Xác nhận tình trạng hôn nhân có lẽ là một khái niệm không còn lạ lẫm đối với đa số mọi người hiện nay, nếu không muốn nói là khá quen thuộc. Chắc hẳn ai trong đời cũng sẽ có ít nhất 1 lần đi xác nhận tình trạng hôn nhân, tuy chỉ là 1 tờ giấy A4 thôi, nhưng lại dùng để làm rất nhiều việc như là: đăng ký kết hôn, đi nước ngoài, đi du lịch, đăng ký tài sản, mua bán, chuyển nhượng, sang tên nhà, đất…
Giấy tờ dùng làm căn cứ để xác nhận tình trạng hôn nhân thì đơn giản thôi, cơ bản là có CMND, hộ khẩu và mang ra UBND phường, xã… nơi cư trú để họ hướng dẫn, điền tờ khai và xác nhận. Về giấy tờ thì không có gì đáng bàn, nhưng trong một số trường hợp, đối với một số người, để xác nhận được đầy đủ tình trạng hôn nhân lại là một vấn đề…tự nhiên cảm thấy phức tạp. Vậy nên hôm nay tôi sẽ nói về việc xác nhận tình trạng hôn nhân trong một số trường hợp mà có thể bạn sẽ cảm thấy phức tạp và vẫn còn thắc mắc Tại sao lại bắt tôi làm nhiều thủ tục như vậy?
Bài viết này chủ yếu đề cập đến việc xác nhận tình trạng hôn nhân trong việc mua, bán, chuyển nhượng nhà, đất, trong các giao dịch cần công chứng liên quan đến tài sản, bởi vì phần lớn những phức tạp mà bạn cảm thấy đều từ việc này mà ra.
Trước tiên tôi xin giải thích từ“nơi cư trú”tôi dùng trong bài viết này có nghĩa là nơi bạn đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú. Bởi vì theo quy định, khi bạn đi xin xác nhận tình trạng hôn nhân, trước tiên bạn phải đến UBND phường, xã nơi bạn đang đăng ký hộ khẩu thường trú, nếu không có hộ khẩu thưởng trú ở bất kỳ đâu, bạn mới được đến nơi bạn đang đăng ký tạm trú để xin xác nhận.
Đa phần mọi người đi xác nhận tình trạng hôn nhân đều là để chứng minh vào thời điểm cần xác nhận thì tôi là người độc thân. Vậy thì:
Tại sao bạn lại phải xác nhận tình trạng hôn nhân?
Xác nhận tình trạng hôn nhân để đăng ký kết hôn thì dễ hiểu rồi, để đi nước ngoài cũng vậy. Còn những vấn đề liên quan đến tài sản, tại sao bạn lại phải xác nhận tình trạng hôn nhân? Đó là vì 2 quy định cơ bản sau:
- Theo quy định trước ngày 01/7/2014, thì khi đăng ký tài sản, kể cả nhà, đất thì dù trong thời kỳ hôn nhân cũng chỉ cần đứng tên một người nhưng mặc nhiên được coi đó là tài sản chung vợ chồng. Do vậy trước ngày 01/7/2014, chúng ta sẽ có 1 loạt sổ đỏ đứng tên 1 người nhưng có thể là tài sản của 2 vợ chồng.
- Từ ngày 01/7/2014(ngày Luật đất đai 2013 có hiệu lực), quy định thay đổi, nghĩa là khi bạn đi mua nhà, đất và đăng ký sang tên, bạn buộc phải ghi tên cả 2 vợ chồng trên sổ đỏ. Nếu muốn được ghi tên 1 người, bạn phải chứng minh đó là tài sản riêng. Nếu bạn chưa có hoặc đang không có vợ / chồng, thì bạn sẽ phải chứng minh mình độc thân vào thời điểm mua nhà, đất, đó chính là việc bạn phải đi xác nhận tình trạng hôn nhân thì mới được đứng tên trên sổ đỏ một cách hợp pháp.
Mục đích của quy định xác nhận tình trạng hôn nhân
Như tôi đề cập ở trên, việc xác nhận tình trạng hôn nhân liên quan đến thời điểm hình thành tài sản và phân biệt tài sản hình thành trước hay sau thời kỳ hôn nhân, để biết được là chỉ cần 1 người hay là phải cả 2 người mới có quyền định đoạt tài sản đó.
Do đó mục đích của việc xác nhận này đó là không bỏ sót và đảm bảo quyền lợi của người vợ/chồng không có tên trên các giấy tờ về sở hữu tài sản, nhà đất. Bởi vì rất có thể xảy ra trường hợp người chồng/vợ nói dối, che giấu người còn lại để đi bán nhà, đất hoặc dùng tiền chung của vợ chồng để đi mua nhà đất sau đó muốn đứng tên 1 mình.
Giấy xác nhận này sẽ giúp các cơ quan có liên quan đến việc mua bán, đăng ký tài sản xác định được quyền sở hữu, sử dụng tài sản, nhà đất thuộc về ai. Từ đó hạn chế tối đa các tranh chấp sau này.
Có các loại xác nhận tình trạng hôn nhân nào?
Có một số loại xác nhận tình trạng hôn nhân mà bạn thường gặp như sau:
Xác nhận độc thân từ lúc đủ tuổi kết hôn đến thời điểm hiện tại
Ví dụ 1:Bạn chưa kết hôn nhưng đã có tiền mua nhà, đất hoặc được bố mẹ mua cho, nói chung là bên mua sẽ đứng tên bạn và đương nhiên sau này sổ đỏ của căn nhà, thửa đất sẽ đứng tên bạn.
Ví dụ 2:Bạn đã đứng tên trên sổ đỏ của một căn nhà, thửa đất, lúc mua bạn độc thân, lúc bán tài sản bạn vẫn độc thân hoặc có vợ/chồng rồi nhưng không nhập tài sản đó vào tài sản chung.
Trong 2 trường hợp đó, bạn sẽ phải xác nhận tình trạng hôn nhân với nội dung đại loại như thế này:chưa đăng ký kết hôn với ai tại UBND phường… hoặc từ khi đủ tuổi kết hôn đến nay chưa đăng ký kết hôn với ai tại UBND phường…
Hoặc bạn sẽ xác nhận tình trạng tình trạng hôn nhân với nội dung là:từ khi đủ tuổi kết hôn đếnthời điểm đứng tên trên sổ đỏ bạn không kết hôn với ai tại UBND phường…
Xác nhận từ khi vợ/chồng mất nên nay chưa đăng ký kết hôn với ai
Ví dụ:Bạn đã từng kết hôn, nhưng vợ/chồng bạn đã mất, sau đó một thời gian bạn đi mua nhà, đất
Trong trường hợp đó, bạn sẽ phải xác nhận tình trạng hôn nhân với nội dung thế này:Ông/bà A có vợ/chồng là ông/bà B từ khi vợ/chồng mất đến nay chưa đăng ký kết hôn với ai tại UBND phường…
Xác nhận từ khi ly hôn đến nay chưa đăng ký kết hôn với ai
Ví dụ 1:Bạn đã ly hôn, sau khi ly hôn bạn chưa kết hôn với ai khác và đi mua nhà, đất.
Ví dụ 2:Bạn đã ly hôn và chia tài sản, sau khi chia tài sản thì bạn làm các thủ tục để sổ đỏ đứng tên 1 mình bạn, sau đó bạn chưa kết hôn với ai khác hoặc đã kết hôn nhưng không nhập vào tài sản chung của vợ/chồng mới. Và bạn muốn bán nhà, đất trên sổ đỏ đó.
Trong 2 trường hợp trên, bạn sẽ phải xác nhận tình trạng hôn nhân với nội dung thế này:Ông/bà A có vợ/chồng là ông/bà B từ khi ly hôn đến nay chưa đăng ký kết hôn với ai tại UBND phường… hoặc Ông/bà A có vợ/chồng là ông/bà B từ khi ly hôn đến thời điểm đứng tên trên sổ đỏ, ông/bà A không đăng ký kết hôn với ai tại UBND phường…
Đó là một số loại xác nhận tình trạng hôn nhân bạn thường gặp, bạn cũng có thể gặp thêm một số trường hợp phát sinh khác mà tôi không liệt kê ở trên. Với mỗi trường hợp, ngoài các giấy tờ cơ bản, bạn sẽ phải cung cấp thêm các giấy tờ khác như: Đăng ký kết hôn, Quyết định ly hôn, giấy chứng tử…
Thực tế đôi khi bạn cũng có thể gặp thêm trường hợp như thế này:Xác nhận ông A và bà B (1 trong 2 người hoặc cả 2 đều đã mất) là vợ chồng (thường gặp trong thủ tục khai nhận di sản thừa kế). Trường hợp này đương nhiên là UBND phường, xã không thể cấp lại Đăng ký kết hôn cho người chết được, mà bạn sẽ phải đi xin xác nhận ông A và bà B đã từng là vợ chồng đến khi mất. Đó cũng có thể coi là 1 hình thức xác nhận tình trạng hôn nhân đặc biệt.
Các trường hợp xác nhận thông thường tôi nêu trên, bạn sẽ đi làm một cách rất thuận lợi nếu như từ lúc đủ tuồi kết hôn đến thời điểm cần xác nhận, bạn chỉ cư trú tại 1 nơi. Nhưng cuộc đời đâu phải lúc nào cũng đơn giản như vậy, và lúc đó thì chuyện phức tạp mới bắt đầu.
Ví dụ:Năm 2000 bạn đủ tuổi kết hôn theo quy định, từ lúc đủ tuổi kết hôn năm 2000 đến 2004, bạn cư trú ở phường A, từ năm 2004 đến năm 2008 bạn cư trú ở phường B, từ năm 2008 đến thời điểm cần xác nhận, bạn cư trú ở phường C. Danh sách này có thể dài hơn và các phường này có thể cùng hoặc khác Quận, cùng hoặc khác Thành phố…
Về nguyên tắc, UBND phường chỉ xác nhận tình trạng hôn nhân cho bạn trong khoảng thời gian bạn cư trú tại phường đó, mà họ không đủ khả năng để xác nhận tình trạng hôn nhân trong thời gian bạn không cư trú tại phường.
Trước ngày 01/01/2016, quy định của pháp luật cho phép người đi xin xác nhận tình trạng hôn nhân chỉ cần xin xác nhận tại UBND phường, xã nơi họ đang cư trú và được cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình nếu như cư trú nhiều nơi. Tuy nhiên, quy định này đã tạo ra rất nhiều lỗ hổng và rủi ro cho cả người dân và đặc biệt là các cơ quan quản lý, bởi vì khi đã cần thì ai cũng sẵn sàng cam đoan mà đa số sẽ không quan tâm đến hậu quả. Thực tế thì UBND nhiều phường, xã cũng không muốn cho người dân cam đoan một nội dung mang lại nhiều rủi ro cho họ như vậy.
Có lẽ chính vì vậy mà từ ngày 01/01/2016 khi Luật Hộ tích và đặc biệt là Nghị định số 123/2015/NĐ-CP có hiệu lực thì quy định cho người dân cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình đã không còn nữa. Việc xác nhận tình trạng hôn nhân khi người yêu cầu từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau được thực hiện như sau:
Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau,người đó có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Trường hợp người đó không chứng minh được thì công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó.
(Khoản 4, Điều 21 Nghị định 123/2015/NĐ-CP)
Như vậy thì theo quy định trên, trách nhiệm chứng minh đầu tiên vẫn thuộc về người xin xác nhận, mà chứng minh bằng cách nào, đó lại chính là việc người đó đi xin xác nhận tình trạng hôn nhân ở những nơi trước đây đã từng cư trú. Nhưng thực tế là khi bạn không còn cư trú ở đó nữa, nhiều khi bạn đến UBND phường, xã đó thì họ sẽ từ chối xác nhận cho bạn.
Vậy trong trường hợp đó, đối chiếu với quy định trên, bạn cần phải trình bày rõ ràng với cán bộ tư pháp – hộ tịch ở UBND phường, xã bạn đang thường trú sự việc là bạn đã đi xin xác nhận, nhưng bị từ chối và yêu câu cán bộ đó thực hiện việc báo cáo và làm văn bản để kiểm tra và xác minh với các UBND cùng cấp khác.
Cách thứ hai áp dụng khá hiệu quả nếu như bạn đang cần xác nhận để làm các thủ tục tại Văn phòng công chứng (VPCC), đó là bạn đề nghị chính VPCC đó làm công văn gửi đển UBND phường, xã mà bạn đang cần xác minh để xác minh tình trạng hôn nhân cho bạn. Vấn đề này cũng không khác gì so với việc xác minh của VPCC mà tôi đã đề cập đến trong bài viết:Lưu ý khi xin xác nhận tại UBND cấp xã
Pháp luật áp dụng công bằng với tất cả mọi người, xác nhận tình trạng hôn nhân cũng vậy, không phân biệt lứa tuổi. Vậy nên có nhiều người rất lớn tuổi rồi, có khi đến 70, 80 tuổi mà khi cần vẫn phải đi làm xác nhận tình trạng hôn nhân. Lúc tôi còn làm ở VPCC, phải yêu cầu các bác, các ông, bà đi làm việc đó, bản thân thấy rất áy náy nhưng cũng không biết phải làm sao, vì quy định là như vậy rồi.
Việc cư trú nhiều nơi đối với một con người không phải trường hợp hiếm hoi mà trái lại rất bình thường và phổ biến. Đối với những trường hợp cư trú nhiều nơi như vậy, theo quan điểm của tôi đừng nên bắt người dân tự đi xác nhận khắp nơi, mà nên để cho các UBND xác nhận với nhau, bởi vì một số lý do sau:
- Việc xác minh giữa các UBND với nhau sẽ dễ dàng, thuận lợi và nhanh chóng hơn nhiều so với việc người dân đến UBND xin xác nhận.
- Người dân sẽ không phải đi lại nhiều lần mà không được việc, dễ gây tình trạng bức xúc bởi vì không phải ai cũng đủ kiên nhẫn hiểu hết được những lời giải thích theo quy định của pháp luật
- UBND có thể thu thêm một cách công khai chi phí xác minh.
- Dù sao đó cũng thể hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Cuối cùng, thiết nghĩ cũng cần tiếp tục xây dựng một hệ thống cổng thông tin điện tử để tra cứu giữa các UBND với nhau, lúc đó không cần phải gửi văn bản xác minh, mà có thể chỉ cần tra cứu là đã xác nhận được về nhân thân của một người.
Nhưng đó có lẽ chỉ là tương lai thôi, còn hiện tại, bạn vẫn phải thực hiện theo quy định thôi ?.
Bạn đã từng phải đi xác nhận tình trạng hôn nhân chưa? Bạn có muốn chia sẻ với chúng tôi? Nếu có thời gian hãy chia sẻ bằng những bình luận dưới đây nhé hoặcliên hệ riêngvới chúng tôi để được tư vấn và giải đáp.
Bạn cũng có thể đăng ký “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.