ĐẶC ĐIỂM CỦA VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG

Về tổ chức của Văn phòng công chứng

Theo quy định tại điều 26 của Luật Công chứng, Văn phòng công chứng là tổ chức dịch vụ công do một hoặc một số Công chứng viên hành nghề tự do thành lập. Văn phòng công chứng do một Công chứng viên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình Doanh nghiệp Tư nhân; do hai Công chứng viên trở lên thành lập được tổ chức và hoạt động theo mô hình Công ty Hợp danh. Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là trưởng Văn phòng công chứng. Trưởng Văn phòng công chứng phải là Công chứng viên. Văn phòng công chứng có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ kinh phí đóng góp của Công chứng viên, phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu nhập hợp pháp khác.

Việc xác định Văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình DNTN hay Công ty Hợp danh nhằm mục đích chính là xác định về thuế, thuê lao động, kế toán, thống kê, … Các quyền và nghĩa vụ của Văn phòng công chứng được quy định trong Luật Công chứng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Về hoạt động của Văn phòng công chứng

Hoạt động của Văn phòng công chứng vừa mang tính công quyền (nhân danh nhà nước vì lợi ích Nhà nước), vừa mang tích chất dịch vụ công (nhằm mục đích phục vụ ngày càng tốt hơn cho lợi ích của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu công chứng, trên cơ sở phù hợp với lợi ích của toàn xã hội). Tính chất dịch vụ công của Văn phòng công chứng hướng đến 3 lợi ích:

– Lợi ích của Nhà nước: Sự ra đời của Văn phòng công chứng đã giúp nhà nước vừa giảm bớt được gánh nặng cho mình vừa phát huy được tối đa nguồn lực trong xã hội, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

– Lợi ích của các bên tham gia giao dịch: Văn phòng công chứng đã giúp cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch của mình một cách thuận lợi, đồng thời bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch;

– Lợi ích của Văn phòng công chứng: Văn phòng công chứng khi thực hiện hoạt động công chứng được thu phí và thù lao công chứng theo quy định.

Nguồn tài chính của Văn phòng công chứng

Văn phòng công chứng hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu kinh phí đóng góp của Công chứng viên, phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác, bao gồm:

– Kinh phí đóng góp của Công chứng viên: Theo Luật Doanh nghiệp

– Phí công chứng: Phí công chứng bao gồm phí công chứng hợp đồng, giao dịch, phí lưu giữ di chúc, phí cấp bản sao văn bản công chứng. Mức thu phí công chứng được áp dụng thống nhất đối với Phòng Công chứng và Văn phòng công chứng. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp quy định mức thu, chế độ quản lý, sử dụng phí công chứng.

– Thù lao công chứng: Là khoản tiền do Văn phòng công chứng thu từ việc soạn thảo hợp đồng, giao dịch, đánh máy, sao chụp và các việc khác liên quan đến công việc công chứng theo yêu cầu của người yêu cầu công chứng. Mức thù lao đối với từng loại việc do tổ chức hành nghề công chứng xác định.

– Các nguồn thu khác: Là khoản tiền do Văn phòng công chứng thu từ việc người yêu cầu công chứng đề nghị xác minh, giám định hoặc thực hiện công chứng ngoài trụ sở của Văn phòng công chứng.

Mức chi phí này do người yêu cầu công chứng và tổ chức hành nghề công chứng thoả thuận.

Hoạt động công chứng là hoạt động dịch vụ công

Việc xã hội hóa hoạt động công chứng không phải là “tư nhân hoá hoạt động công chứng” và cũng không phải là “chuyển chức năng công chứng từ tay nhà nước cho bất cứ ai trong xã hội” mà là hoạt động dịch vụ công. Tuy không phải là hoạt động quản lý nhà nước nhưng nó góp phần hỗ trợ tích cực để nhà nước thực hiện quản lý đối với các hợp đồng, giao dịch. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, khi các quan hệ dân sự, thương mại… được mở rộng thì sự hiện diện của các Văn phòng công chứng là hết sức cần thiết, góp phần chia sẻ sự quá tải của các Phòng Công chứng, đồng thời cũng tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh cho lĩnh vực hoạt động này.

Văn phòng công chứng ra đời đã chia sẽ gánh nặng với chính nhà nước, trước đây công chứng hoàn toàn độc quyền, cảnh xếp hàng dài trước cửa các Phòng Công chứng là chuyện thường ngày mà gây bức xúc cho người dân. Mở ra các Văn phòng công chứng chất lượng được cải cách một cách đáng kể, ngày một nâng cao chất lượng dịch vụ công cùng với vai trò của nhà nước góp phần quan trọng trong việc bảo vệ pháp luật, bảo vệ thể chế nền hành chính nhà nước và quyền lợi chính đáng của công dân, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.