Theo quy định của pháp luật, vi bằng là văn bản do Thừa phát lại (TPL) lập, chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà TPL trực tiếp chứng kiến mà không chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.
Tuy nhiên, thời gian qua không ít trường hợp người dân xác lập quan hệ giao dịch liên quan đến nhà đất nhưng không đến tổ chức hành nghề công chứng để công chứng hợp đồng, mà lại lập giấy tờ viết tay, đến văn phòng TPL đề nghị chứng kiến hành vi giao – nhận tiền.
“Vi bằng không phải văn bản công chứng, chứng thực; không xác nhận các hợp đồng, giao dịch và không có giá trị thay thế văn bản công chứng, chứng thực. Trong trường hợp TPL lập vi bằng ghi nhận hành vi giao nhận tiền của các bên thì vi bằng này chỉ có giá trị chứng minh bên này đã giao và bên kia đã nhận một khoản tiền (để tạo lập chứng cứ cho hành vi giao nhận tiền giữa các bên), vi bằng này không xác nhận hay chứng nhận đối với các giao dịch khác”, lãnh đạo Sở Tư pháp TPHCM khẳng định.
Do vậy, khi có nhu cầu chứng nhận các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà đất, Sở Tư pháp TPHCM đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên hệ các tổ chức hành nghề công chứng để được giải quyết theo thẩm quyền.