Hoạt động công chứng: Tăng về lượng, còn chất?

Thủ tục – mỗi nơi một kiểu

Công tác kiểm tra cho thấy, việc thanh tra sau kiểm tra chưa được các Sở Tư pháp quan tâm đúng mức, thậm chí bỏ lửng. Do đó, nhiều sai phạm, thiếu sót của các tổ chức hành nghề công chứng (CC) vẫn được “nhắc” lại như chưa hề có kết luận kiểm tra. Quy hoạch phát triển chưa hợp lý tại một số địa phương dẫn đến tình trạng các tổ chức hành nghề CC “nhan nhản” tại các khu trung tâm còn các vùng xa thì chẳng có VPCC nào.

Hiện một số thủ tục CC được thực hiện không thống nhất ở nhiều địa phương, đặc biệt đối với việc CC các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền của người sử dụng đất. Tại Nghệ An và Hà Nội thủ tục này chỉ kiểm soát “đầu vào” của tài sản. Tức là khi thực hiện CC, Công chứng viên (CCV) không căn cứ vào thời điểm được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (GCNQSH), sử dụng đối với tài sản để xác định quyền sở hữu riêng đối với tài sản. Khi yêu cầu CC, ngoài giấy tờ tuỳ thân của người đứng tên trong hợp đồng, giao dịch, bên có tài sản phải xuất trình giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân và giấy tờ chứng minh tài sản thuộc sở hữu riêng nếu có.

Còn tại Đà Nẵng, việc kiểm soát chỉ thực hiện đối với “đầu ra” của tài sản. Khi thực hiện CC, CCV căn cứ vào thời điểm được cấp GCNQSH, sử dụng tài sản để xác định quyền sở hữu. Đối với tài sản được cấp GCNQSH trước ngày 16-11-2004, thời điểm người yêu cầu CC có vợ hoặc chồng thì được coi là tài sản chung trừ trường hợp có giấy tờ chứng minh là tài sản riêng. Đối với tài sản được cấp GCNQSH sau ngày 16-4-2004, chỉ người đứng tên trong giấy mới là chủ sở hữu của tài sản.

Kiểm tra hồ sơ tại nhiều tổ chức hành nghề CC, đặc biệt là các VPCC, nhiều hồ sơ CC không đủ các loại giấy tờ theo quy định hoặc nội dung ghi không đầy đủ. Nhiều hồ sơ có chứng minh thư quá hạn hoặc thiếu chứng minh thư, hoặc chỉ có bản sao hoặc giấy xác nhận của công an phường. Việc CC ngoài trụ sở của các tổ chức hành nghề CC tại Hà Nội diễn ra khá phổ biến. Đây là điều có thể gây ra sự mất an toàn về mặt pháp lý vì đa phần các vụ đi CC bên ngoài thường không do CCV đi mà nhân viên của VPCC, những người khó có khả năng thẩm định ba yếu tố cơ bản khẳng định tính pháp lý của giao dịch, hợp đồng cần CC. Và tất nhiên nhiều giao dịch, hợp đồng của các tổ chức hành nghề CC không được các bên giao dịch ký trước mặt CCV.

Ông Hoàng Quốc Hùng – Phó Chánh thanh tra Bộ Tư pháp cho biết, tại nhiều VPCC, một số giao dịch, hợp đồng có nội dung vi phạm pháp luật nhưng vẫn được CC. Tại Đà Nẵng, giao dịch là lô đất tái định cư (giấy phân lô) chưa được cấp GCNQSDĐ cũng được CC. Và như vậy sau khi có được dấu của các tổ chức hành nghề CC, tờ giấy phân lô đó hoàn toàn có thể mang đi thế chấp, cầm cố…tại ngân hàng. Còn tại Cần Thơ, có một VPCC, tất cả các hợp đồng, giao dịch không thể CC ở các tổ chức hành nghề khác thì cứ mang đến đó là…xong. Thậm chí, hợp đồng mua bán đất của một người nước ngoài tại Việt Nam cũng được tổ chức này đóng dấu như thường.

Văn bản hướng dẫn: chả thấy đâu

Phó Chánh thanh tra Bộ Tư pháp Hoàng Quốc Hùng cho rằng, nguyên nhân chủ quan của thực trạng này là do một bộ phận cán bộ, chuyên viên và công chứng viên không nhận thức rằng, việc ký xác nhận vào hợp đồng, giao dịch không chỉ là việc xác nhận tính xác thực mà họ còn phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch đó.

Tuy nhiên, một nguyên nhân đáng lưu ý chính là một số quy định của Luật công chứng còn chung chung và chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Thí dụ như công chứng ngoài trụ sở… khi có lý do chính đáng được quy định trong Luật CC nhưng xác định thế nào là ‘lý do chính đáng’ lại không có, dẫn đến việc CC ngoài trụ sở diễn ra tuỳ tiện, khó kiểm soát.

Từ khi Luật CC ra đời đến nay vẫn chưa có một văn bản pháp quy nào hướng dẫn cụ thể đối với thủ tục CC các loại hợp đồng, giao dịch ngoài công văn hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn. Hậu quả là việc tiến hành thủ tục mang tính “địa phương hóa”.

Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật về nội dung chưa cụ thể hoặc mâu thuẫn với Luật Công chứng. Thí dụ theo quy định hiện hành, bên thế chấp có quyền thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, nhưng hiện lại chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể còn các CC viên đã tự “áp dụng” trái pháp luật khi ký xác nhận vào các hợp đồng giao dịch nhà đất chưa có GCNQSH dưới dạng các tài sản hình thành trong tương lai.

HƯƠNG NGUYÊN