Báo động thừa phát lại ‘lấn sân’ công chứng

Báo động thừa phát lại ‘lấn sân’ công chứng
Phát biểu tại buổi họp, ông Từ Dương Tuấn (Trưởng phòng Phòng Công chứng số 5) thông tin thêm, ở TP.HCM có một số trường hợp làm giả chủ thể giấy tờ nhà đất để đem đi công chứng.
Cụ thể, mới đây có một căn nhà trên đường Nguyễn Đình Chiểu, trong quá trình làm thủ tục, ban đầu Văn phòng Công chứng Bà Điểm nghi ngờ chứng minh nhân dân là giả nên người này lại mang tới văn phòng Công chứng quận 7 và cũng bị phát hiện. Thấy vậy họ đến tỉnh Bình Dương để chứng giấy uỷ quyền cho người khác làm thủ tục nên không bị phát hiện là giả nữa. Sau đó họ cầm giấy uỷ quyền, kèm theo giấy tờ tuỳ thân của người thật để tiếp tục làm thủ tục mua bán nhà đất. Từ những vấn đề trên, ông Tuấn cho rằng trên địa bàn có khoảng 80 tổ chức hành nghề công chứng nên cần có một phần mềm kết nối để lưu ý những trường hợp bị nghi ngờ giả mạo.

Báo động thừa phát lại 'lấn sân' công chứng - ảnh 1
Ông Từ Dương Tuấn (Trưởng phòng Phòng Công chứng số 5). Ảnh: NGÂN NGA

Theo ông Phan Thanh Tùng (Trưởng phòng Phòng Bổ trợ tư pháp), hiện nay người dân xác lập giao dịch đất đai qua mua bán giấy tay khá phổ biến. Họ đến Văn phòng Thừa phát lại chứng kiến việc giao nhận tiền nên dễ phát sinh việc ngộ nhận rằng Thừa phát lại đã thực hiện “lấn sân” sang công chứng. Trong khi đó vi bằng là chứng cứ để toà án xét xử hoặc là căn cứ để thực hiện các quan hệ pháp lý khác. Vi bằng không có giá trị chuyển nhượng, sang tên như công chứng.

Cũng theo ông Tùng, cạnh đó còn có trường hợp Thừa phát lại gửi tài liệu kèm theo vi bằng cho Sở Tư pháp nội dung lại không trùng khớp so với hồ sơ lưu tại văn phòng Thừa phát lại. Từ những vấn đề trên, Sở Tư pháp TP.HCM đã có văn bản chấn chỉnh Thừa phát lại phải giải thích rõ giá trị pháp lý của vi bằng để người dân hiểu rõ, tránh tình trạng nhầm lẫn gây hậu quả đáng tiếc.

Báo động thừa phát lại 'lấn sân' công chứng - ảnh 2
Bà Phan Thị Bình Thuận (Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM). Ảnh: NGÂN NGA

Bà Phan Thị Bình Thuận (Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) nhấn mạnh Sở có tiếp nhận một số văn bản của CQĐT liên quan đến hợp đồng giả cách rơi vào nhiều trường hợp cho vay nặng lãi thay vì lập hợp đồng vay tiền thì lại lập hợp đồng mua bán nhà đất. Đến khi người vay đến hạn mà không trả được thì người cho vay đi sang tên nhà đất, trong khi giá trị tài sản này lại rất lớn. Do đó bà Thuận lưu ý những hợp đồng mua bán thì công chứng viên phải giải thích rõ cho người dân hiểu.

Cũng tại buổi họp, có ý kiến nêu ra hiện nay điều kiện của người được trợ giúp pháp lý (như có luật sư bảo vệ quyền lợi miễn phí tại toà…) giờ khá khắt khe. Ví dụ như trước đây người mất năng lực hành vi, người khuyết tật, người nhiễm HIV, người nhiễm chất độc hoá học, anh em con cháu của liệt sĩ thì được trợ giúp pháp lý mà không cần có các điều kiện khác kèm theo. Thế nhưng theo quy định hiện nay, các đối tượng trên phải nằm trong diện khó khăn về tài chính thì mới được trợ giúp pháp lý. Vì vậy Sở cũng nên có kiến nghị để Bộ Tư pháp có chỉ đạo cho kịp thời.

NGÂN NGA

admin