Công chứng phải đúng luật, tạo sự yên tâm

Công chứng phải đúng luật, tạo sự yên tâm

Hoạt động công chứng cung cấp dịch vụ công, đảm bảo an toàn pháp lý cho tổ chức, cá nhân khi tham gia hợp đồng, giao dịch. Đó là một trong những nội dung phát biểu khai mạc vòng chung kết hội thi công chứng TP.HCM năm 2018 của bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.

Trước đó, từ ngày 18-3, Sở Tư pháp TP đã tổ chức hội thi công chứng vòng 1 năm 2018 với 336 thí sinh đang làm việc tại các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP (295 công chứng viên và 41 nhân viên nghiệp vụ). Kết quả có năm tổ chức hành nghề công chứng lọt vào vòng chung kết hội thi này.

Nâng cao nghề nghiệp, trách nhiệm công chứng viên

Tại hội thi, bà Phan Thị Bình Thuận chia sẻ: TP.HCM là trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước với dân số khoảng 13 triệu người. Nhu cầu giao dịch dân sự, kinh tế của cá nhân, tổ chức trên địa bàn TP là rất lớn, kéo theo là sự gia tăng về số lượng vụ việc cũng như tính chất phức tạp của các hợp đồng, giao dịch trong xã hội. Điều này đòi hỏi hoạt động công chứng phải không ngừng nâng cao chất lượng. Công tác quản lý nhà nước phải thường xuyên chú trọng và tăng cường nhằm phòng ngừa tranh chấp, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, đảm bảo sự ổn định xã hội.

Để nâng chất hoạt động công chứng, Sở Tư pháp TP phối hợp với Hội Công chứng TP tổ chức thường xuyên những lớp bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên. Hội thi công chứng lần này cũng nhằm mục đích góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công chứng tại TP, tạo môi trường cho công chứng viên, chuyên viên… của các tổ chức hành nghề công chứng giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm về hoạt động nghề nghiệp. Đồng thời qua hội thi, Sở cũng có cơ sở đánh giá trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của công chứng viên, nắm bắt được những thuận lợi, khó khăn của công chứng viên trong hoạt động hành nghề để kịp thời có giải pháp hiệu quả hơn trong công tác quản lý.

Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM (áo dài), trao giải Nhất cho Phòng Công chứng số 5. Ảnh: KP

Phòng Công chứng số 5 đoạt giải nhất

Nếu như ở vòng 1 của hội thi, các thí sinh với vai trò cá nhân thi các nội dung cơ bản liên quan trực tiếp đến công việc hằng ngày của công chứng viên như BLDS, Luật Công chứng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình… thì vòng chung kết là dịp thể hiện sức mạnh của tập thể.

Có năm đội lọt vào thi chung kết gồm các phòng công chứng (PCC) số 4, 5, 6 và hai văn phòng công chứng (VPCC) Nguyễn Cảnh, Hoàng Xuân Ngụ. Các đội phải trải qua vòng thi tự giới thiệu, hỏi đáp, ứng xử tình huống. Kết quả, đội PCC số 5 đoạt giải nhất, PCC số 4 giải nhì. Giải ba gồm VPCC Nguyễn Cảnh và PCC số 6. VPCC Hoàng Xuân Ngụ đoạt giải khuyến khích.

“Hội thi là dịp để chúng ta rà lại quy định, ôn lại những kiến thức cũ lẫn mới để hỗ trợ cho nghề mà chúng ta đeo đuổi. Làm sao chúng ta phải đảm bảo nguyên tắc đúng pháp luật, đảm bảo sự an toàn pháp lý và tạo sự tin tưởng, yên tâm cho người dân khi giao dịch” – bà Ngô Minh Hồng (Chủ tịch Hội Công chứng TP) nhắn nhủ.

Từ 1-1-2019, ai đủ điều kiện thì đăng ký thành lập VPCC

Năm 2018, UBND TP.HCM cho phép thành lập thêm 13 VPCC tại 13 quận, huyện. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp TP thông báo công khai tiếp nhận hồ sơ đăng ký thành lập VPCC năm 2018 và đã nhận được 26 hồ sơ đăng ký…

Hồ sơ thành lập VPCC được tuân thủ theo các quy trình, điều kiện luật định. Cụ thể, căn cứ quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng (do Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.HCM phê quyệt đề án quy hoạch), UBND TP ban hành quy định về tiêu chí và cách thức thẩm định hồ sơ thành lập các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP. Sở Tư pháp công khai điều kiện thành lập VPCC lên website của Sở, niêm yết tại Sở và đưa thông tin trên báo. Sở Tư pháp dành thời gian hợp lý tiếp nhận hồ sơ để tạo điều kiện cho các công chứng viên chuẩn bị hồ sơ thành lập. Tiêu chí, quy trình, cách thức xét duyệt ngày càng chặt chẽ để đảm bảo chất lượng của các VPCC.

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại 11 luật, trong đó có Luật Công chứng. Từ ngày 1-1-2019 sẽ không còn quy hoạch, khống chế số lượng thành lập VPCC. Cá nhân có đủ điều kiện thì đăng ký thành lập VPCC.

Bà PHAN THỊ BÌNH THUẬNPhó Giám đốcSở Tư pháp TP.HCM

Năm 2017, thực hiện 1.971.699 vụ việc công chứng

Theo Sở Tư pháp TP.HCM, hiện TP.HCM có 74 tổ chức hành nghề công chứng gồm bảy PCC và 67 VPCC với gần 400 công chứng viên.

Trong năm 2017, các tổ chức hành nghề công chứng tại TP thực hiện được 1.971.699 vụ việc công chứng (tăng 7,9% so với năm 2016) với tổng số phí công chứng thu được là hơn 531 tỉ đồng.

admin