Công chứng ‘cô đơn’ chống giấy tờ giả

Công chứng ‘cô đơn’ chống giấy tờ giả

Công chứng ‘cô đơn’ chống giấy tờ giả

(PL)- Nạn giả người, giả giấy tờ công chứng ngày càng nhiều và tinh vi nhưng công an bị vướng trong xử lý vì luật chưa được giải thích rõ.

Ngày 8-11, Pháp Luật TP.HCM đã tổ chức tọa đàm “Giấy tờ giả và trách nhiệm của công chứng viên (CCV)”. Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh tại TP.HCM xuất hiện nhiều trường hợp sử dụng giấy tờ, tài liệu giả hoặc mạo danh chủ tài sản đi ký công chứng mua bán nhà, đất chiếm đoạt tiền.

Giấy tờ giả bủa vây công chứng 

Ông Nguyễn Trí Hòa, Phó Chủ tịch Hội CCV TP.HCM, nêu đã xảy ra nhiều vụ làm giả giấy tờ, giả mạo người đi công chứng hợp đồng, giao dịch nhà, đất để chiếm đoạt tiền. Nếu tình trạng này không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến nhiều hậu quả. Hầu như ngày nào công chứng cũng phát hiện giấy tờ giả mạo.

Ông Hòa nói: “Có cả chuyện ở quận Tân Bình, người chồng nhờ người khác đóng giả vợ mình làm giấy ủy quyền để bán nhà. Ngược lại, ở quận 2 thì vợ thuê người giả chồng ủy quyền bán nhà. Có vụ lấy giấy tờ thật, nhờ người giúp việc nhà đi đóng giả cha mẹ mình để ra công chứng để bán nhà…”. 

Ông Hoàng Mạnh Thắng, Trưởng phòng Công chứng số 7, cho rằng việc giả mạo trong công chứng phải nói là đang bủa vây công chứng. Nhiều vụ phát hiện giả mạo, các tổ chức công chứng báo công an địa phương để phối hợp xử lý (kèm theo hồ sơ thông tin vụ việc, kiến nghị khởi tố vụ án…). Tuy nhiên, nhiều trường hợp không có lối ra vì công an không tìm được người làm giả giấy tờ nên sau đó phải tạm đình chỉ điều tra. 

Theo ông Thắng, một số CQĐT còn có quan điểm cho rằng khi tổ chức hành nghề công chứng phát hiện ra vi phạm thì chưa có hậu quả xảy ra nên không thể khởi tố vụ án. Tức là phải chứng minh được việc người sử dụng biết đó là giấy tờ giả và thực hiện các hành vi trái pháp luật thì mới có thể khởi tố.

Ngoài ra, nhiều trường hợp sử dụng giấy tờ giả mà hành vi trái pháp luật chưa hoàn thành thì cũng không xử lý hình sự được. Thực tế này gây không ít khó khăn cho các tổ chức hành nghề công chứng trong phối hợp.

Ông Hoàng Trọng Nghĩa, Phó phòng Công chứng số 4, cũng cho rằng rất khó phát hiện đối với những loại giấy tờ giả tinh vi. Chưa kể khi gặp những trường hợp giấy giả nhưng phôi thật thì đây cũng là ca quá khó đối với CCV khi nhận biết bằng mắt thường.


Toàn cảnh buổi tọa đàm “Giấy tờ giả và trách nhiệm của công chứng viên”. Ảnh: HOÀNG GIANG

Khó xử hình sự vì quy định chưa rõ

Lý giải việc CQĐT phải tạm đình chỉ điều tra nhiều vụ giả mạo giấy tờ công chứng, điều tra viên Lê Việt Hùng (Công an quận Bình Tân) cho rằng do quy định pháp luật đang vướng. Điều 341 BLHS 2015 (tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức…) quy định đối tượng phải thực hiện hành vi trái pháp luật. Trong khi hành vi trái pháp luật là gì thì chưa được hướng dẫn cụ thể. Điều này dẫn đến cách hiểu và vận dụng khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, khi đã hết thời hạn điều tra mà vẫn chưa tìm ra bị can thì phải tạm đình chỉ vụ án. 

Ông Hùng dẫn chứng vụ một nhân viên ngân hàng làm giả giấy xác nhận tạm trú của công an để làm thủ tục vay tiền. Công an quận Bình Tân đã xác định đây là hành vi làm giả giấy tờ nên khởi tố vụ án. Nhưng VKS cho rằng giấy tờ, tài liệu này chưa sử dụng vào hành vi trái pháp luật nên không phê chuẩn, sau đó phải quay về xử phạt hành chính.

Ông Đoàn Quốc Việt, Đội trưởng Đội Điều tra thẩm định án, Công an TP.HCM, lưu ý: Các CCV phải tự tìm cách thoát được “bẫy” giấy tờ giả, người giả. Bởi nó phụ thuộc khá nhiều vào năng lực và trách nhiệm CCV, trừ khi giấy tờ bị làm giả quá tinh vi thì khó cho CCV. 

“Các CCV hết sức lưu ý phải làm đúng quy định Luật Công chứng, tránh bỏ sót quy trình công chứng để loại trừ tối đa hậu quả có thể xảy ra. Chẳng hạn, luật quy định việc đó phải công chứng tại trụ sở mà CCV lại ra ngoài trụ sở ký là sai quy định” – ông Việt lưu ý. 

Một khó khăn nữa khi xử lý đối tượng làm giả giấy tờ là họ không để lại dấu vết và thông tin cá nhân khiến việc tra cứu của CQĐT khó khăn. 

Ông Việt nói: “Tôi cũng đồng ý với anh Hùng là quy định hiện nay rất khó xử vì hành vi trái pháp luật là hành vi như thế nào chưa có hướng dẫn cụ thể. Do vậy, khi pháp luật còn bất cập thì các CCV phải tuân thủ đúng quy trình công chứng để tránh tối đa mọi sai sót dẫn đến thiệt hại.

Lừa tinh vi, khó phát hiện

Kẻ giả mạo tiếp cận chủ nhà bằng cách giả là người muốn mua nhà để lấy thông tin qua bản phôtô sổ đỏ, giấy tờ tùy thân. Sau khi làm giả các giấy này, họ quay lại đặt cọc cho chủ nhà kèm yêu cầu xem sổ đỏ bản chính rồi đánh tráo giấy đỏ.

Tiếp đó, các đối tượng làm giả giấy tờ tùy thân với kỹ thuật cao, sử dụng hình ảnh và dấu vân tay của người mạo danh để đi công chứng bán nhà. Vì vậy CCV rất khó phát hiện, kể cả khi kiểm tra bằng hình thức điểm chỉ, lăn dấu vân tay để đối chiếu trong giấy tờ tùy thân cũng không thể phát hiện.

Ông HOÀNG MẠNH THẮNGTrưởng phòng Công chứng số 7

Công việc của công chứng viên rủi ro rất cao

Dù có thực hiện đúng quy định, quy trình thì cũng không thể loại trừ rủi ro 100% cho CCV được. Nếu các CCV không có hành vi trái luật nhưng bản án của tòa vẫn buộc tổ chức công chứng phải liên đới bồi thường thiệt hại thì có đúng luật hay chưa? Bởi tòa không xác định lỗi của CCV thì sao chúng tôi phải liên đới bồi thường thiệt hại? Thậm chí nếu phải liên đới thì tòa án cũng phải phân định rõ phần bồi thường: Bị cáo bao nhiêu, CCV bao nhiêu.

Bà PHAN THỊ BÍCH HÀTrưởng Văn phòng công chứng Phú Nhuận 

Bị “qua mặt”, phải bồi thường?

CCV Lý Thị Như Hòa, Trưởng Văn phòng công chứng Lý Thị Như Hòa, chia sẻ cần xem lại việc khi xét xử các đối tượng sử dụng giấy tờ giả, tòa án thường tuyên buộc tổ chức hành nghề công chứng phải liên đới bồi thường thiệt hại. Bởi khi đã bị “qua mặt” thì CCV không có lỗi trong việc không phát hiện ra giấy tờ giả mạo do bị cáo thực hiện quá tinh vi. 

Theo bà Hòa, lẽ ra tòa án phải để lại vấn đề bồi thường dân sự khi chưa tìm ra được người làm giả giấy tờ (phiên xử chỉ xét xử người sử dụng giấy tờ giả). Bởi vì quá trình điều tra, cả công an, VKS xác định là CCV không có lỗi nhưng tòa lại xử văn phòng công chứng phải bồi thường là chưa thỏa đáng. 

Đáp lại, thẩm phán Châu Kim Anh, Phó Chánh Tòa Dân sự TP.HCM, cho rằng trách nhiệm của CCV là nếu thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Trong những vụ liên quan đến giả mạo trong công chứng mà tòa đã xét xử thì thiệt hại xảy ra là có thật. Ngoài ra, luật cũng quy định vấn đề thiệt hại phải được giải quyết triệt để trong vụ án hình sự, chứ không thể để lại phần bồi thường dân sự. Nói cách khác, việc bồi thường không thể tách ra để chờ giải quyết sau được mà phải giải quyết cùng vụ án. 

Thẩm phán Anh nói: “Các CCV phải tự cứu mình trước mọi việc, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra khi phải bồi thường thiệt hại do không nhận diện được giấy tờ giả. Các tổ chức hành nghề công chứng buộc phải mua bảo hiểm để khi có thiệt hại xảy ra thì được bồi thường thỏa đáng”.

Phải đảm bảo đúng quy trình, thủ tục công chứng

Sở Tư pháp sẽ tổng hợp tất cả loại thủ đoạn liên quan đến việc giả người, giả giấy tờ để phổ biến rộng rãi đến gần 100 tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP. Mục đích là để CCV nâng cao cảnh giác, nhất là các thủ đoạn mới của các đối tượng. Mặt khác, các CCV phải làm đúng quy trình công chứng, thậm chí cả kỹ năng lăn tay cũng phải chuẩn. Ngoài ra, cần phối hợp tốt với công an nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng để kịp thời xử lý nạn giả người, giả giấy.


Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Huỳnh Văn Hạnh phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: HOÀNG GIANG 

Sắp tới, sở sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng và đa dạng loại hình phổ biến hơn nữa để nâng cao cảnh giác của người dân. Sở cũng sẽ phối hợp xử lý, tăng cường thanh tra để xem lĩnh vực công chứng có gì chưa chuẩn thì hướng dẫn, giúp đỡ các CCV. Qua đây cũng là cơ hội để cơ quan quản lý phát hiện mô hình hay, cách làm mới nhằm nhân rộng để cùng nhau tránh được hậu quả đáng tiếc.

Hiện nay sở đang phối hợp với Sở TN&MT để liên thông cơ sở dữ liệu về nhà, đất. Hệ thống thông tin công chứng trên địa bàn TP thì ổn nhưng nếu từ tỉnh này qua tỉnh khác thì quá khó khăn. Sở đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xây dựng phần mềm bổ trợ liên thông quốc gia có phần công chứng liên thông toàn quốc.

Ông HUỲNH VĂN HẠNHGiám đốc Sở Tư pháp TP.HCM

KIM PHỤNG

admin