Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, trong đó tại Điều 57 về đất cơ sở tín ngưỡng, đất cơ sở tôn giáo có quy định: “Đất tín ngưỡng, đất cơ sở tôn giáo được quản lý và sử dụng theo quy định quy định của pháp luật về đất đai”. Vậy pháp luật về đất đai quy định như thế nào với đất đai liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo?
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật Đất đai năm 2013
– Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013
II. NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Ai là người sử dụng đất?
Vềngười sử dụng đất, Điều 5 Luật Đất đai quy định:
Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai, bao gồm nhiều đối tượng, trong đó có:
– Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ;
– Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo.
2. Ai là người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất tín ngưỡng, tôn giáo?
Vềngười chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất tín ngưỡng, tôn giáo, Điều 7 Luật Đất đai quy định:
– Người đại diện cho cộng đồng dân cư là trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố hoặc người được cộng đồng dân cư thỏa thuận cử ra đối với việc sử dụng đất đã giao, công nhận cho cộng đồng dân cư.
– Người đúng đầu cơ sở tôn giáo đối với việc sử dụng đất đã giao cho cơ sở tôn giáo.
3. Trường hợp nào thì được giao đất nhưng không thu tiền sử dụng đất?
Vềgiao đất không thu tiền sử dụng đất, Điều 54 Luật Đất đai quy định:
Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
– Đất đang sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh, đất làm nghĩa trang, nghĩa địa không thuộc trường hợp tổ chức kinh tế được giao đất thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng.
– Cộng đồng dân cư sử dụng đất nông nghiệp, cơ sở tôn giáo sử dụng đất phi nông nghiệp.
4. Ai là người có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất?
Vềthẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, Điều 59 Luật Đất đai quy định:
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với cơ sở tôn giáo.
– Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất. cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với cộng đồng dân cư.
5. Khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triền kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, liệu có được bồi thường?
Theo quy định tại Điều 75 Luật Đất đai, nếu cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đang sử dụng đất mà không phải là đất do Nhà nước giao, cho thuê và có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật đất đai mà chưa được cấp thì vẫn sẽ được đền bù theo quy định của pháp luật.
6. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
Cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có công trình là đình, đền, miếu, am, tù đường, nhà thờ họ; đất nông nghiệp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng và đất đó không có tranh chấp, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là đất sử dụng chung với cộng đồng thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi có các điều kiện sau:
+ Được nhà nước cho phép hoạt động;
+ Không có tranh chấp;
+ Không phải là đất nhận chuyển nhượng, nhận tặng từ sau ngày 01 tháng 07 năm 2004.