XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG

XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG – ĐÃ ĐẾN LÚC BỎ QUY HOẠCH, BỎ TIÊU CHÍ RIÊNG CỦA TỪNG ĐỊA PHƯƠNG, TẠO SỰ BÌNH ĐẲNG, CẠNH TRANH LÀNH MẠNH TRONG HÀNH NGHỀ.


Việc xã hội hóa hoạt động công chứng bắt đầu từ năm 2006 đến nay có thể khẳng định là một trong chính sách thành công, từ những nghi ngại ban đầu về rủi ro do tư nhân (cá nhân Công chứng viên) đảm nhiệm việc quản lý, điều hành tổ chức cung cấp dịch vụ công chứng mà vốn dĩ trước đây do nhà nước đảm nhận như một thủ tục hành chính đơn thuần, do cơ quan hành chính thực hiện, cho đến nay, Nhà nước và xã hội có thể yên tâm về chính sách đúng đắn này.
Với việc tổ chức hoạtđộng như Công ty hợp danh, dựa vào nguồn thu phí và thù lao, chi phí khác từ công chứng, tự chủ về tài chính đã giúp phát triển mạng lưới Văn phòng công chứng rộng khắp trong cả nước, thu hút nhiều nhân lực có trình độ chuyên môn tham gia lĩnh vực công chứng hơn, lực lượng Công chứng viên tăng đột biến, đồng thời, chất lượng phục vụ cũng có bước đột phá, từ một thủ tục khó khăn, phiền hà thành một dịch vụ pháp lý thuận tiện, chất lượng cao.
Sự chuyển biến thể hiện rõ trong nhận thức của người dân, trước đây khi mới thực hiện việc xã hội hóa, họ có tâm lý thích chọn các Phòng công chứng (của nhà nước) để yêu cầu chứng nhận các giao dịch thì nay đa phần người dân chọn Văn phòng công chứng thay vì Phòng công chứng, có sự giảm đi đáng kể số người yêu cầu công chứng ở Phòng công chứng, tên gọi Phòng công chứng trước đây là thế mạnh nay là cái khó cho loại tổ chức hành nghề công chứng do Nhà nước làm chủ này, vì người dân e ngại chất lượng dịch vụ do tổ chức nhà nước cung cấp, mặc dù, Phòng công chứng cũng đã cải thiện chất lượng phục vụ rất nhiều so với trước đây khi chưa có sự cạnh tranh.
Thực tiễn cũng cho thấy rằng chất lượng dịch vụ, chất lượng tư vấn pháp lý trong công chứng cũng cải thiện khi có sự cạnh tranh giữa các tổ chức hành nghề công chứng, trước đây đứng trước vấn đề pháp lý phức tạp các Công chứng viên khi còn mang tính độc quyền thường tìm cách từ chối hoặc đẩy cái khó cho người dân khi yêu cầu cung cấp nhiều giấy tờ không cần thiết, sửa đổi giao dịch theo nội dung biểu mẫu đơn giản để dễ dàng thực hiện việc công chứng thì nay các Công chứng viên tích cực tham gia tư vấn pháp lý cho người dân để giao dịch thành công, tham gia nghiên cứu, chứng nhận những giao dịch dân sự, thương mại phức tạp.
Tại các địa phương thực hiện việc chuyển đổi từ Phòng công chứng sang hình thức Văn phòng công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng sau chuyển đổi chất lượng dịch vụ và doanh thu được cải thiện đáng kể.
Thực tiễn trong thời gian qua cũng cho thấy rằng tình trạng một số địa phương có những Công chứng viên của Văn phòng công chứng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, có những Công chứng viên bị truy tố liên quan đến vi phạm trong lúc hành nghề nhưng điều này trước đây và hiện nay cũng xảy ra ở các Phòng công chứng chứ không riêng gì Văn phòng công chứng và đó chỉ là hiện tượng cá biệt không liên quan đến vấn đề xã hội hóa hoạt động công chứng. Trong những năm qua số lượng Văn phòng công chứng tăng lên và số lượng hợp đồng, giao dịch được công chứng tăng cấp số nhân so với trước đây chỉ có Phòng công chứng đảm nhận việc chứng nhận hợp đồng, giao dịch nhưng cũng không cho thấy có sự tăng lên số lượng Văn bản công chứng bị tuyên vô hiệu do lỗi công chứng viên khi chứng nhận.
Từ những điều nêu trên chứng minh rằng: việc xã hội hóa hoạt động công chứng là đúng đắn và sự phát triển nhanh, số lượng nhiều các Văn phòng công chứng thật sự chỉ mang lại lợi ích cho xã hội mà không có rủi ro như lo ngại ban đầu. Điều này cho phép chúng ta có thể đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xã hội hóa, đã đến lúc nên bỏ quy hoạch theo Quyết định 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 quyết định phê duyệt “QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG ĐẾN NĂM 2020”, xóa bỏ những tiêu chí mà các địa phương tự đặt ra trong thủ tục thành lập Văn phòng công chứng vốn dĩ là bước thí điểm trong quá trình xã hội hóa với lý lẽ để tạo thuận lợi trong quản lý do đây là vấn đề mới nên tổ chức hoạt động cần có sự điều tiết của nhà nước, quản lý chặt chẽ về số lượng và địa bàn mở Văn phòng công chứng để tránh phát triển nhanh có thể gây hậu quả xấu.
Quy hoạch số lượng và vị trí các Văn phòng theo Quyết định 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 thời gian qua tỏ ra bất cập, vô lý bởi:
– Thứ nhất, tạo cơ chế xin cho, tạo ra khả năng tiêu cực trong vấn đề thành lập Văn phòng công chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền hành nghề;
– Thứ 2, Tạo ra một hiện tượng có tổ chức, cá nhận không phải là Công chứng viên đầu tư, đứng sau điều hành hoạt động của các Văn phòng (liên quan đến việc họ tác động đến quá trình thực hiện thủ tục xin thành lập), điều này tác động tiêu cực đến hình ảnh, tính độc lập trong hành nghề, nguồn gốc của việc cạnh tranh không lành mạnh do chạy theo lợi nhuận, chỉ vì mục đích lợi nhuận;
– Thứ 3, Tạo sự bất bình đẳng trong hành nghề giữa những công chứng viên thành lập được những Văn phòng ở những vị trí trung tâm, thuận lợi và các Công chứng viên sau này;
– Thứ 4, quy hoạch tỏ ra không hiệu quả, các vị trí thuận lợi để hành nghề, với nhu cầu công chứng cao, giao dịch lớn, phức tạp, có rất nhiều Công chứng viên có năng lực, đạo đức muốn xin thành lập Văn phòng tại địa điểm đó thì theo quy hoạch không cho phép, tuy nhiên, các địa bàn khó khăn thì nhiều địa phương cũng không có hồ sơ xin thành lập vì nhu cầu công chứng thấp, Văn phòng nếu thành lập sẽ không hiệu quả nên không có công chứng viên nộp hồ sơ xin phép thành lập. Văn phòng công chứng tổ chức theo mô hình công ty hợp danh và thu chi như doanh nghiệp nên không thể sử dụng quy hoạch, cấm đoán để điều khiển mạng lưới Văn phòng công chứng mà phải tuân theo quy luật cung cầu.
Dường như, lý lẽ của quy hoạch sử dụng công cụ hành chính tỏ ra không phù hợp với phát triển nghề công chứng hiện nay mà chỉ bảo vệ lợi ích bất bình đẳng của các Văn phòng đã thành lập trước ở vị trí thuận lợi.
Nên chăng bỏ quy hoạch theo Quyết định 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 quyết định phê duyệt “QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG ĐẾN NĂM 2020” vì giai đoạn hiện nay tỏ ra không còn phù hợp để thúc đẩy quá trình xã hội hóa và tạo sự công bằng trong hành nghề. Các địa phương chỉ nên đưa ra tiêu chí riêng cho từng địa bàn đặc thù để các Công chứng viên đủ điều kiện theo Luật Công chứng có quyền thành lập Văn phòng ở những nơi mình muốn như thành lập doanh nghiệp thông thường, thay vì đưa quy hoạch để ngăn cản thì chúng ta nên phát triển các tổ chức Hội công chứng viên có tính độc lập, thực hiện tốt việc tự quản và cơ quan quản lý kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm.