Mất sổ đỏ không cần đăng tin trên báo để được ​cấp lại

Đó là thông tin của Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp – trả lời cho ông Nguyễn Hữu Kiên, đại biểu HĐND huyện Từ Liêm, quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2011-2016.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật lên tiếng

Công văn 666/KTrVB – KGVX ngày 2.12.2016 cho biết: Cục kiểm tra văn bản đã nghiên cứu hồ sơ, tổ chức họp, trao đổi với đại diện cơ quan, đơn vị có liên quan về nội dung Quyết định 37/2015/QĐ-UBND.

Trên cơ sở đó, Cục kiểm tra văn bản đã kiến nghị (tại cuộc họp ngày 10.11) và hiện nay, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Hà Nội đang tham mưu, hoàn thiện dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 37/2015/QĐ-UBND, trong đó, sẽ xử lý triệt để những nội dung chưa phù hợp của Quyết định 37/2015/QĐ-UBND.

Tuy nhiên, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi Quyết định 37/2015/QĐ-UBND cần có thời gian nhất định. Do đó, để kịp thời giải quyết các trường hợp của hộ gia đình, cá nhân bị mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) trên địa bàn TP Hà Nội đảm bảo quy định pháp luật hiện hành tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15.5.2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013, ngày 02.12.2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 11777/STNMT-CCQLĐĐ hướng dẫn thực hiện thủ tục cấp lại sổ đỏ do bị mất cho hộ gia đình, cá nhân. Trong đó, không yêu cầu gia đình, cá nhân bị mất sổ đỏ phải đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng.

Ông Nguyễn Hữu Kiên cho biết: “Tôi đánh giá rất cao sự cầu thị và vào cuộc rất khẩn trương của cơ quan Bộ Tư pháp mà cụ thể ở đây là Cục kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật. Văn bản của tôi gửi trực tiếp tới cả HĐND TP Hà Nội nhưng đến nay vẫn chưa hề nhận được bất cứ một phản hồi nào, trong khi đó đã nhận được sự phản hồi rất kịp thời từ sự vào cuộc khẩn trương của cơ quan Cục kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp, từ đó có sự hướng dẫn sớm của cơ quan chức năng thuộc TP Hà Nội để giảm bớt sự phiền hà, chưa tuân thủ pháp luật của một văn bản quy phạm pháp luật do UBND TP Hà Nội ban hành từ năm 2015.”

Phát hiện bất hợp lý từ trường hợp của người dân

Nhiều năm liền, từ 2001 đến nay, gia đình bà Nguyễn Thị Gái (ở tổ dân phố Đông Sen, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội, trước đây là Thôn Đông Sen, xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm) gặp rất nhiều khó khăn do mất sổ đỏ.

Được biết ngày 1.8.2001, ông Nguyễn Cao Chí – Chủ tịch huyện Từ Liêm lúc đó – đã ký quyết định số 980/QĐ-UB cấp sổ đỏ đợt 1 cho 101 hộ gia đình cá nhân xã Thụy Phương. Trong đó có hộ gia đình bà Nguyễn Thị Gái (số thứ tự 32, diện tích đất là 141m2, thửa 23, tờ bản đồ số 7).

Tuy nhiên, từ đó tới nay, cuốn sổ đỏ này đã không đến tay gia đình bà Gái. Nhiều lần lên hỏi xã thì được bảo là huyện chưa đưa và vụ việc cứ “lùng nhùng” một thời gian dài.

Đến ngày 20.4.2015, ông Nguyễn Ngọc Nam – Chủ tịch phường Thụy Phương lúc này – đã chính thức trả lời cho gia đình bà Gái biết UBND xã Thụy Phương trước đây không nhận được sổ đỏ của gia đình bà như đã nêu tại Quyết định 980/QĐ-UB năm 2001. Ngoài trường hợp của bà Gái còn có 2 gia đình khác cũng chịu chung cảnh, có tên trong quyết định nhưng cuốn sổ đỏ không biết đang ở đâu (?!). Khi lên hỏi huyện/quận thì được chỉ về hỏi cấp xã/phường.

Trước tình cảnh này, gia đình bà Gái đành lập văn bản báo mất cuốn sổ đỏ mà họ chưa hề được nhận theo gợi ý của Bộ phận tiếp nhận hồ sơ hành chính quận Bắc Từ Liêm.

Ngỡ sẽ thoát khỏi cảnh “được cấp mà không được nhận” như đã nêu trên, nhưng sau 30 ngày niêm yết công khai tại UBND phường Thụy Phương theo Điều 77 Nghị định 43/2014 quy định các trường hợp mất Giấy chứng nhận của hộ gia đình, cá nhân, ngày 5.7.2016, gia đình bà Gái đến nộp hồ sơ đề nghị cấp lại sổ đỏ tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ hành chính của quận Bắc Từ Liêm và ngày 27.7.2016 quay lại để lấy kết quả thì nhận được thông báo mang số 1287/VPĐKĐĐHN-CNQBTL đề ngày 18.7.2016. Theo đó, gia đình bà Gái phải liên hệ với báo Hà Nội Mới hoặc báo Kinh tế và Đô thị đăng 03 số liên tiếp theo nội dung mà thông báo 1287 đưa ra để được giải quyết cấp lại sổ đỏ.

Gia đình bà Gái không đồng ý với thông báo số 1287 bởi trong điều 77 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP nêu rất rõ: “Điều 77. Cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất:

1. Hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc bị mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn.

Tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đăng tin mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.

2. Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc kể từ ngày đăng tin lần đầu trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương đối với trường hợp của tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người bị mất Giấy chứng nhận nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận.”

Đáp lại ý kiến phản ứng của gia đình bà Gái gửi từ ngày 1.8.2016, Bộ phận tiếp nhận hành chính quận Bắc Từ Liêm đã cho gia đình bà Gái một bản phôtô công văn số 1678/VPĐKĐĐHN-CNQBTL đề ngày 26.8.2016 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội và Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội về việc xin ý kiến giải quyết vướng mắc trong công tác đăng ký biến động đất đai.

Trong văn bản 1678, ông Nguyễn Văn Biên – Giám đốc Chi nhánh quận Bắc Từ Liêm của Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội – đã viện dẫn khoản 2 Điều 78 của Quyết định 37/2015/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội do ông Vũ Hồng Khanh ký: “không kể thời gian 30 ngày niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và đăng tin lần đầu trên Báo Hà Nội Mới hoặc Báo Kinh tế và đô thị”.

Được biết, Quy định hiện hành tại Quyết định 37/2015/QĐ-UBND ngày 18.12.2015 Điều 78. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận do bị mất cho hộ gia đình, cá nhân là:

1. Hồ sơ, trình tự giải quyết thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19.5.2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Điều 77 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.

2. Thời gian giải quyết: không quá 20 ngày làm việc (không kể thời gian 30 ngày niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và đăng tin lần đầu trên Báo Hà Nội Mới hoặc Báo Kinh tế và Đô thị).

Đối chiếu với thông tin trả lời của Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp nêu trên, rõ ràng, quy định tại khoản 2 điều 78 của Quyết định số 37/2015/QĐ-UBND của Hà Nội đã trái với Nghị định 43/2014/NĐ-CP khi bắt buộc các hộ gia đình, cá nhân cộng đồng dân cư trong nước cũng phải đăng báo giống như các trường hợp tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là không đúng và cần phải sử đổi cho đúng quy định để tháo gỡ ách tắc cho người dân trong việc cấp sổ đỏ bị mất.

Theo CÔNG THẮNG – HỮU KIÊN