Thừa phát lại, biết sai nhưng không phạt được

Bổ sung xử phạt vi phạm hành chính về thừa phát lại (TPL). Đó là một trong bốn kiến nghị của Sở Tư pháp TP.HCM tại hội nghị sơ kết công tác tư pháp sáu tháng đầu năm 2018 do Bộ Tư pháp tổ chức, chiều 17-7.

Hội nghị này được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu Trung ương – Bộ Tư pháp với sự tham gia của 64 điểm cầu tại phòng họp trực tuyến của Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thừa phát lại, biết sai nhưng không phạt được - ảnh 1
Toàn cảnh trực tuyến tại điểm cầu TP.HCM. Ảnh: KP

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Tư Pháp TP.HCM Huỳnh Văn Hạnh kiến nghị về công tác hoạt động thừa phát lại (TPL). Qua hơn tám năm thực hiện, các Văn phòng TPL lại trên địa bàn TP đã thực hiện tống đạt gần 980.000 văn bản của tòa án và Cơ quan THADS; lập 157.000 vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức; thụ lý 394 vụ việc yêu cầu tổ chức thi hành án dân sự và 546 vụ việc yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án dân sự.

Ông Hạnh thông tin, hiện nay nhu cầu chính đáng của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc tạo lập chứng cứ thông qua hình thức vi bằng với mục đích bảo vệ quyền, lợi ích của mình khi xảy ra tranh chấp tại tòa án cũng như để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác là rất lớn. Thực tế cho thấy TPL đủ khả năng đáp ứng tốt nhu cầu này và ngày càng được người dân, tổ chức sử dụng.

Vừa qua, Sở Tư pháp phát hiện một số văn phòng TPL vi phạm trong hành nghề nhưng quy định pháp luật hiện tại không có quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TPL.

Hơn nữa, quy định về thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng của TPL còn chung chung, chưa cụ thể, gây khó khăn cho các TPL cũng như gây lúng túng cho các cơ quan quản lý nhà nước.

Một thực trạng nữa là TPL chỉ lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi có thật, các bên tham gia lập vi bằng và TPL chịu trách nhiệm về những việc mình làm, không thể hiện mối quan hệ nhân quả giữa nguyên nhân và sự kiện, hành vi lập vi bằng gây khó khăn cho cơ quan đăng ký vi bằng trong việc đăng ký, kiểm soát hoạt động lập vi bằng…

Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên Sở Tư pháp TP kiến nghị bốn nội dung:

1. Kiến nghị Chính phủ xem xét, sớm ban hành Nghị định quy định tổ chức và hoạt động TPL trong giai đoạn thực hiện chính thức hiện nay. Trong đó, TPL là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện được bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm nên phải tự chịu trách nhiệm về hành vi lập vi bằng của mình.

Trường hợp Trung ương nhận thấy cần phải đăng ký thì chỉ đăng ký về mặt hình thức và quy định việc thu chi phí đăng ký vi bằng để trang trải việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện thực hiện đăng ký và lưu trữ vi bằng của Sở Tư pháp.

2. Bổ sung quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TPL.

3. Kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử quốc gia về vi bằng. Theo đó, tất cả vi bằng được lập, đăng ký và lưu trữ bằng số hóa; các cơ quan, tổ chức có thể truy cập vào Trung tâm dữ liệu trích lục vi bằng để sử dụng theo quy định pháp luật.

4. Bộ Tư pháp nghiên cứu ban hành Thông tư quy định về quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của TPL, đồng thời nghiên cứu việc bồi dưỡng, cập nhật bổ sung kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ TPL đối với các TPL đã được bổ nhiệm trong giai đoạn thí điểm.

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành như Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Sở Tư pháp TP Hà Nội, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai… cũng phát biểu về các vấn đề liên quan đến công tác tư pháp.

Thừa phát lại, biết sai nhưng không phạt được - ảnh 2
Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: KP

Phát biểu kết luận, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận những thành quả đạt được của các Sở Tư pháp và cán bộ trong ngành tư pháp trong thời gian qua. Tuy nhiên, công tác tư pháp cũng còn nhiều hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng ngành tư pháp.

Cụ thể là còn nhiều vướng mắc về công tác văn bản, công chứng, về các lĩnh vực tư pháp khác… Bộ trưởng chỉ đạo ngành tư pháp tập trung vào chương trình công tác xem những gì đã làm được và còn tồn đọng để sớm hoàn thành nhiệm vụ, đạt về chất lượng lẫn số lượng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các ngành tư pháp đã được xã hội hóa từ công chứng, đấu giá…kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.

Kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 315 triệu

Năm 2018, Bộ Tư pháp và các địa phương đã chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, nhất là công tác thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý những vi phạm.

Bộ Tư pháp đã triển khai39cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo (trong đó có 11 cuộc trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, năm cuộc trong lĩnh vực hộ tịch), qua đó đã phát hiện, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn315triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính269triệu đồng.

(Trích dự thảo báo cáo công tác tư pháp sáu tháng đầu năm vànhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu công tác sáu tháng cuối năm 2018)

KIM PHỤNG