Công chứng ngoài giờ, ngoài trụ sở: Sai luật nhưng tiện cho dân

Công chứng ngoài giờ, ngoài trụ sở: Sai luật nhưng tiện cho dân

Bài “Công chứng viên mang dấu đi “công chứng… dạo”” (Pháp Luật TP.HCM ngày 27-5) phản ánh trưởng văn phòng Công chứng Phú Yên (Phú Yên) đã lạm dụng việc công chứng ngoài giờ, ngoài trụ sở.

Tin liên quan

Đặt lịch hẹn công chứng
Công chứng ngoài trụ sở
Công chứng ngoài giờ

Việc này trái với luật nhưng người dân lại có nhu cầu.

Luật Công chứng quy định rõ: Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định (Điều 39). Tổ chức hành nghề công chứng phải thực hiện chế độ làm việc theo ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước (khoản 2 Điều 32).

Đối chiếu hai quy định này thì trưởng văn phòng công chứng trên đã làm không đúng pháp luật trong việc tùy tiện công chứng ngoài giờ, tại nhà theo yêu cầu. Việc thanh tra của sở tư pháp tỉnh là phù hợp.

Nhu cầu của khách hàng

Có một chi tiết được đề cập trong bài, mặc dù Văn phòng Công chứng Phú Yên bị cho là làm sai nhưng người dân lại thích cách làm của họ vì “linh hoạt, giảm bớt thời gian đi lại cho khách hàng, đáp ứng nhu cầu mọi lúc, mọi nơi”.

Trong việc công chứng ngoài trụ sở, ngoài giờ, xét về nhu cầu là có. Xét về khả năng đáp ứng cũng có bởi nhiều văn phòng công chứng đang mong muốn được làm việc 24/24 giờ. Vậy tại sao cung-cầu không thể gặp nhau?

Ngoài việc đến trụ sở như thế này, nhiều người dân vẫn có nhu cầu công chứng tại nhà. Ảnh: HTD

Trước khi có Luật Công chứng thì Nghị định 75/2000 cũng chỉ cho phép công chứng ngoài trụ sở đối với vài trường hợp quy định. Nay dự thảo thông tư hướng dẫn Luật Công chứng đang được Bộ Tư pháp xây dựng trên cơ sở siết chặt tương tự. Người yêu cầu công chứng bên ngoài phải có đơn yêu cầu, ghi rõ lý do; công chứng viên sẽ xem xét và lưu trong hồ sơ công chứng. Theo đại diện các cơ quan quản lý, sở dĩ phải quy định như thế vì việc công chứng ngoài trụ sở có nhiều nguy hiểm (như người dân sẽ “bồi dưỡng” cho công chứng viên); việc công chứng một hợp đồng, giao dịch phải được nghiên cứu, thực hiện ở trụ sở cơ quan để bảo đảm tính độc lập, công khai, minh bạch của việc chứng v.v…

Nên mở rộng địa điểm, thời gian

E rằng những lo ngại như thế không có cơ sở. Nếu khách hàng đã muốn “bồi dưỡng” thì tại trụ sở cũng “bồi dưỡng” được. Ngoài ra, chất lượng công chứng tùy thuộc vào lao động và trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, không liên quan đến địa điểm công chứng. Ví như khi công chứng một di chúc về nhà đất, công chứng viên phải xem xét bất động sản đó có giấy chủ quyền hợp pháp chưa, người làm di chúc có minh mẫn, tự nguyện không… Những thủ tục này là bắt buộc, làm ở trong hay ở ngoài trụ sở cũng đều như nhau.

Từ khi nhà nước thực hiện xã hội hóa công chứng bằng cách cho ra đời các văn phòng công chứng thì tình thế đảo ngược hết sức tích cực. Người đi làm hồ sơ công chứng từ chỗ phải thông qua “cò” hoặc phải “lụy” các phòng công chứng, giờ được chính các phòng này “o bế” bằng thái độ phục vụ chu đáo.

Phát huy ưu điểm này, nên chăng nhà nước tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để người dân được phục vụ tốt hơn nữa. Thay vì “hành chính hóa” hoạt động công chứng, pháp luật có thể cho phép mở rộng địa điểm, thời gian công chứng. Bấy giờ, tự các công chứng viên sẽ thẩm định trường hợp nào cần làm ở trụ sở, trường hợp nào có thể làm ở ngoài trụ sở và tự chịu trách nhiệm về việc công chứng của mình. Cá nhân nào làm sai thì các cơ quan quản lý cứ mạnh tay xử lý cá nhân đó.

Hướng dẫn việc “mang dấu đi dạo”

Về con dấu, khoản 4 Điều 6 Nghị định 58 ngày 24-8-2001 của Chính phủ quy định: “Con dấu phải được để tại trụ sở cơ quan, tổ chức và phải được quản lý chặt chẽ. Trường hợp thật cần thiết để giải quyết công việc ở xa trụ sở cơ quan thì thủ trưởng cơ quan, tổ chức đó có thể mang con dấu đi theo và phải chịu trách nhiệm về việc mang con dấu ra khỏi cơ quan”.

Như vậy, mang dấu “đi công chứng dạo” chỉ là cách nói vui vì pháp luật cho phép thủ trưởng các cơ quan mang theo con dấu khi cần thiết giải quyết công việc ở xa trụ sở. Trường hợp muốn hạn chế những sự cố phát sinh từ việc cầm theo con dấu (bị thất lạc, hư hỏng…), các cơ quan có thể hướng dẫn thêm việc này. Nhưng theo tôi được biết, trước giờ đa phần các công chứng viên sau khi thực hiện việc công chứng ở bên ngoài đều mang văn bản về trụ sở đóng dấu.

Trường hợp nào được công chứng bên ngoài trụ sở?

Theo khoản 2 Điều 39 Luật Công chứng, việc công chứng chỉ được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng đối với các đối tượng sau đây:

Người già yếu không thể đi lại được;

Người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù;

Người có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

Theo dự thảo thông tư hướng dẫn luật này, có lý do chính đáng khác là trường hợp bị đe dọa về tính mạng hoặc vì lý do sức khỏe v.v…

Luật sư NGUYỄN ĐÌNH HÙNG

admin