Vụ văn phòng công chứng giả tại TP HCM: 10 ngày không thể chứng thực 600 vụ việc

Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM cho biết, văn phòng công chứng giả bị phát hiện sau 10 ngày hoạt động không có khả năng chứng thực 600 vụ việc.

Chiều 1/10, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã chủ trì cuộc họp báo kinh tế-xã hội trên địa bàn TP tám tháng đầu năm 2018. Tại cuộc họp, báo chí quan tâm đến vụ phát hiện Văn phòng công chứng (VPCC) Sao Bắc Đẩu giả tại 229 Man Thiện, phường Hiệp Phú, quận 9, TP.HCM.

Liên quan đến sự việc này, ông Huỳnh Văn Hạnh (Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh) cho biết Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn kỹ thuật Sao Bắc Đẩu được Sở KH&ĐT TP.HCM cấp giấy phép vào ngày 29/6.

Nhưng do ngành nghề đăng ký của công ty này có kiểm toán nên đòi hỏi phải có giấy chứng nhận của Bộ Tài chính. Đến ngày 1/8, Bộ Tài chính mới công nhận công ty đó đủ điều kiện hoạt động. Đến ngày 12/9, chủ cơ sở này dán đề can tiếp nhận hoạt động công chứng, chứng thực.

Khoảng 10 ngày sau, thông qua các kênh riêng Sở Tư pháp phát hiện sự việc. Xác định đây là vụ việc nghiêm trọng, Sở Tư pháp cho người đi thị thực, tức là để củng cố hồ sơ, thông tin. Theo đó, người của Sở đã đến VPCC giả này đóng vai người sao y, chứng thực giấy tờ để thu thập chứng cứ.

Sau khi có đủ bằng chứng về vụ việc, đơn vị đã chuyển hồ sơ đến Công an quận 9 để điều tra, xử lý.

Vụ văn phòng công chứng giả tại TP HCM: 10 ngày không thể chứng thực 600 vụ việc - Ảnh 1

Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM Nguyễn Văn Hạnh cho biết vụ việc được phát hiện sớm chỉ sau 10 ngày là sự cố gắng của chính quyền địa phương – Ảnh Dân trí.

Ông Hạnh cho hay con số 600 hồ sơ văn bản phát hiện thực chất là số thứ tự trên hồ sơ mà khi kiểm tra phát hiện.

Ông Hạnh cho biết: “Đây là một bất cập trong việc quy định về đánh số thứ tự không được rõ ràng. Tới một VPCC mà ghi số nhỏ quá thì khách hàng không có sự tin tưởng. Đến nay, Sở chưa tìm được giấy tờ nào sao y, chứng thực có số thứ tự nhỏ như 1, 2, 3… ở VPCC này. Cho nên con số mấy trăm hồ sơ đó phải chờ kết luận của CQĐT Công an quận 9”.

“Có thể do muốn có uy danh khi làm việc nên đơn vị này lấy số thứ tự từ những con số lớn hơn. Mặt khác, văn phòng này mới đi vào hoạt động công chứng chưa được 10 ngày thì bị cơ quan chức năng phát hiện thì khó có thể chứng thực hàng trăm vụ việc”, ông Hạnh nói thêm.

Theo ông Hạnh, tính tới thời điểm hiện tại, Sở Tư pháp TP xác định VPCC này mới thực hiện việc sao y, chứng thực, ủy quyền chứ chưa có hồ sơ công chứng nào liên quan đến dịch vụ nhà, đất. Tuy nhiên, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan để nắm thêm thông tin về việc công chứng nhà, đất, tài sản, thừa kế…

Sở Tư pháp cũng mong muốn cơ quan báo chí thông tin rộng rãi đến người dân, đến chính quyền để xử lý loại tội phạm mới này.

“Quan điểm của sở là làm cương quyết để thanh lọc môi trường công chứng trên địa bàn và cũng để răn đe các đơn vị, cá nhân văn phòng công chứng khác. Án tại hồ sơ, khi nào xong thì chúng tôi mới trả lời được”, ông Hạnh nhấn mạnh.

Sau khi phát hiện vụ việc, ngày 28/9, Sở Tư pháp TPHCM có công văn khẩn gửi Bộ Tư pháp, UBND, công an, TAND, UBND các quận, huyện tại TPHCM báo động thông tin, ngăn chặn tình trạng làm giả giấy tờ.

Minh Minh