Trước đây, khi muốn ủy quyền cho người khác bán, cho thuê, tặng, cho nhà đất thì người dân có thể đến bất cứ phòng công chứng nào để làm hợp đồng. Khi không muốn ủy quyền nữa cũng có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng.Tuy nhiên, theo Luật công chứng mới thì lại không thể…
Người dân làm thủ tục công chứng tại Phòng công chứng số 1, TP.HCM – Ảnh: C.MAI
Ông Trần Toàn Thắng, ngụ quận 10, TP.HCM, kể: “Tôi muốn bán căn nhà tại TP Đà Lạt, tôi đến phòng công chứng để làm ủy quyền cho cô em gái đứng ra bán nhà. Công chứng viên không chịu tiếp nhận hồ sơ mà nói rằng tôi phải đến phòng công chứng Lâm Đồng để chứng hợp đồng ủy quyền”.
Một người khác cũng ở TP.HCM cho biết: “Vợ chồng tôi sở hữu chung hai căn nhà, một căn tại TP.HCM và một căn ở Vũng Tàu. Tôi muốn làm ủy quyền cho vợ tôi tùy ý bán hay cho thuê hai căn nhà này nhưng công chứng viên nói chỉ giải quyết cho ủy quyền đối với căn nhà tại TP.HCM thôi. Muốn ủy quyền mua bán, cho thuê nhà tại Vũng Tàu vợ chồng tôi phải xuống phòng công chứng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để chứng”.
Trước đây, theo nghị định 75/CP về công chứng, chủ sở hữu bất động sản có thể đến bất kỳ phòng công chứng nào để làm hợp đồng ủy quyền cho người khác thay mình đứng ra quản lý, sử dụng, mua bán, tặng, cho nhà đất. Từ khi Luật công chứng có hiệu lực, nhiều người đã bị từ chối chứng hợp đồng ủy quyền đối với bất động sản tại tỉnh thành khác.
Phải đến tận nơi để ủy quyền
Theo giải thích của các phòng công chứng, luật qui định địa hạt của phòng công chứng đối với bất động sản là phạm vi tỉnh, TP trực thuộc trung ương (xóa bỏ địa hạt quận huyện). Chỉ riêng đối với việc chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản thì mới không phân biệt địa hạt tỉnh thành. Do đó, các phòng công chứng từ chối xác nhận hợp đồng ủy quyền của người dân đối với nhà đất mà người đó sở hữu tại địa phương khác.
Ông Trần Anh Tuấn, trưởng Phòng công chứng số 3, bức xúc nói: “Một người sống tại TP.HCM, muốn bán nhà ở Hà Nội mà không có điều kiện về đó làm thủ tục nên mới có nhu cầu ủy quyền cho người khác đứng ra bán thay. Nếu bắt chủ sở hữu phải ra tận Hà Nội để làm hợp đồng ủy quyền thì còn ý nghĩa gì. Đã ra tới đó thì họ tự mình làm luôn thủ tục bán nhà cho rồi, đâu cần ủy quyền cho phiền phức”.
Hiện Luật công chứng đã có hiệu lực hơn hai tháng nhưng do vẫn chưa có nghị định hướng dẫn cụ thể nên việc vận dụng pháp luật của các phòng công chứng cũng khác nhau. Một số ít phòng công chứng vẫn thực hiện qui định cũ, tiếp nhận chứng hợp đồng ủy quyền đối với bất động sản tại địa phương khác. Nhưng nhiều hợp đồng ủy quyền đã được phòng công chứng TP.HCM xác nhận lại không được các tỉnh thành khác chấp nhận.
Không muốn ủy quyền nữa, phải đưa ra tòa?
Một qui định nữa cũng đang gây khốn khổ cho người ủy quyền hiện nay là việc không được đơn phương hủy bỏ hợp đồng ủy quyền như trước đây. Bà Lê Bạch Tuyết, ngụ Q.2, TP.HCM, cho biết do công việc làm ăn bận rộn, bà ký hợp đồng ủy quyền cho em gái đứng ra bán căn nhà của bà tại quận Thủ Đức. Sau khi ủy quyền, bà phát hiện em gái không trung thực nên muốn hủy bỏ hợp đồng ủy quyền. Tuy nhiên, công chứng viên buộc người được ủy quyền phải có mặt hoặc đồng ý bằng văn bản thì mới cho bà hủy hợp đồng ủy quyền. Bà Tuyết đang rất bối rối, không biết phải làm sao vì sau khi xích mích, quan hệ của chị em bà đã trở nên căng thẳng, cô em gái nhất quyết không chịu hủy hợp đồng ủy quyền.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Luật công chứng hiện nay qui định người ủy quyền không thể đơn phương hủy bỏ hợp đồng nếu bên kia không đồng ý. Trong trường hợp này phải đưa nhau ra tòa để giải quyết tranh chấp, rất phiền phức.
Theo luật sư Đinh Văn Thảo – trưởng Văn phòng luật sư Tân Luật, Bộ luật dân sự có qui định rất rõ về hợp đồng ủy quyền. Nếu căn cứ theo qui định của Bộ luật dân sự thì người ủy quyền hoàn toàn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền bất cứ lúc nào (ủy quyền không có thù lao), miễn là báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý. Vậy, theo Luật công chứng hay Bộ luật dân sự? Theo lãnh đạo một phòng công chứng, vẫn biết là có sự mâu thuẫn này nhưng do Luật công chứng là luật chuyên ngành nên các phòng công chứng phải thực hiện qui định của Luật công chứng.
Nhiều công chứng viên thừa nhận việc áp dụng Luật công chứng mới đã phát sinh rất nhiều bất hợp lý. Rối rắm trong qui định về ủy quyền chỉ là một trong nhiều điều khoản không phù hợp. Cơ quan công chứng đã kiến nghị các vấn đề này tới cơ quan có thẩm quyền.