Với công chứng viên, lẽ nào một là tiền, hai là tù!

Với công chứng viên, lẽ nào một là tiền, hai là tù!

Với công chứng viên, lẽ nào một là tiền, hai là tù!

(PL)- Chuyện kẻ gian giả chủ sở hữu, sử dụng nhà, đất; giả các giấy tờ có liên quan để công chứng các hợp đồng ủy quyền, bán, thế chấp nhà, đất đó nhằm chiếm đoạt tiền đã có từ lâu và càng ngày thì mức độ giả mạo càng tinh vi.


Khi xử tội kẻ gian có liên quan về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tùy trường hợp mà tòa án sẽ đưa CCV đã công chứng các hợp đồng có yếu tố giả mạo đó tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc với tư cách bị cáo.


Buổi tọa đàm giấy tờ giả và trách nhiệm của công chứng viên do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức vào ngày 8-11. Ảnh: HOÀNG GIANG

Dẫu với tư cách nào thì CCV cũng thường bị công an, VKS, tòa án cho là đã vi phạm các điều luật của Luật Công chứng. Cụ thể là điều luật về việc CCV soạn thảo hợp đồng và công chứng ngoài trụ sở. Hay phổ biến hơn là các điều luật về việc kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ; về việc đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc tiến hành xác minh, yêu cầu giám định theo đề nghị của người yêu cầu công chứng…

Theo đó, có trường hợp thì tòa xử buộc bị cáo và tổ chức hành nghề công chứng của CCV ấy liên đới bồi thường thiệt hại cho người bị hại. Có trường hợp thì tòa chỉ buộc bị cáo bồi thường nhưng lại kèm theo câu thòng là nếu bị cáo không có tiền đền thì tổ chức hành nghề công chứng ấy phải đền thay. 

Riêng trong trường hợp CCV bị xử tội (đã có hai tội được áp dụng là tội lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng) thì tòa không yêu cầu CCV phải chịu trách nhiệm dân sự.

Điều đáng nói là chỉ có các CCV là bị cáo mới được các tòa xác định rõ hành vi vi phạm chiếu theo chức trách của CCV. 

Theo Bộ luật Dân sự, việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại được dựa trên bốn yếu tố là: Có thiệt hại xảy ra; hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật; có lỗi của người gây thiệt hại; có mối liên hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật. 

Đối với người phạm tội lừa đảo…, do có đủ bốn yếu tố này nên việc buộc bị cáo phải có nghĩa vụ bồi thường là điều đương nhiên. Thế nhưng đối với nhiều CCV đã nhận công chứng hợp đồng từ những bị cáo lừa đảo đó, khi bốn yếu tố ấy không được nhận diện rõ ràng, thuyết phục, lý gì các tòa buộc họ phải bồi thường như thực tế đã được chúng tôi viện dẫn ở trên?


Nạn giả người, giả giấy tờ công chứng ngày càng nhiều và tinh vi nhưng công an bị vướng trong xử lý vì luật chưa được giải thích rõ. Và vì vậy, các tổ chức công chức xem như đang “cô đơn” trong hành trình chống giấy tờ giả. Ảnh: HOÀNG GIANG

Có thể lấy hai bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM (tháng 11-2018 và tháng 10-2019) xử nghĩa vụ bồi thường của hai văn phòng công chứng (VPCC) Lý Thị Như Hòa, Phú Nhuận làm dẫn chứng. 

Trong vụ việc ở VPCC Lý Thị Như Hòa, ngoài việc liệt kê nhiều điều luật của Luật Công chứng để cho ra nhận xét chung là “CCV không thực hiện đầy đủ các thủ tục nên có một phần lỗi đối với thiệt hại của người bị hại”, bản án không chỉ ra được các lỗi (hành vi sai) cụ thể nào của CCV có mối quan hệ nhân quả với thiệt hại. Chẳng hạn, khi sự giả mạo giấy tờ chỉ được cơ quan công an xác định rõ sau này qua sáu kết luận giám định, án này đã không chỉ ra được CCV đã sai gì ở việc kiểm tra bằng mắt thường khiến không phát hiện được ngay sự giả mạo tinh vi đó. 

Tương tự, ở vụ việc của VPCC Phú Nhuận, bản án không chỉ ra được việc CCV làm chưa đúng quy định về việc công chứng ngoài trụ sở là nguyên nhân khiến giấy tờ giả bị lọt sổ. Khi cáo buộc CCV đã có lỗi cẩu thả qua việc không tiến hành xác minh tính thật giả của CMND của hai người ủy quyền dẫn đến có thiệt hại, án này cũng không chỉ ra được việc không xác minh đó sai với quy định nào. Bởi lẽ khoản 5 Điều 40 Luật Công chứng không hề buộc CCV phải có nhiệm vụ xác minh, yêu cầu giám định tất cả trường hợp đến công chứng. Việc làm rõ hay đề nghị giám định của CCV chỉ được luật này đặt ra khi có căn cứ để cho là có vấn đề chưa rõ hay có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hay việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe dọa, cưỡng ép mà các yếu tố này đều không có ở thời điểm công chứng hợp đồng. 

Điều 75 Luật Công chứng quy định rõ: Người yêu cầu công chứng có hành vi sai trái khi yêu cầu công chứng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Các sai trái đó là cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo, sửa chữa, tẩy xóa giấy tờ, văn bản trái pháp luật hoặc có hành vi gian dối khác.

Vậy nên để thỏa đáng hơn cả, nguyên tắc chung vẫn là các bị cáo có hành vi lừa đảo từ các kiểu giả mạo phải bồi thường toàn bộ cho người bị hại. CCV chỉ phải bồi thường khi tòa án xác định được họ có lỗi cụ thể theo quy định của pháp luật mà từ lỗi đó gây ra thiệt hại. Còn như không thể xác định được thì hãy thôi đi những ràng buộc khiên cưỡng, vô lý đối với những CCV không phạm lỗi khi chính họ cũng đang là nạn nhân vì không thể dễ dàng phát hiện sự giả mạo để tránh xa cho lành.

NGUYÊN THY

admin