Báo động nạn làm giả giấy tờ khi công chứng

Báo động nạn làm giả giấy tờ khi công chứng

Hiện nay xuất hiện nhiều trường hợp sử dụng giấy tờ, tài liệu giả hoặc mạo danh người khác ký tên trên hợp đồng, giao dịch liên quan đến các tài sản như nhà ở, quyền sử dụng đất… có giá trị lớn, tại các tổ chức hành nghề công chứng để lừa đảo. Điều này gây bất an cho các công chứng viên (CCV), cũng là nỗi ám ảnh cho người dân khi thực hiện giao dịch vì họ rất dễ trở thành nạn nhân.

“Nhờ” chồng giả đi công chứng

Năm 2015, bà T. yêu cầu Văn phòng công chứng (VPCC) Phú Mỹ Hưng công chứng hợp đồng ủy quyền. Nội dung là chồng bà (ông H.) sẽ ủy quyền cho bà được quyền định đoạt phần tài sản của chồng đối với bốn tài sản ở các huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh.

Năm 2016, VPCC nhận được khiếu nại của ông H. cho rằng bà T. làm giả giấy tờ, dùng hộ chiếu giả, cho người đóng giả ông đến VPCC để làm ủy quyền nói trên. Ông H. dẫn chứng thời điểm này ông đang điều trị bệnh ung thư tại bệnh viện và ở nước ngoài nên không thể đi ký ủy quyền. Cũng theo ông H., bà T. làm giả giấy tờ trước khi bà gửi đơn ly hôn ông (tòa thụ lý vụ ly hôn tháng 6-2016). Từ đó ông đề nghị Sở Tư pháp xử lý CCV vì ông cho rằng có hành vi tiếp tay cho bà T.

Lập tức VPCC Phú Mỹ Hưng gửi công văn đến Sở Tư pháp ngăn chặn giao dịch đối với các tài sản liên quan đến hợp đồng ủy quyền giữa ông H. và bà T. đã ký. Đồng thời, ngày 13-6, VPCC gửi đơn (kèm hồ sơ liên quan) đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Nhà Bè (TP.HCM) yêu cầu điều tra về hành vi lừa đảo của bà T. Cụ thể là bà T. làm giả chữ ký, dấu vân tay trong hộ chiếu của chồng để người khác ký bốn hợp đồng ủy quyền cho bà được toàn quyền định đoạt tài sản. Thế nhưng ngày 28-7, Công an huyện Nhà Bè có thông báo không khởi tố vụ án hình sự. Lý do đây chỉ là tranh chấp dân sự, không có việc phạm tội.

Do công an không khởi tố vụ án hình sự nên VPCC đang làm thủ tục khởi kiện ra tòa yêu cầu tuyên bố vô hiệu các hợp đồng ủy quyền đã chứng nêu trên.

Báo động nạn làm giả giấy tờ khi công chứng - ảnh 1
Người dân đang làm thủ tục công chứng tại Phòng công chứng số 1, TP.HCM. Ảnh: KP

Làm giả, bị tráo giấy tờ nhà, đất

Ngày 25-2-2017, Phòng công chứng (PCC) số 7 tiếp nhận yêu cầu giao dịch nhà, đất của ông Th. (trú phường 13, quận 6). Tài sản này được UBND quận 6 cấp giấy chứng nhận (GCN) cho ông Th. vào năm 2011. Khi làm thủ tục công chứng, CCV phát hiện giấy này có dấu hiệu giả mạo nên đã lập biên bản thu giữ bản chính để xác minh.

Kết quả xác minh tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 6 thì GCN mà ông Th. cung cấp khác giấy mà nơi đây đang lưu giữ. Vì thế PCC đã tạm giữ GCN, gửi công văn kèm tài liệu liên quan đề nghị Công an quận 6 khởi tố, điều tra về hành vi giả mạo giấy tờ. Ngày 9-5, Công an quận 6 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra nhưng do chưa xác định được đối tượng thực hiện hành vi làm giả con dấu, tài liệu nên hai tháng sau đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra.

Trường hợp của vợ chồng ông Nguyễn Minh Hùng thì ngược lại, họ là chủ sử dụng thật sự nhưng bị tráo lấy GCN thật khiến bất đắc dĩ phải giữ giấy giả. Cụ thể, ngày 31-5, vợ chồng ông Hùng đến PCC số 7 ký công chứng hợp đồng bán thửa đất được UBND quận Bình Tân cấp GCN năm 2005. CCV phát hiện GCN ông Hùng cung cấp có vấn đề nên xác minh. Kết quả cho thấy năm 2010 vợ chồng ông Hùng đã công chứng hợp đồng ủy quyền cho ông M. được định đoạt thửa đất nêu trên tại PCC số 4. Nay ông bà tiếp tục dùng giấy này đi giao dịch là vi phạm.

Khi đối chiếu hồ sơ, giấy tờ phát hiện có người khác đã mạo danh vợ chồng ông Hùng (chữ ký, chữ viết khác nhau) để ký hợp đồng ủy quyền trước đó. Vợ chồng ông là chủ sử dụng lô đất thật nhưng GCN đang giữ là giấy giả. Từ đó PCC chuyển hồ sơ để Công an TP xác minh, khởi tố.

Ngày 13-12 mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM có văn bản hỏi PCC có đang tạm giữ bản chính GCN mà vợ chồng ông Hùng dùng để giao dịch không, nếu có thì đề nghị bàn giao để phục vụ công tác điều tra.

Vì sao khó phát hiện, xử lý?

Về vụ việc tại VPCC Phú Mỹ Hưng, bà Trịnh Thị Thanh Hương, Trưởng VPCC này, cho rằng khi công chứng hợp đồng ủy quyền, CCV đã kiểm tra kỹ, đối chiếu dấu vân tay thấy trùng khớp nên không phát hiện. Khi bị ông H. khiếu nại, VPCC cũng chưa phát hiện vì việc làm giả giấy tờ quá tinh vi, phải chờ kết quả giám định mới biết. Văn phòng đã họp rút kinh nghiệm và tìm hiểu nguyên nhân, cách thức làm giả và phương án phòng ngừa. Theo đó biện pháp trước mắt là nếu trước đây khi công chứng chỉ lăn tay hai ngón trỏ (trái, phải) thì hiện nay phải lăn đủ 10 ngón, để công an dễ nhận dạng các đối tượng.

Ngày 16-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, cán bộ Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Nhà Bè, người trực tiếp thụ lý vụ việc, đã lý giải về những khó khăn khiến không thể khởi tố vụ án.

Theo đó, bà T. khai tiền mua bốn tài sản trên chủ yếu là của một người em ruột, khi bà muốn bán để lấy tiền làm ăn thì ông H. không hợp tác. Sau đó bà lấy hộ chiếu của ông H., tìm người đóng giả đến VPCC ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản. ông H. thì phủ nhận việc mình không hợp tác. Qua xác minh, công an phát hiện ông H. có hai hộ chiếu, hộ chiếu đầu được làm từ năm 2009 và ông làm lại cái khác với lý do mất, bà T. không biết nên lấy hộ chiếu cũ đi công chứng.

Công an đã làm việc với chị em bà T., ông H. và xác định nguồn gốc bốn tài sản thì thấy chỉ có một tài sản do bà T. mua, còn lại do em bà trực tiếp ký hợp đồng mua…

Từ lời khai của các bên liên quan, đặc biệt là lời khai bất nhất của ông H. về việc mất hộ chiếu, Công an huyện nhận định rằng đây là tranh chấp dân sự giữa bà T. và ông H. “Đây là trường hợp rất hiếm xảy ra vì đa số là lừa theo kiểu bên A có nhà, thế chấp, đưa giấy tờ cho bên B. Sau đó bên B mới xin bản phôtô giấy CMND, hộ khẩu của A rồi làm giả CMND mang tên A, dùng ảnh người khác đưa vào. Cuối cùng họ dùng giấy tờ này đi bán nhà hoặc thế chấp ngân hàng” – vị cán bộ nói.

Cũng theo cán bộ Công an huyện, nguyên nhân một phần từ việc các tổ chức hành nghề công chứng làm không kỹ ngay từ đầu và các CCV chưa đủ khả năng phân biệt được giấy tờ giả. Cạnh đó, khi có vấn đề nảy sinh thì trách nhiệm của các tổ chức công chứng hầu như không có…

Giải pháp nào tháo gỡ?

Chiều 19-12, Sở Tư pháp TP sẽ tổ chức (UBND TP.HCM chủ trì) hội nghị về các giải pháp phòng ngừa, xử lý tình trạng giả mạo trong hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn TP. Mục đích của hội nghị nhằm kịp thời nắm bắt thực trạng giả mạo giấy tờ, mạo danh chủ thể trong hoạt động công chứng, chứng thực tại TP.HCM; đánh giá kết quả phát hiện, xử lý, phòng ngừa tình trạng này và thảo luận, phân tích mặt đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân… Qua đó đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả việc phát hiện, xử lý, phòng ngừa.

Thành phần tham gia hội nghị gồm các phòng ban chuyên môn thuộc Sở Tư pháp TP; Văn phòng UBND TP; Tòa án, VKSND và Công an TP; Sở TN&MT; Văn phòng Đăng ký đất đai TP; Cục Thuế TP; Sở TT&TT; Hội CCV; Phòng Tư pháp quận/huyện; các phường/xã và các tổ chức hành nghề công chứng.

KIM PHỤNG – NGUYỄN TÂN

admin