Hội nghị này do UBND huyện Hóc Môn tổ chức gặp gỡ giữa lãnh đạo huyện với lãnh đạo các cơ quan bổ trợ tư pháp trên địa bàn huyện để lắng nghe, trao đổi, chia sẻ những hoạt động liên quan đến công tác bổ trợ tư pháp.
Chủ trì hội nghị là ông Đỗ Thanh Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, TP.HCM.
Tại hội nghị, ông Đặng Quang Sang (Trưởng phòng Tư pháp huyện Hóc Môn) khẳng định bổ trợ tư pháp là hoạt động trợ giúp, tạo điều kiện cho hoạt động tư pháp tiến hành thuận lợi, nhanh chóng, chính xác bằng cách cung cấp hồ sơ, chứng cứ, phản biện cho các khâu, đoạn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Việc sử dụng dịch vụ pháp lý từ một số hoạt động liên quan đến lĩnh vực luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản và thừa phát lại sẽ giúp người dân có thể tiếp cận công lý dễ dàng hơn…
Đó là sự phối hợp trong việc thực hiện các nhiệm vụ: Tống đạt văn bản, quyết định của tòa án và cơ quan thi hành án dân sự, xác minh điều kiện thi hành án, niêm yết công khai thông báo di sản thừa kế, giải quyết nhu cầu hành chính, hòa giải tranh chấp thông qua việc các luật sư làm đại diện theo ủy quyền cho tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, đại diện UBND xã cho biết trong quá trình phối hợp, các tổ chức hành nghề công chứng, thừa phát lại không gửi trước hồ sơ vụ việc cho UBND xã. Điển hình như các loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy đỏ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, bản vẽ hoặc các loại hồ sơ tài liệu có liên quan đến thông tin thửa đất, nhân thân người cần tống đạt văn bản hoặc quyết định của các cơ quan có thẩm quyền kèm theo. Điều này gây mất thời gian, khó khăn trong quá trình thẩm tra giải quyết và phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
UBND xã Bà Điểm, Đông Thạnh, Xuân Thới Thượng đều gặp phải nhiều trường hợp mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng do không đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Cụ thể như nhà, đất có giấy đỏ nhưng chưa được hợp thức hóa; mua bán chuyển nhượng một phần diện tích đất không đủ điều kiện tách thửa, các trường hợp mua bán nhà phân căn, nhà ba chung…
Người dân chọn hình thức mua bán chuyển nhượng bằng hình thức lập vi bằng tại các văn phòng thừa phát lại dẫn đến thực tế tranh chấp nhà, đất xảy ra gây khó khăn phức tạp cho công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhà ở tại địa phương.
Đại diện TAND huyện Hóc Môn cảnh báo thời gian qua có những trường hợp vi bằng bị nhầm lẫn với văn bản công chứng, phổ biến là trong lĩnh vực mua bán nhà, đất. Nhiều người dân cho rằng chỉ cần thừa phát lại lập vi bằng là đã đảm bảo tính pháp lý của việc thực hiện các giao dịch, từ đó thực hiện các giao dịch không đảm bảo an toàn pháp lý và có thể phải gánh chịu thiệt hại.
Kết thúc hội nghị, ông Đỗ Thanh Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, TP.HCM, tiếp thu toàn bộ ý kiến, chia sẻ kiến nghị của các cơ quan, lãnh đạo các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, thừa phát lại trên địa bàn huyện.