giả đó chính là người nhận đảm bảo không biết tài sản bảo đảm nơi mình đã được dùng để đảm bảo thực hiện một nghĩa vụ khác. Việc không biết này dẫn đến nhiều hệ lụy, đặc biệt nếu xảy ra trường hợp phần giá trị còn dư của tài sản dùng để đảm bảo ít hơn nhiều so với nghĩa vụ sẽ được bảo đảm. Vì vậy cho nên nhà làm luật cũng đã dự liệu trường hợp này, yêu cầu bên bảo đảm phải có nghĩa vụ thông báo cho bên nhận bảo đảm sau biết rằng tài sản dùng để bảo đảm cũng đang được dùng để bảo đảm cho nghĩa vụ khác và việc thực hiện bảo đảm này phải được lập thành văn bản. Quy định như trên góp phần hạn chế sự bị động cho chủ thể nhận bảo đảm sau và một phần nào đó cũng làm cho chủ thể bảo đảm tránh việc lạm dụng tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ khi giá trị tài sản nhỏ hơn tổng giá trị nghĩa vụ. Tuy nhiên cũng quy định như trên nhiều người sẽ thắc mắc rằng nghĩa vụ của bên bảo đảm chỉ là thông báo vậy liệu bên nhận bảo đảm sau có quyền từ chối nhận bảo đảm không,  hay bắt buộc vẫn phải nhận tài sản bảo đảm đó vì nhà làm luật không cho quyền thỏa thuận? Trong phạm vi Điều luật này thì thắc mắc như vậy là hợp lý vì nhà làm luật không đề cập đến tuy nhiên quay về những quy định chung việc chấp nhận hay không chấp nhận tài sản bảo đảm là quyền của bên nhận, các bên có thể thỏa thuận về vấn đề này. Pháp luật dân sự nói chung dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự do thỏa thuận và tinh thần thiện chí của các bên trong giao dịch. Do đó trong trường hợp sau khi nhận được thông báo về việc tài sản định dùng để bảo đảm đã được bảo đảm cho nghĩa vụ khác bên nhận bảo đảm hoàn toàn có quyền từ chối nếu không muốn.

Một vấn đề khá hay và khả năng phát sinh cao liên quan đến xử lý tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đó chính là khi một hoặc một số nghĩa vụ đã đến hạn nhưng các nghĩa vụ còn lại vẫn chưa đến hạn thì giải quyết như thế nào, vì tài sản là chung chỉ có một không thể nào chỉ giải quyết những nghĩa vụ đến hạn mà những nghĩa vụ chưa đến hạn không giải quyết vì tài sản sau khi xử lý sẽ không còn. Thế nên không còn cách nào khác, nhà làm luật buộc phải chọn phương án xem như tất cả các nghĩa vụ đã đến hạn và tất cả các bên nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản. Trách nhiệm xử lý sẽ thuộc về bên nhận bảo đảm đã thông báo về việc xử lý tài sản (bên có nghĩa vụ đến hạn) nếu các bên không có thỏa thuận gì khác. Tuy vậy, cách xử lý này chưa phải là cách xử lý hoàn hảo vì những bên nhận bảo đảm chưa đến hạn họ bản chất họ bị “cuốn theo” tài sản bảo đảm khi xử lý trong khi điều họ muốn thực sự là việc nghĩa vụ được tiếp tục thực hiện chứ không phải chấm dứt bằng cách xử lý tài sản. Suy cho cùng tài sản bảo đảm cũng chỉ nhằm mục đích là bên có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ trọn vẹn nghĩa vụ của mình, đó là cái đích mà các bên hướng tới chứ không phải nhằm mục đích xử lý tài sản bảo đảm (khi nghĩa vụ không được thực hiện). Nhà làm luật cũng nhận ra vấn đề này và tôn trọng nguyện vọng của bên nhận bảo đảm bằng cách cho họ thỏa thuận với bên bảo đảm dùng tài sản khác để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ chưa đến hạn. Tuy vậy nhà làm luật cũng không nói gì thêm trong trường hợp các bên không đạt được sự thỏa  thuận hoặc không có tài sản khác để thay thế thì có phải hướng xử lý là như ban đầu hay không, vấn đề này nhà làm luật không nói rõ nhưng theo quan điểm của tác giả nếu không đạt được sự thỏa thuận thì theo như hướng xử lý ban đầu.

Điều 297. Hiệu lực đối kháng với người thứ ba

1. Biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm.

2. Khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền thanh toán theo quy định tại Điều 308 của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Bình luận

Vấn đề đầu tiên mà chúng ta cần phải nói đến ngay tại Điều luật này và một số Điều luật phía sau đó chính là cách dùng từ đối kháng trong quy định. Thứ nhất tác giả khẳng định rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp ngành Luật dân sự nhà làm luật dùng từ ‘hiệu lực đối kháng”, thứ hai vì đây là một thuật ngữ mới, lại là từ hán việt nên thật khó để có thể hiểu được ý nghĩa một cách đầy đủ mà nhà làm luật muốn truyền đạt đến. Với cách  dùng từ và kỹ thuật lập pháp trong quy định tại Bộ Luật Dân sự 2005 là “hiệu lực của giao dịch bảo đảm đối với bên thứ ba” rất rõ ràng dễ hiểu và đi sâu vào tâm trí của những người học luật, nghiên cứu luật, xuất hiện vô số trong các bài viết nghiên cứu khoa học pháp lý và trở nên rất gần gũi dễ hiểu ngay cả đối với những người không học luât. Rất tiếc theo quan điểm riêng của tác giả rằng cách dùng từ tại Bộ Luật cũ đã không còn được kế thừa thay vào đó là những từ ngữ hoàn toàn lạ lẫm, gây khó hiểu phần nào đó chính là điểm trừ trong Bộ Luật Dân sự này. Tuy vậy, tác giả vẫn sẽ phân tích theo cách dùng từ của nhà làm luật để đảm bảo về tính thông suốt, liền mạch của nội dung.

Như vậy thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng là khi nào, hay nói theo ngôn ngữ của nhà làm luật thì khi nào biện pháp bảo đảm “chống lại” “một mất một còn” với người thứ ba? Quy định tại Khoản 1 Điều này cho chúng ta thấy có 3 thời điểm như vậy:

Thời điểm phát sinh đầu tiên đó chính là thời điểm biện pháp bảo đảm được đăng ký. Như chúng ta đã biết không phải biện pháp bảo đảm nào cũng bắt buộc đăng ký vì trong nhiều trường hợp việc bắt buộc đăng ký là điều không cần thiết, thậm chí là không khả thi. Do vậy về cơ bản vẫn xác định thời điểm đăng ký làm cơ sở phát sinh hiệu lực đối kháng nhưng trong những trường hợp không thực hiện việc đăng ký chúng ta vẫn có 2 thời điểm nữa để xác định. Đó là thời điểm bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm. Việc phân chia thời điểm nắm giữ hay chiếm giữ chỉ nhắm mục đích dùng từ cho phù hợp với đặc điểm của từng loại tài sản mà thôi. Về bản chất chung có thể gọi là việc chiếm hữu tài sản.

Một khi phát sinh hiệu lực đối kháng đối với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm sẽ phát sinh 2 nhóm quyền rất quan trọng đó là quyền truy đòi tài sản bảo đảm và quyền thanh toán (theo thứ tự ưu tiên được quy định). Quyền truy đòi, nhà làm luật không quy định rõ hơn vì quyền này cũng khá dễ hiểu, nôm na có thể hiểu rằng quyền truy đòi là quyền đòi lại tài sản do người khác đang chiếm hữu một cách trái pháp luật. Riêng về quyền thanh toán nhà làm luật có những quy định chi tiết hơn ở những Điều luật sau nên tác giả sẽ phân tích riêng ở các Điều luật đó.

Điều 298. Đăng ký biện pháp bảo đảm

1. Biện pháp bảo đảm được đăng ký theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.

Việc đăng ký là điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực chỉ trong trường hợp luật có quy định.

2. Trường hợp được đăng ký thì biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.

3. Việc đăng ký biện pháp bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Bình luận

Biện pháp bảo đảm do các bên tự thỏa thuận và xác lập trên cơ sở tự nguyện và tuân theo khuôn khổ của pháp luật. Tuy nhiên nhằm hạn chế những tranh chấp phát sinh cũng như khi đã phát sinh tranh chấp có cơ sở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đặc biệt đối với các biện pháp bảo đảm mà tài sản dùng để bảo đảm có giá trị lớn nhà làm luật khuyến khích các bên thỏa thuận để thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm. Việc đăng ký có xác nhận từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc để bảo vệ quyền lợi cho các bên và cũng là cơ sở để Tòa án giải quyết khi có phát sinh tranh chấp. Mặt khác việc đăng ký cũng được “hưởng” những quyền lợi khác như làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký, quyền ưu tiên thanh toán khi tiến hành xử lý đối với tài sản đảm bảo v.v…. Mặc dù vậy chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế rằng không phải chủ thể nào cũng muốn thực hiện việc đăng ký, đôi khi là lý do khách quan như vị trí địa lý xa xôi hoặc cũng do lý do chủ quan như sợ tốn kém về chi phí hoặc đơn giản là không muốn đăng ký vì cảm thấy phiền. Vì vậy cho nên việc đăng ký này hoàn toàn do sự tự nguyện của các bên chỉ bắt buộc đăng ký trong những trường hợp pháp luật bắt buộc phải làm điều đó như : thế chấp quyền sử dụng đất; thế chấp quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng; thế chấp tàu bay, tàu biển v.v…theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tác giả: Tiên Chất

admin