– Thời gian gần đây, cụm từ “startup” thường xuyên được nhắc đến và ngày càng trở nên quen thuộc. “Startup” được Việt hóa và gọi ngắn gọn là “khởi nghiệp”. Startup không chỉ được dùng ở cấp độ công ty, doanh nghiệp mà còn được dùng ở cấp độ thành phố, quốc gia.
Tuy được nói đến nhiều nhưng startup thật sự là gì thì đến nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất.
Để thực hiện Chương trình “Start Up India, Stand Up India”, trong thông báo ngày 17-2-2016, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (Vụ Xúc tiến và Chính sách công nghiệp) đã đưa ra định nghĩa về “startup”. Theo đó, một tổ chức được coi là một startup nếu hội đủ các yếu tố: (i) Được thành lập, đăng ký hoạt động chưa quá năm năm; (ii) Doanh thu tài chính mỗi năm không vượt quá 250 triệu rupee; và (iii) Hoạt động hướng tới sự đổi mới, phát triển, triển khai và thương mại hóa các sản phẩm, quy trình hoặc các dịch vụ mới dựa trên công nghệ hoặc sở hữu trí tuệ”.
Tuy định nghĩa này chưa hẳn là chuẩn mực chung cho tất cả các startup trên thế giới nhưng cũng rất đáng tham khảo.
Như vậy, nhìn chung “startup” không chỉ đơn thuần là “khởi nghiệp” mà “startup” được hiểu là “công ty khởi nghiệp”, “doanh nghiệp khởi nghiệp”, là những doanh nghiệp trong giai đoạn khởi nghiệp (giai đoạn đầu thành lập và hoạt động) với ngành, nghề kinh doanh mang tính đổi mới và sáng tạo cao.
Theo một thống kê gần đây, khoảng 90% các startup thất bại và một trong 20 lý do thất bại là rào cản pháp lý. Các thủ tục pháp lý phức tạp với các thủ tục hành chính “hành là chính” sẽ là rào cản đối với các startup và có thể bóp chết những giấc mơ khởi nghiệp.
Việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và cộng đồng startup nói riêng. Ngay chính người đứng đầu Chính phủ cũng phải thốt lên: “Thủ tục rườm rà, lót tay, tiêu cực… tôi rất buồn!”. Một môi trường kinh doanh mà việc bán phở, bán cà phê cũng có “tiềm năng” trở thành tội phạm và cơ quan chức năng chỉ chực chờ để khởi tố (vụ quán phở “Xin chào” ở huyện Bình Chánh, TPHCM) thì không thể là một môi trường kinh doanh thân thiện, an toàn, kích thích sự đổi mới, sáng tạo cho các startup.
Cần hoàn thiện các quy định của pháp luật, cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa, hướng đến sự minh bạch, công bằng và đội ngũ cán bộ, công chức phải thật sự “thay thái độ, đổi tư duy”, phải vì dân phục vụ.
Đặc biệt, Nghị quyết 35 của Chính phủ đã chú trọng đến “doanh nghiệp khởi nghiệp” với nguyên tắc “Nhà nước có chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển”. Nhưng ngoài Nghị quyết 35, từ trước đến nay, hầu như doanh nghiệp khởi nghiệp (startups) chưa được đề cập nhiều trong các chính sách và các quy định của pháp luật. Do đó, cần có khung pháp lý, những quy định đặc thù để tạo động lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các startup ra đời và phát triển, hướng đến mục tiêu “thành phố khởi nghiệp”, “quốc gia khởi nghiệp”.
Hiện nay, luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được xây dựng, sẽ đưa ra dự thảo để lấy ý kiến đóng góp trong năm nay. Tuy các “doanh nghiệp khởi nghiệp” chưa hẳn đồng nhất với các doanh nghiệp nhỏ nhưng có thể nghiên cứu, ghi nhận doanh nghiệp khởi nghiệp vào trong luật này nhằm ghi nhận chính thức cộng đồng doanh nghiệp này, hướng tới xây dựng một hành lang pháp lý, khung pháp lý hỗ trợ tích cực cho các startup có thể lớn mạnh. Khung pháp lý hỗ trợ cho các startup cũng có thể như hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng với những điều kiện đặc thù hơn, bao gồm hỗ trợ về thủ tục pháp lý gia nhập thị trường; hỗ trợ về tài chính, thuế khóa; hỗ trợ về tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, phát triển thị trường; hỗ trợ về cung cấp thông tin, tư vấn kinh doanh, lao động và nguồn nhân lực, hỗ trợ liên kết với các doanh nghiệp khác… Hơn lúc nào hết, pháp luật cần phải là động lực thúc đẩy sự phát triển chứ không phải là rào cản trong kinh doanh và càng không phải là lý do thất bại của các startup.