Bất cập án tuyên công chứng viên bồi thường

Bất cập án tuyên công chứng viên bồi thường

(PL)- Mặc dù không chứng minh được lỗi của công chứng viên trong việc công chứng hợp đồng có yếu tố giả mạo nhưng nhiều tòa án vẫn xử buộc tổ chức hành nghề công chứng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Ở phiên tòa mới nhất diễn ra ngày 12-11 tại TAND quận 6 (TP.HCM) xét xử tranh chấp yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và tranh chấp quyền sở hữu tài sản, Phòng Công chứng số 1 đã bị buộc bồi thường thiệt hại 2 tỉ đồng cho người đã mua nhà từ hợp đồng có yếu tố giả mạo.

Tòa không xác định được lỗi của CCV

Năm 2015, bà T. và bà C. thỏa thuận góp vốn mỗi người 50% để nhận chuyển nhượng thửa đất tại phường 11, quận 6. Hai người này thỏa thuận nhờ ông Lai Phú Cường (con bà C.) đứng tên giấy chứng nhận giúp và ông Cường cam kết không mua bán, thế chấp… cho ai. Bà T. giữ bản chính giấy chứng nhận và chỉ giao cho bà C. khi có khách hỏi mua đất. 

Tháng 10-2015, bà C. nói có khách mua đất, nhờ ông Cường đến Phòng Công chứng số 2 để ký chuyển nhượng đất nhưng bị phòng này phát hiện giấy chứng nhận giả và lập biên bản tạm giữ giấy tờ.

Về phía bà T., khi tìm được người mua đất và hẹn đi công chứng thì bà mới phát hiện trước đó vào tháng 7-2015, ông Cường đã chuyển nhượng đất trên cho bà L. với giá 2 tỉ đồng. Hợp đồng này được Phòng Công chứng số 1 chứng nhận. Bà T. tố cáo đến cơ quan CSĐT và công an đã khởi tố vụ án hình sự tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Phòng Công chứng số 1.

Trong quá trình điều tra, Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc cơ quan CSĐT (PC45) xác định người ký chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Phòng Công chứng số 1 không phải là Lai Phú Cường thật. Với giấy chủ quyền đất thật mà chưa rõ vì sao có được, người giả đã dùng CMND giả mang tên Lai Phú Cường để đi công chứng hợp đồng. Do chưa bắt giữ được người giả đó nên cơ quan CSĐT tạm đình chỉ giải quyết vụ án.

Năm 2017, bà L. khởi kiện Phòng Công chứng số 1 vụ án tranh chấp yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu ra TAND quận 1. Lúc này bà T. cũng khởi kiện ông Lai Phú Cường và bà L. để yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và công nhận quyền sử dụng đất là của riêng bà T. (vì bà C. không có góp vốn khi nhận chuyển nhượng đất). TAND quận 6 đã thụ lý giải quyết. 

Năm 2018, TAND quận 1 chuyển vụ án đến TAND quận 6 để nhập vụ án. TAND quận 6 xử sơ thẩm vụ án tuyên buộc Phòng Công chứng số 1 liên đới bồi thường cho bà L. 2 tỉ đồng. Tòa này cũng tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa đối tượng đóng vai Lai Phú Cường và bà L. Tòa công nhận bà T. là chủ sử dụng thửa đất trên. 

Trong vụ án này, công chứng viên (CCV) Phòng Công chứng số 1 cho rằng hồ sơ yêu cầu công chứng được tiếp nhận gồm có: Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch theo mẫu; bản sao giấy tờ tùy thân của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng (CMND của ông Lai Phú Cường và bà Nguyễn Hoàng Thanh Liên); bản sao giấy tờ liên quan đến tài sản chuyển nhượng (giấy chứng nhận), thông báo nộp lệ phí trước bạ nhà đất… CCV đã tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, đối chiếu giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng, nhận thấy là đầy đủ, phù hợp nên đã chứng nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên. Phòng Công chứng số 1 cho rằng việc chứng nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật nên phòng này không đồng ý bồi thường thiệt hại. Bởi lẽ việc CCV không phát hiện ra người đóng giả ông Lai Phú Cường là sự kiện bất khả kháng; CCV không có lỗi trong việc tiếp nhận, kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng và chứng nhận hợp đồng chuyển nhượng nêu trên và không có lỗi gây thiệt hại. Ngoài ra, tại thời điểm chứng nhận, phòng này cũng không nhận được bất kỳ thông tin ngăn chặn việc chuyển dịch quyền sử dụng đất hay khiếu nại, tố cáo đối với tài sản này.


Tại tọa đàm “Giấy tờ giả và trách nhiệm của công chứng viên” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 8-11, ông Mai Việt Cường – Trưởng văn phòng công chứng Mai Việt Cường đưa ra một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được làm giả tinh vi khó có thể phát hiện.  Ảnh: HOÀNG GIANG 

CCV hoặc phải liên đới bồi thường, hoặc phải bồi thường thay

Gần đây, TAND TP.HCM xử sơ thẩm phạt hai bị cáo Lê Thị Mỹ Dung 13 năm tù, Lê Văn Trợ bảy năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa cũng buộc các bị cáo liên đới bồi thường cho người bị hại hơn 4,9 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, tòa cũng tuyên nếu hai bị cáo trên không có khả năng bồi thường thì Văn phòng công chứng (VPCC) Phú Nhuận (nơi công chứng hợp đồng ủy quyền) có nghĩa vụ bồi thường thay.

Câu chuyện này vào cuối năm 2016, bà H. đăng báo rao bán thửa đất ở quận 2, TP.HCM. Sau đó có người đến hỏi mua đất và đánh tráo sổ hồng giả đã chuẩn bị sẵn để lấy bản chính sổ hồng thật. Bị cáo Dung thuê người đóng giả bà H., còn bị cáo Trợ đóng giả chồng bà H. đến VPCC Phú Nhuận để công chứng hợp đồng ủy quyền cho người khác toàn quyền quyết định đối với thửa đất của vợ chồng bà H. Sau đó người được ủy quyền bán lại cho người khác với giá 7,5 tỉ đồng trong khi bà H. không hay biết gì. Từ đơn tố cáo của bà H., công an đã khởi tố Dung, Trợ và tòa án đã xét xử như trên. 

Một vụ khác xảy ra tại VPCC Lý Thị Như Hòa. CCV không thể phát hiện việc giả người, giả giấy tờ công chứng và TAND TP.HCM đã xử buộc VPCC phải liên đới bồi thường cho người bị hại 1,2 tỉ đồng. Phần bị cáo Trần Văn Lắm là người đóng giả chủ đất ký bán đất chiếm đoạt 1,2 tỉ đồng đã bị tòa tuyên 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Bị cáo Lắm là người đóng giả chủ đất ký công chứng chuyển nhượng đất tại VPCC Lý Thị Như Hòa. Lắm đã đưa bản chính sổ hồng và các giấy tờ nhân thân như CMND mang tên chủ đất (nhưng ảnh là của Lắm), giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, hộ khẩu… để CCV làm thủ tục công chứng. 

Hiện tại ba bản án nêu trên đã bị các tổ chức hành nghề công chứng kháng cáo và đang chờ xét xử phúc thẩm. Các CCV đều cho rằng mình không có lỗi gây hậu quả dẫn đến phải bồi thường thiệt hại.

KIM PHỤNG – NGUYỄN QUỲNH