Câu hỏi:
Chào Trung tâm tư vấn Luật Hoàng Phi, xin trung tâm giải đáp thắc măc của tôi: bản sao giấy khai sinh và bản sao có chứng thực khác gì nhau? Khi nào thì sử dụng bản sao? Khi nào thì sử dụng bản có chứng thực? Xin cảm ơn!
Trả lời:
Chào bạn, thắc mắc của bạn Trung tâm xin được giải đáp như sau:
Theo khoản 1 và khoản 2 điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì định nghĩa về 2 khái niệm trên như sau:
“1. Cấp bản sao từ sổ gốc” là việc cơ quan, tổ chức đang quản lý sổ gốc, căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao. Bản sao từ sổ gốc có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc.
2. Chứng thực bản sao từ bản chính” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính”.
Vậy bản sao giấy khai sinh được cấp do cơ quan, tổ chức quản lý căn cứ vào bản gốc để cấp và bản sao có đầy đủ nội dung, chính xác như nội dung ghi trong bản chính. Đối với bản sao được chứng thực là việc cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao này là đúng so với bản chính.
Thêm vào đó, theo khoản 1 và khoản 2 điều 3 Nghị định này quy định về giá trị pháp lý của các văn bản trên như sau:
“1. Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Vậy cả bản sao từ giấy khai sinh gốc và bản sao được chứng thực đều có giá trị sử dụng thay cho bản chính trừ trường hợp luật có quy định khác.