Di chúc miệng và những điều kiện có hiệu lực

Di chúc là việc thể hiện ý nguyện của người còn sống về việc định đoạt tài sản của mình sau khi đã qua đời. Di chúc phải được lập thành văn bản, nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa mang trọng bệnh, tai nạn hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

1. Di chúc miệng được coi là hợp pháp khi:
– Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc;
– Không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép;
– Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội;
– Hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật;
– Người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 2 người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.

✔ Nếu di chúc bằng miệng, người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc, phải có 02 người làm chứng, riêng những người sau không được làm chứng:
– Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
– Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
– Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự

✔ Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực. Nếu sau ba tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc vẫn còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng sẽ mặc nhiên bị hủy bỏ (Điều 651 BLDS 2005).

2. Hiệu lực pháp luật của di chúc
✔ Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế.
✔ Di chúc không có hiệu lực pháp luật toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:
+ Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
+ Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế.

Trong trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực pháp luật.

– Di chúc không có hiệu lực pháp luật, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.

– Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực pháp luật.

– Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật.

Lưu ý: Đối với hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng thì có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết.

3. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc:
Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản:
✔ Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
✔ Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.